Đặt kế hoạch lợi nhuận thấp: Doanh nghiệp có thực sự vì cổ đông?
Hàng loạt doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2019 thấp hơn kết quả đạt được năm 2018. Ngoài lý do khó khăn chung của nền kinh tế, một số doanh nghiệp xem chuyện đặt kế hoạch lợi nhuận thấp như thói quen. Doanh nghiệp có thực sự phấn đấu vì cổ đông?
Giảm mạnh lãi năm 2019
Doanh nghiệp đầu ngành thép là Tập đoàn Hòa Phát mới đây đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với mức lãi giảm mạnh so với năm rồi. Cụ thể, dù chỉ tiêu doanh thu tăng 24% (đạt 70.000 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 22% (còn 6.700 tỷ đồng).
Trong năm nay, giai đoạn 1 của Khu liên hợp Gang thép Dung Quất và dây chuyền tôn mạ màu được đưa vào hoạt động giúp doanh thu tăng. Nhưng Hòa Phát dự đoán, giá nguyên vật liệu có xu hướng tăng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Một trong những doanh nghiệp lên sàn chứng khoán đầu tiên là CTCP Cơ điện lạnh (REE) cũng đặt kế hoạch lãi đi lùi. Dù đưa ra mục tiêu doanh thu tăng 10% (đạt 5.577 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận sau thuế giảm đến 18% (còn 1.465 tỷ đồng). Theo lý giải của REE, doanh thu và lợi nhuận từ mảng điện nước dự kiến đều sụt giảm mặc dù đây là mảng REE đã đổ vào hàng ngàn tỷ đồng trong nhiều năm qua và mang về khoản lợi nhuận chính cho công ty.
“Ông lớn” đầu ngành xây dựng là Coteccons (CTD) cũng dự cảm không sáng sủa về kế hoạch kinh doanh năm 2019. Doanh nghiệp này dự báo doanh thu sẽ giảm 5,5% (đạt 27.000 tỷ đồng) và lãi sau thuế giảm đến 14% (đạt 1.300 tỷ đồng). Dù mức giảm không nhiều, nhưng giá trị tuyệt đối là rất lớn nên mức giảm thật sự cũng rất cao.
Lãnh đạo CTD cho rằng, nguyên nhân nằm ở chính sách về quản lý đất công ngày càng được thắt chặt, gây ảnh hưởng lớn đến việc cấp phép và phê duyệt dự án mới. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản, khiến đa số công ty xây lắp rơi vào tình trạng thiếu khách hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận.
Đường Quảng Ngãi (QNS) là doanh nghiệp khá thành công với sản phẩm đường và sữa đậu nành nhiều năm nay. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đặt kế hoạch kinh doanh năm 2019 khá thấp so với kết quả đã đạt được trong năm qua. Năm 2018, QNS chỉ đạt 8.218 tỷ đồng doanh thu và 1.240 tỷ đồng lợi nhuận nhưng năm 2019, QNS chỉ đề ra chỉ tiêu 8.400 tỷ đồng doanh thu và chưa tới 200 tỷ đồng lãi sau thuế, chưa bằng 1/6 mức lợi nhuận QNS thu về trong năm rồi.
Doanh nghiệp có vì cổ đông?
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực xây dựng đang gặp khó từ nhiều phía. Ngay trong báo cáo thường niên năm 2018, ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch CTD cũng than phiền về chính sách quản lý đất công và tín dụng cho bất động sản bị thắt chặt. Lợi nhuận sau thuế quý 1/2019 của doanh nghiệp này cũng bị giảm đến 35% so với cùng kỳ, còn gần 190 tỷ đồng. CTD cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2019, công ty chưa ký được hợp đồng nào. Như vậy, kế hoạch lợi nhuận đi lùi của CTD được ban lãnh đạo dự cảm sát với tình hình thực tế.
Riêng với REE, lợi nhuận năm 2018 đạt khá một phần nhờ khoản lợi nhuận bất thường từ hoàn nhập dự phòng cổ phiếu Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP). Ngoài ra, lợi nhuận thu về từ mảng điện nước có thể giảm là dễ hiểu, do dự báo năm 2019 nắng nóng hơn 2018, dẫn đến sản lượng điện giảm.
Ngược lại, có nhiều doanh nghiệp dù tình hình kinh doanh có nhiều triển vọng nhưng vẫn đặt kế hoạch đi lùi, khiến cổ đông băn khoăn. Điển hình là QNS, dù đạt kết quả lãi cao nhưng ban lãnh đạo vẫn đặt kế hoạch rất thấp. Ngoài kế hoạch năm 2019, năm 2018 QNS cũng chỉ đề ra mục tiêu lãi 194 tỷ đồng dù năm 2017 đạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Trường hợp này còn hiện diện ở Hòa Phát. Có vẻ doanh nghiệp này có thói quen đặt kế hoạch lãi thấp. Lợi nhuận của Tập đoàn Hòa Phát luôn vượt kế hoạch, như năm 2015 vượt 51%, 2016 thì vượt hơn 100%, năm 2017 vượt 33% và vượt 7% trong năm 2018.
Theo ông Hoàng Thạch Lân - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS), ngoài lý do khách quan, các doanh nghiệp đặt mục tiêu lãi thấp hơn thực tế thường vì khoản thưởng của ban điều hành. Ban điều hành hoàn thành kế hoạch thấp thì được thưởng nhiều và dễ nhận thưởng hơn so với kế hoạch tăng trưởng. Tuy nhiên, các cổ đông nhỏ khó thay đổi điều này do ban điều hành cũng chính là các cổ đông lớn của doanh nghiệp.
Chẳng hạn ở Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), cổ đông lớn E-land Asia Holdings Pte., Ltd Singapore nắm trên 43% cổ phần công ty. Vì vậy dù TCM sắp được hưởng thuế 0% từ các hiệp định thương mại tự do và mở bán tòa nhà TC Tower trong năm nay, nhưng TCM vẫn thông qua mức lãi thấp.
Khi đầu tư vào các doanh nghiệp này, nhà đầu tư nên cẩn trọng. Nếu có, theo ông Lân, nên nhìn vào tiềm năng đạt lợi nhuận thực tế so với năm trước đó.
Hoàng Yến
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường