Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ sang EU

Thứ năm, 14/03/2019, 09:35 AM

EU là thị trường quan trọng hàng đầu của hải sản nói chung, cá ngừ nói riêng. XK cá ngừ sang thị trường này đang triển vọng tăng trưởng mạnh trong năm 2019 nhờ cơ hội từ hạn ngạch thuế quan, EVFTA, sản lượng khai thác ở EU...

 Thương lái thu mua cá ngừ đại dương

Thương lái thu mua cá ngừ đại dương

Theo VASEP, trong năm 2018, XK cá ngừ sang EU đạt 158 triệu USD, tăng 11,5% so với năm 2017. Dù là mặt hàng hải sản duy nhất vẫn duy trì sự tăng trưởng XK sang EU, nhưng mức tăng về giá trị XK cá ngừ sang EU trong năm qua chỉ bằng 1/2 mức tăng của năm 2017 (tăng 23%).

Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của Thẻ vàng IUU dẫn tới những vướng mắc trong thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai khác; bất cập và thiếu đồng bộ trong quy định và cơ sở hạ tầng, kỹ thuật... Dù vậy, EU vẫn là thị trường thứ 2 của cá ngừ Việt Nam khi chiếm 24,578% tổng gia trị XK.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, PCT VASEP, cho biết, năm 2019, với thị trường EU, ngành hàng hải sản đề ra mục tiêu XK đạt 420 triệu USD (tăng 8% so năm 2017). Trong đó, cá ngừ là mặt hàng chủ lực với mục tiêu XK đạt 200 triệu USD (tăng 25%). Qua đó, góp phần quan trọng vào mục tiêu chung của XK cá ngừ trong năm nay là cán mốc 1 tỷ USD, tăng gần 300 triệu USD so năm 2018.

Mục tiêu của ngành hải sản về việc tăng mạnh giá trị XK cá ngừ sang EU trong năm nay, trước hết dựa vào tình hình giá cả hiện nay. Năm 2018 cho thấy nhu cầu tiêu thụ cá ngừ ở EU đã bão hòa khi giảm về lượng NK (giảm 5% so năm 2017), nhưng giá trị NK lại tăng tới 11% và đạt hơn 5 tỷ USD.

Lượng giảm nhưng giá trị NK lại tăng, cho thấy giá cá ngừ trên thị trường thế giới đã tăng khá nhiều trong năm 2018. Giá cá ngừ ở Malta tăng cao do sản lượng khai thác bị giảm, khiến cho nguồn cung cho các nước EU bị hạn chế. Vì vậy, nhiều nước EU đã tăng cường tìm kiếm nguồn cung cá ngừ từ Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc…

Dự kiến trong những tháng đầu năm nay, sản lượng cá ngừ khai thác tại các vùng biển vẫn thấp, khiến cho giá cá ngừ Malta vẫn ở mức cao, nguồn cung hạn chế. Do đó, các nước EU vẫn sẽ tăng cường tìm kiếm nguồn cung từ các nước ngoài khối.

Đặc biệt, EU vẫn đang cấp hạn ngạch NK miễn thuế 25.000 tấn thăn/philê cá ngừ hấp chín từ những nước chưa có thỏa thuận thương mại tự do với EU, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh XK cá ngừ sang EU ngay cả khi EVFTA chưa có hiệu lực. Tất nhiên, sau khi EVFTA chính thực có hiệu lực, cơ hội XK cá ngừ sang EU còn mở rộng hơn nữa.

Tuy nhiên, ngành hàng cá ngừ vẫn đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về nguyên liệu khai thác. Vì vậy, theo VASEP, các DN cá ngừ sẽ chú trọng vào khâu NK nguyên liệu để gia công chế biến XK. Năm 2018, NK cá ngừ nguyên liệu là 354 triệu USD, tăng tới 31% so 2017.

Bên cạnh đó, hầu hết sản phẩm cá ngừ nếu không được cấp chứng nhận “An toàn cá heo” sẽ không được chấp nhận tại Mỹ, EU, Canada, Úc, New Zealand. Do đó, điều kiện tiên quyết để các DN khi tham gia vào ngành chế biến cá ngừ XK là phải tham dự Chương trình “An toàn cá heo” của EII. Đồng thời các DN phải tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh cho cá ngừ Việt Nam.

SƠN TRANG

Theo nongnghiep.vn