Đánh động về văn hóa giao thông

Thứ ba, 06/03/2018, 10:30 AM

Trước thực trạng vi phạm giao thông ngày càng phức tạp, người điều khiển phương tiện lưu thông ở mọi lứa tuổi chấp hành quy định giao thông quá kém, thậm chí có hành vi không phải vô ý thức mà cố ý, khiến dư luận bức xúc, xã hội cần một sự điều chỉnh và đánh động về văn hóa giao thông.

Cách đây 7 năm, cụ thể ngày 20/5/2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định 34 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Theo NĐ34 có 7 nhóm hành vi vi phạm giao thông sẽ được CSGT, đặc biệt ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM xử phạt với mức tăng nặng trong địa bàn nội thành đô thị so với khu vực ngoại thành từ 40-200%. Việc xử phạt vi phạm không chỉ đối với người điều khiển phương tiện lưu thông bằng xe ô tô, xe máy, xe đạp điện, xe đạp mà cả với người đi bộ.

Trong 7 nhóm hành vi vi phạm mà Nghị định 34 chi phối, có những lỗi rất thông thường trước đây có thể ít ai chú ý và CSGT có thể bỏ qua, nhưng với NĐ34 thì không còn tình trạng bỏ qua nữa mà cần phải đặc biệt quan tâm, thậm chí có hành vi rơi vào tình tiết tăng nặng. Và điều rất cần lưu ý, đây lại là những lỗi vi phạm rất “nhạy cảm” thuộc dạng… hiểu thế nào cũng được, nên phạt cũng được mà không phạt cũng được, phạt nặng hay nhẹ cũng tùy theo cách ứng xử của người vi phạm và tùy theo “vui buồn của người đối diện”, tức anh CSGT.

Do đó, chính những hành vi vi phạm này sẽ sinh ra rắc rối nếu CSGT xử phạt không công tâm, thiếu tính thuyết phục sẽ dẫn đến chuyện cãi vã, không “tâm phục khẩu phục” đối với người vi phạm. Đây là điều rất cần thiết, thể hiện tính văn hóa giao thông giữa người xử phạt và người vi phạm.

Lập lại trật tự giao thông là nhằm chấn chỉnh hành vi vô tình hay cố ý vi phạm giao thông, củng cố sự an toàn xã hội, hạn chế tai nạn xảy ra trong mọi tình huống mà lâu nay trở thành hiện tượng đáng lo ngại trong xã hội và là nỗi nhức nhối cho người đi đường có ý thức và trách nhiệm chấp hành nghiêm túc luật giao thông.

Nói cho cùng, NĐ34 với 7 nhóm hành vi vi phạm, việc xử phạt tăng nặng giữa nội thành đô thị so với ngoại thành hay số tiền phạt tăng 40-200% so với trước đây là cũng chỉ nhằm mục đích cao nhất hướng mọi người vô tình hay cố ý vi phạm giao thông trở về quy chuẩn công dân, chấp hành nghiêm túc luật giao thông với ý thức văn hóa mà trong cộng đồng còn một độ “vênh” nhất định, đặc biệt với một bộ phận không nhỏ giới trẻ quen sống buông thả, hành xử theo bản năng, bất chấp kỷ cương luật pháp, sống ích kỷ, chỉ biết cá nhân mình, không vì mọi người, mà biểu hiện rõ ràng nhất là không có ý thức văn hóa giao thông.

NQ 34 đã “đi vào cuộc sống” hơn 7 năm, nhưng thực tế tai nạn giao thông không hề giảm, thời gian qua những ngày gần đây, nhất là trong mấy ngày tết Mậu Tuất 2018 không chỉ ở địa bàn thành phố mà trên cả nước, đặc biệt là xa lộ, quốc lộ liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe khách và xe tải, xe khách và xe máy, thậm chí giữa xe khách, xe tải, xe máy và… tàu hỏa - một loại tai nạn được xem là “hy hữu” vẫn xảy ra gây bức xúc cho xã hội.

Trong lúc đó ở khu vực nội ô thành phố, tác động của NĐ34 lúc đầu được đánh giá là có hiệu quả, nhưng rồi “liều thuốc nặng đô” cũng đã bị “lờn”, người điều khiển phương tiện giao thông vẫn lấn tuyến, lạng lách, dừng xe không đúng vạch, đèn đỏ vẫn vượt qua, taxi vẫn quay đầu xe bất tử, những chiếc buýt kềnh càng, choáng hết mặt đường vẫn “đua” nước rút trên đường và dừng đỗ, rước khách bất chấp đúng trạm hay không, người đi bộ vẫn băng ngang đường không đúng vạch quy định.     

NĐ34 dù cụ thể hóa việc xử phạt với 7 nhóm hành vi vi phạm quy định giao thông mà số tiền phạt tăng 40-200% nhằm đủ sức răn đe những kẻ thiếu ý thức, kém văn hóa trong giao thông nhưng dẫu sao cũng chỉ là một văn bản để làm căn cứ thực hiện. Vấn đề là con người, nhất là con người có văn hóa để ý thức được việc chấp hành luật lệ giao thông nhiều người còn thờ ơ, thậm chí xem thường, cố ý vượt đèn đỏ gây tai nạn chết người vẫn còn khá nhiều trong xã hội. Và đó là vết thương thức nhối cho một thời gian dài vấn đề giáo dục văn hóa giao thông không được quan tâm.

Quý Nhâm

Theo NTD

largeer