Đảm bảo an toàn cho các bên trong thị trường tài chính tiêu dùng

Thứ tư, 23/05/2018, 09:07 AM

Dù đã có những bước phát triển nhanh trong những năm qua, nhưng các chuyên gia nhận định thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển. Tuy nhiên, điều này cũng đang đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Phát triển bùng nổ, thị trường cho vay tiêu dùng vẫn còn nhiều tiềm năng

Sáng 22/5, Báo Đầu tư tổ chức buổi Tọa đàm về lĩnh vực tài chính tiêu dùng với chủ đề "An toàn cho nhà đầu tư và người tiêu dùng".

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư nhận định, thực tế 1 năm qua tiếp tục khẳng định, lĩnh vực tài chính tiêu dùng nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng đang phát triển với tốc độ rất cao tại Việt Nam, với mức tăng trưởng bình quân toàn thị trường đạt 2 con số mỗi năm và đã cán mốc 1 triệu tỷ đồng dư nợ vào năm 2017.

Sự phát triển nhanh của thị trường cho vay tiêu dùng một mặt phản ánh nhu cầu rất lớn về tài chính cá nhân chưa được thỏa mãn của người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời là minh chứng về tính đúng đắn của hệ thống cơ chế, chính sách và sự nhạy bén của các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính.

“Đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy, sự phát triển tài chính tiêu dùng tại Việt Nam là xu thế tất yếu và đúng hướng để đáp ứng được nhu cầu của thị trường 95 triệu dân có thu nhập trung bình thấp. Tài chính tiêu dùng không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dân cư, kích cầu nội địa, mà quan trọng hơn là đã góp phần ổn định xã hội thông qua việc thu hẹp thị trường tín dụng phi chính thức có quy mô ước tính lên tới con số 50 tỷ USD vào năm 2016, trong đó có những hoạt động tín dụng “đen” gây ra rất nhiều hệ lụy xã hội”, ông Minh nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) đánh giá, sự phát triển cho vay tiêu dùng làm cho việc sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế trở nên hiệu quả hơn. Nó cho phép biến các tài sản cố định như đất đai, nhà cửa trở thành các tài sản có thể sử dụng vào các mục đích đầu tư và tiêu dùng.

Nhờ các hoạt động cho vay tiêu dùng mà những người có tài sản cố định lớn từ lâu "ngồi trên đống tài sản" có thể sử dụng đống tài sản của mình phục vụ nhu cầu đời sống và kinh doanh.

“Như vậy, cho vay tiêu dùng phát triển là điều kiện cần thiết để hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp phát triển, đặc biệt là tại các nước mà các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp còn rất ít và mỏng” ông Tú Anh nói.

Mặc dù vậy, nhưng theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, quy mô của tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn nhỏ. Tỷ trọng cho vay tiêu dùng hiện nay chiếm 17% tổng dư nợ năm 2017 (so với tỷ trọng 20% của Trung Quốc hay 34% của ASEAN-5); trong đó, dư nợ tín dụng của các công ty tài chính chỉ chiếm có 8,2%.

Đồng thời, thị trường tài chính tiêu dùng cũng đang chỉ tập trung vào 4 công ty lớn là FE Credit (50% thị phần), Home Credit (17%), HD Saison (13%) và Prudential Finance (8%).

Toàn cảnh buổi Tọa đàm Tài chính tiêu dùng: An toàn cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng

Toàn cảnh buổi Tọa đàm Tài chính tiêu dùng: An toàn cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng

Những thách thức tiềm ẩn

Mặc dù các chuyên gia đều nhận định rằng thị trường cho vay tiêu dùng còn rất nhiều tiềm năng, nhưng theo ông Lê Trọng Minh, giống như tất cả các ngành - lĩnh vực kinh tế khác, sự phát triển mạnh mẽ của tài chính tiêu dùng nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng cũng đặt hoạt động này trước nhiều thách thức.

Theo ông Nguyễn Tú Anh, rủi ro lớn nhất là đối với người cho vay. Trong hoạt động cho vay tiêu dùng thì người cho vay chủ yếu chịu rủi ro hệ thống mà ít bị ảnh hưởng bởi rủi ro cá thể. Các rủi ro hệ thống chủ yếu là các rủi ro về vĩ mô như suy thoái kinh tế,  rủi ro về lãi suất, rủi ro chính trị, môi trường kinh doanh… Các rủi ro này tác động đến khả năng chi trả của người đi vay qua đó tác động đến khả năng thu hồi nợ của người cho vay.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Giám đốc Nguồn vốn kiêm Giám đốc Trung tâm huy động nguồn vốn FE Credit chia sẻ, bản thân các công ty tài chính khi bước vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng cũng đã xác định đây là kênh cho vay rủi ro nên mô hình cho của FE Credit trong việc vay tập trung, chặt chẽ và các đối tác, khách hàng là như nhau. Tuy nhiên, rủi ro là có khi có nhiều người làm việc như ở FE Credit có gần 16.000 nhân viên ở tất cả các khâu đều có những chỉ tiêu, không tránh được những cá nhân vì chỉ tiêu đã làm ảnh hưởng đến các vẫn đề chung. “Truyền thông giúp chúng tôi nhìn nhận lại được vấn đề để đi đúng hướng hơn”, ông Phúc nói.

Từ góc độ là cơ quan quản lý hệ thống thông tin tín dụng cá nhân, ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cho rằng, đối với cho vay tiêu dùng, các công ty tài chính luôn cố gắng đơn giản hóa các thủ tục xét duyệt cho vay, dẫn đến thủ tục vay khá đơn giản (chỉ cần giấy tờ tùy thân như CMND hoặc sổ hộ khẩu, bằng lái xe là có thể vay được tiền), thì tình trạng bất cân xứng thông tin xảy ra càng trầm trọng hơn.

Điều này sẽ dẫn đến nhiều rủi ro như: công ty tài chính có thể lựa chọn sai các đối tượng khách hàng có rủi ro không trả nợ cao hoặc không thể kiểm soát được mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng… dẫn đến các khoản vay có thể không được hoàn trả đúng hạn, làm tăng nợ xấu cho công ty đó, ông Phong nhận định.

Trong khi đó, theo TS. Cấn Văn Lực, kiến thức tài chính của người tiêu dùng Việt Nam chưa cao. Nhiều người không hiểu rõ về sản phẩm, dịch vụ tài chính-ngân hàng và đôi khi không được tư vấn một cách rõ ràng, đầy đủ về hợp đồng tín dụng, nên sau khi ký hợp đồng có cảm giác bị lừa gạt; điều này cũng có ảnh hướng nhất định đến tính thiếu tuân thủ các điều kiện tín dụng, dẫn đến chịu lãi phạt cao và các công ty tài chính phải liên tục gọi điện để đòi nợ. Điều này làm mất thiện cảm đối với các công ty tài chính, cũng như gây bức xúc dư luận thời gian qua.

  An toàn cho tất cả các bên

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tại Mỹ, TS. Đỗ Hoài Linh, Phó trưởng Bộ môn Ngân hàng Thương mại, Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân  cho hay, Mỹ hiện có 8 đạo luật liên quan trực tiếp đến bảo vệ quyền lợi khách hàng tín dụng tiêu dùng, các đạo luật này rất chi tết và cụ thể với nội dung nổi bật là các nhà cung cấp sản phẩm tài chính tiêu dùng phải công khai các thông tin liên quan đến sản phẩm, các điều khoản của hợp đồng, lãi suất, phí suất… tới mọi khách hàng. Ngoài ra, chống phân biệt đối xử, không được tiết lộ thông tin của khách hàng, đánh giá trung thực điểm số tín dụng của khách hàng… là những nội dung chủ đạo của các đạo luật này.

“Nếu chỉ nói về mặt xấu, tiêu cực của công ty tài chính, tín dụng tiêu dùng, sẽ tạo ra những hình ảnh không tốt về công ty tài chính, tạo cơ hội cho tín dụng đen phát triển”, bà Linh khuyến cáo.

Ông Đỗ Hoàng Phong đưa ra lời khuyên đối với các công ty tài chính, đó là cần tìm hiểu kỹ các thông tin về khách hàng trước khi đưa ra quyết định cho vay. Các thông tin này có thể là lịch sử vay nợ của khách hàng, có thể là các lịch sử thanh toán (nếu có) của khách hàng, nhằm hỗ trợ các công ty tài chính có cái nhìn cụ thể và chính xác hơn về khách hàng vay của mình.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách khối Dịch vụ tài chính (EY Việt Nam) đánh giá, với quy mô dân số với hơn 94 triệu người, tỷ lệ tiếp cận điện thoại di động ở Việt Nam hiện đang ở mức cao với gần 30 triệu người sử dụng điện thoại di động vào cuối năm 2017 và dự báo có thể lên tới 40 triệu người vào năm 2021, do đó, dùng công nghệ để mở rộng mạng lưới khách hàng là chiến lược khôn ngoan và cần thiết với một công ty tài chính. Tận dụng công nghệ, các công ty tài chính có thể đẩy mạnh vị thế cạnh tranh so với các ngân hàng truyền thống vốn có ưu thế nhờ mạng lưới chi nhánh dày đặc.

Bên cạnh đó, với sức ép cạnh tranh ngày càng tăng tại khu vực thành thị Việt Nam, nền tảng công nghệ sẽ giúp các công ty tài chính tiêu dùng tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng tại khu vực nông thôn (chiếm đến 60% dân số cả nước), nhằm nâng cao thị phần và duy trì tốc độ tăng trưởng.

Chia sẻ từ kinh nghiệm thực tiễn của công ty, bà Đỗ Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Chuyển đổi Kinh doanh Home Credit cho biết, Home Credit Việt Nam đã tích cực hỗ trợ, nâng cao nhận thức của người dân về an toàn tài chính cá nhân thông qua việc thiết lập các địa điểm tư vấn, hoặc tổ chức các hội thảo.

  Về vấn đề đảm bảo an toàn cho khách hàng, bà Vân Anh, cho biết, khi đồng hành cùng Home Credit Việt Nam, khách hàng được nhận tin nhắn với mã xác thực trong quá trình thẩm định để cho phép Home Credit sử dụng thông tin cá nhân cho mục đích thẩm định khi cần thiết. Thông tin cá nhân của khách hàng được bảo vệ tuyệt đối. Khách hàng có thể hoãn thời hạn thanh toán đến 01 tháng khi gặp khó khăn trong thời gian sử dụng dịch vụ tài chính tại Home Credit. Ngoài ra, khách hàng và gia đình được hỗ trợ chi trả trong tình huống phát sinh không mong muốn với sản phẩm bảo hiểm khoản vay.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, theo ông Nguyễn Tú Anh, từ đầu năm 2017, để có cơ sở theo dõi, giám sát chặt chẽ và toàn diện diễn biến cho vay đối với lĩnh vực này, NHNN đã bổ sung các biểu mẫu thống kê yêu cầu các TCTD báo cáo đầy đủ phạm vi cho vay tiêu dùng.

Bên cạnh đó, NHNN đã hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, nhằm tăng tính minh bạch trong hoạt động cho vay, lãi suất  cho vay của TCTD đối với khách hàng.

Kỳ Thành

Theo infomoney

largeer