Đâu là nguyên nhân thất bại của việc chống ngập ở TP.HCM?

Thứ bảy, 14/07/2018, 17:42 PM

Khi dự án “siêu” đê biển Vũng Tàu – Gò Công bị giới chuyên môn đánh giá khó khả thi, thì bài toán chống ngập lụt của TP.HCM hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cần được tính toán ở góc nhìn rộng hơn chứ không chỉ đơn thuần chống ngập về kỹ thuật.

Một trận mưa được coi là lớn nhất cho đến nay của năm 2018, với vũ lượng lên đến 119 mm, kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ vào chiều tối ngày 19.5, đã khiến trên 30 tuyến đường của TP.HCM ngập sâu trong nước; dù thời điểm này đỉnh triều cường sông Sài Gòn thấp chỉ 1.25 m. Đã có những nơi mất đến hơn 3 tiếng đồng hồ mới rút hết được nước. Cá biệt, có những khu vực trũng thấp bị ngập tới 60 cm, nước ô nhiễm, rác rưởi “ồ ạt” tấn công vào nhà nhiều người dân, vật dụng hư hỏng, cuộc sống bị đảo lộn, giao thông tê liệt,…

Dù đây đã là tình trạng quen thuộc của TP.HCM vào mỗi mùa mưa, thậm chí vài năm gần đây ở cả mùa khô, thì người dân vẫn chưa thích nghi được với nó.

Tình trạng ngập khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân thành phố bị đảo lộn - Ảnh: Hữu Khoa

Tình trạng ngập khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân thành phố bị đảo lộn - Ảnh: Hữu Khoa

Giải pháp trước mắt: cải tạo hệ thống thoát nước

Giới chuyên môn cho rằng cần nhìn rõ bản chất nguyên nhân gây ngập thành phố hiện tại và giải quyết ngay nó. Đó là tình trạng bê tông hóa, san lấp hệ thống kênh rạch, không có dung tích điều tiết nước, hệ thống cống thoát nước nhỏ, không phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu,…

Báo cáo tổng kết của công ty Kim Minh khi khảo sát hàng trăm điểm ngập tại TP.HCM cho thấy, nguyên nhân ngập do triều chỉ chiếm khoảng 14 - 28 % các điểm ngập, còn 50 - 68 % điểm ngập do mưa là chính. Thực tế cũng minh chứng, rất nhiều đô thị khác của Việt Nam hiện nay như Hà Nội, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột,… dù không ảnh hưởng bởi triều nhưng vẫn bị ngập. Đó là vì chung một “bệnh” như trên.

Ngập sau một cơn mưa lớn tại đường Phan Huy Ích, Gò Vấp vào tháng 5.2018 vừa qua. Ảnh: Lê Quân

Ngập sau một cơn mưa lớn tại đường Phan Huy Ích, Gò Vấp vào tháng 5.2018 vừa qua. Ảnh: Lê Quân

Cho tới nay, chính quyền thành phố đang triển khai nhiều dự án chống ngập thuộc 2 quy hoạch chính: Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020 (gọi tắt quy hoạch 752); và Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM (gọi tắt Quy hoạch 1547).

Tuy được phê duyệt cách đây từ 10 – 20 năm, nhưng cho đến nay, khối lượng công việc của hai quy hoạch này đạt được rất thấp.

Theo báo cáo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, hiện hệ thống cống thoát nước trong phạm vi 650 km2 chỉ mới xây mới và cải tạo được 2,593/6,000 km (đạt khoảng 40%).  

Cũng vậy, dù đã cố gắng tập trung thực hiện bằng nhiều giải pháp và huy động nhiều nguồn lực nhưng hiện thành phố chỉ mới cải tạo được 60.3km/4,369 km sông, kênh, rạch (đạt khoảng 1,38%) trên 4 trục tiêu thoát nước chính (Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên; Tàu Hũ - Bến Nghé - Kênh Đôi, Tẻ; Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Tân Hóa - Lò Gốm).

Chỉ 1/10 cống kiểm soát triều, 64/129 km đê bao ngăn triều được hoàn thành.

Và chưa xây dựng được hồ điều tiết nào trong 104 hồ dự kiến.

Trao đổi, Ths.Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM cho rằng: thành phố đã có đầy đủ phương án chống ngập về phương diện kỹ thuật, nhưng cho tới nay, tình trạng ngập vẫn chưa giải quyết được vì không đủ kinh phí triển khai đồng bộ.

Tuy nhiên rất nhiều chuyên gia trong giới cảnh báo: các quy hoạch cho việc chống ngập của thành phố hiện nay đã lạc hậu; công tác dự báo đã không lường hết được diễn biến biến đổi khí hậu (BĐKH) và những yếu tố bất định khác. Nhiều thách thức mới đặt ra như hiện tượng lún đất, mực nước dâng, nhiệt độ, vũ lượng mưa thay đổi do BĐKH,... đòi hỏi các quy hoạch trên phải được cập nhật, điều chỉnh gấp.

Ví dụ, quy hoạch thoát nước mưa dựa vào yếu tố mưa trong 3 giờ tối đa đạt vũ lượng 95.91mm, tương ứng với đỉnh triều 1.32 m. Nhưng trên thực tế, hiện nay đã có những trận mưa trong 1 giờ đạt từ 100 - 122 mm và đỉnh triều đã đạt tới 1.72 m. Trong khi đó, diện tích đô thị hóa hiện nay đã mở rộng ra hơn 800 km2, không còn ở phạm vi 650 km2 như quy hoạch.

Cống kiểm soát Bến Nghé, do tập đoàn Trung Nam đầu tư, đã phải tạm dừng thi công vì chưa được giải ngân. Ảnh: Hữu Khoa

Cống kiểm soát Bến Nghé, do tập đoàn Trung Nam đầu tư, đã phải tạm dừng thi công vì chưa được giải ngân. Ảnh: Hữu Khoa

Kết quả phân tích bằng kỹ thuật INSAR vi phân của PGS.TS Lê Văn Trung, chủ nhiệm bộ môn Hệ thống Thông tin tài nguyên và môi trường, ĐH Bách Khoa TP.HCM cũng cho thấy: tình trạng lún đất hiện đang diễn ra tại nhiều quận huyện với mức 5 – 10 mm/năm. Còn theo kết quả giám sát lún mặt đất từ năm 2010 - 2017, có những khu vực trước đây không bị ngập triều, nhưng do mặt đất hạ thấp và mực nước biển dâng cao theo thời gian đã dẫn đến ngập triều. 

“Bên cạnh cần rà soát, cập nhật các thông số tính toán cho các quy hoạch trước đây, tôi cho rằng quan tâm số một, quan trọng nhất hiện nay là cải tạo hệ thống thoát nước và tăng cường dung tích điều tiết. Đó là mục tiêu chính, ngắn hạn và hiệu quả ngay lập tức, chứ không phải chặn cửa ngoài biển hay xây đê bao bên ngoài, khi mà chúng ta đang rất thiếu vốn. Nước xa không cứu được lửa gần”, Ông Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Nước biến đổi khí hậu ĐH Quốc gia TP.HCM nhận định.

Quy hoạch chống ngập hài hòa quy hoạch đô thị

Nhìn lại, lịch sử chống ngập nước ở TP.HCM đầy tính đối phó theo kiểu mùa vụ và sự vụ: trũng chỗ nào nâng chỗ đó, tắc chỗ nào moi chỗ đó, ngập chỗ nào hút chỗ đó,... Dù đã có hai quy hoạch chống ngập, có xét đến yếu tố BĐKH, nhưng TS - KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia kiến trúc và quy hoạch, vẫn cho rằng thành phố hiện nay chưa thật sự có quy hoạch, chiến lược chống ngập, mà chỉ mới dừng lại ở tầm mức những dự án chống ngập.

Một chiến lược chống ngập trước hết phải quy hoạch được tốt không gian dành cho nước; và việc xây dựng, cải tạo hạ tầng phải được phối hợp tốt giữa các ngành theo một định hướng thống nhất.

Hiện nay, những khu vực ngập nhất lại là khu vực bê tông hóa, lấp hồ, kênh rạch, mật độ xây dựng cao lên gấp chục lần nhưng không hề dành không gian dành cho nước, không gian xanh, mặt nước, hồ điều tiết,…Thực tế cho thấy, nhiều khu vực xây dựng thêm nhà cao tầng gần đây nhưng thiếu quy hoạch cải tạo hạ tầng và quy hoạch tốt không gian dành cho nước, thường bị ngập rất nặng. Điển hình là đường Nguyễn Hữu Cảnh trong khu trung tâm Tp HCM. Dù đường nằm ngay cạnh sông Sài Gòn, nhưng do bị bê tông hóa hết nên khi mưa xuống, ống cống thoát không kịp, mực nước ngập trên bờ cao hơn cả mực nước sông Sài Gòn.

Ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh sau một cơn mưa lớn. Ảnh: Hữu Khoa

Ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh sau một cơn mưa lớn. Ảnh: Hữu Khoa

Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, những khu vực phát triển đô thị phải có một tỉ lệ nhất định giữa diện tích bê tông hóa (xây dựng công trình, làm đường, lề đường,…) với diện tích dành cho nước (sông, hồ, kênh, rạch, không gian xanh, túi nước ngầm,…). Không những không được lấp kênh, hồ,… để xây dựng công trình, mà trái lại, cần mở rộng thêm không gian xanh mặt nước tự nhiên, khi khu vực tăng gia mật độ xây dựng.

Đánh giá về việc phát triển vùng đất thấp ở phía Nam thành phố, ông Sơn nói việc một vài ý kiến  nói rằng không được phát triển phía Nam vì sẽ làm ngập vùng đất cao ở phía Bắc là không có cơ sở khoa học. Phát triển vùng đất thấp phía Nam TP.HCM vẫn khả thi, khi đưa ra được mật độ xây dựng, giải pháp kiến trúc phù hợp yêu cầu cao hơn về không gian dành cho nước, qua đó nâng cao giá trị bản sắc đô thị sông nước.

Tất nhiên, nhìn xa hơn về hiệu quả kinh tế và nguy cơ biến đổi khí hậu, theo ông Sơn, phát triển trên vùng đất cao vẫn tốt hơn trên vùng đất thấp.

Ngoài ra, cần tách riêng quy hoạch giữa khu đô thị mới và khu đô thị chỉnh trang. Quy hoạch khu đô thị mới thường rất dễ kiểm soát chống ngập. Như Thủ Thiêm, Củ Chi, nếu làm đúng theo quy hoạch cốt nền và quy hoạch hạ tầng thoát nước thì sẽ không ngập.

Với khu quy hoạch chỉnh trang, chính quyền thành phố đang lúng túng trong việc xử lý quy hoạch cốt nền và quy hoạch cải tạo hạ tầng phù hợp để chống ngập. Vì vậy, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, thành phố cần phân loại khoanh vùng chống ngập với những giải pháp khác nhau.

Những vùng cao còn tốt thì đảm bảo việc phát triển mở rộng không vượt quá năng lực hạ tầng và không gian dành cho nước.

Còn những vùng đang bị ngập thì xử lý tùy theo hiện trạng.

Một số khu chỉnh trang có thể quy hoạch lại theo hướng chấp nhận sống chung với ngập nhưng với tần suất có thể chấp nhận được. Ông Sơn cho biết, ngay những đô thị tiên tiến như London vẫn có những khu đất thấp chỉnh trang cho phép sống chung với ngập như thế. Vì vậy, người dân sẽ chấp nhận khi thành phố đưa ra thông tin minh bạch cho người dân về tình trạng, cách ứng phó, và lộ trình xử lý cho từng khu vực,…để giúp người dân có thể chủ động hơn trong việc ứng phó với ngập.

Tình trạng quy hoạch chỉnh trang đô thị nhiều năm qua của thành phố là một trong những nguyên nhân gây ngập nặng hơn cho thành phố. Ảnh: TL

Tình trạng quy hoạch chỉnh trang đô thị nhiều năm qua của thành phố là một trong những nguyên nhân gây ngập nặng hơn cho thành phố. Ảnh: TL

10 năm qua, thành phố đã chi gần 30.000 tỷ đồng cho các dự án chống ngập; và để triển khai hoàn thành Quy hoạch 1547 và 752 thì sẽ cần đến khoảng 96.000 tỷ đồng. Đây là một con số không hề nhỏ. Nhưng thực tế hiện nay, Nhà nước vẫn đang phải bỏ hàng tỷ đồng “chạy theo” chống ngập cho các dự án phát triển đô thị - nguyên nhân lớn gây ngập hiện nay. TS Hồ Long Phi cho rằng, thành phố cần có quy định gắn trách nhiệm xây dựng các hồ điều tiết - không gian dành cho nước (hở hoặc ngầm) với chủ đầu tư mỗi dự án phát triển đô thị.

Những giải pháp mềm khác cũng được các chuyên gia đưa ra như người dân cần tự đảm bảo không gian thấm, chứa nước theo diện tích mái nhà, bê tông hóa của mình.

Giãn dân và phát triển vành đai xanh thành phố

Áp lực cơ sở hạ tầng ngày một tăng. Đây là một trong những gánh nặng trong bài toán chống ngập úng hiện nay của TP.HCM. Thống kê, dân số tại chỗ của TP.HCM hiện khoảng 9 triệu người, kể cả khách vãng lai là khoảng 13 triệu người; tốc độ tăng dân số mỗi năm khoảng 200.000 – 250.000 người. Một nghiên cứu bước đầu về “di dân trong bối cảnh bị tác động bởi BĐKH và khả năng đáp ứng cơ sở hạ tầng ở TP.HCM” của nhóm tác giả TS Lê Thị Kim Oanh và TS. Huỳnh Thị Ngọc Tuyết, ĐH Văn Lang cho thấy, tỉ lệ gia tăng dân nhập cư ở TP.HCM phần lớn là cho các dịch vụ đô thị.

Khác với các khu công nghiệp, người dân nhập cư chỉ sống xung quanh khu công nghiệp; ở nhóm dân nhập cư cho dịch vụ đô thị, chính quyền thành phố sẽ rất khó kiểm soát. Xu hướng nhóm này sẽ ở khắp nơi trong các quận nội thành, nơi vốn đã đông dân lại càng đông dân hơn. TS Lê Thị Kim Oanh đánh giá, điều này nguy cơ tăng gánh nặng cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng tiêu cực đến ngập lụt, kẹt xe,… nhiều hơn trong tương lai.  

Vì vậy theo nhiều chuyên gia, chính quyền TP.HCM cần có quan điểm dứt khoát giữ vùng ngoại thành, phát triển vành đai xanh bảo vệ thành phố; không để đất trống khiến dân bán đất ồ ạt như hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia xã hội về quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị, Ủy viên Hội Đồng Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM nhận định, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vừa cung cấp một phần thực phẩm cho thành phố, vừa tái cấu trúc lại hình thái làng xã để giữ và thu hút dân, thu hút du lịch, như home stay,.. là một mô hình rất nên khuyến khích.

Việc phát triển cơ sở hạ tầng, các dịch vụ tiện ích công như trường học, bệnh viện,… ra vùng ven cũng là một chính sách giãn dân cần thiết, tránh phát triển tự phát như hiện nay. Đồng thời cần có chính sách liên kết các vùng bên cạnh để đón dân từ xa.

Đường Lê Văn Lương huyện Nhà Bè trong biển nước. Ảnh: Thành Nguyễn

Đường Lê Văn Lương huyện Nhà Bè trong biển nước. Ảnh: Thành Nguyễn

Suốt hơn 10 năm qua, bài toán chống ngập lụt cho TP.HCM được giao về một đầu mối là Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM. Tuy nhiên thực tế cho thấy, Trung tâm này thực chất chỉ là một ban quản lý dự án; không có chức năng quản lý nhà nước, mọi vấn đề đều phải xin ý kiến cấp cao hơn, không được đề xuất gì mà chỉ có nhiệm vụ thực hiện. Mới đây, UBND TP.HCM vừa có quyết định giải tán Trung tâm, đưa về Sở Giao thông vận tải, thành một bộ phận chuyên quản lý dự án, như đúng bản chất của nó.

Kiểm soát (chứ không chỉ) chống ngập TP.HCM là một bài toán hợp tác đa ngành. Nếu như chống ngập chỉ tìm cách giải quyết hậu quả, thì kiểm soát ngập bao hàm cả việc loại bỏ hay giảm thiều nguyên nhân gây ra ngập. Và như vậy, rất cần một “nhạc trưởng” đủ quyền hành, nguồn lực và chịu trách nhiệm trực tiếp điều phối các ban ngành cùng tham gia quy hoạch kiểm soát ngập cho thành phố. Đó là ai? Câu hỏi này, thành phố vẫn chưa trả lời được.

Lê Quỳnh 

Theo Người Đô Thị

largeer