Hà Nội triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân chuyển đổi sang xe điện
Hà Nội lên kế hoạch cấm xe máy sử dụng xăng dầu trong khu vực Vành đai 1 từ tháng 7/2026, mở rộng ra Vành đai 2 và Vành đai 3 trong những năm tiếp theo.
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Trung tâm Thông tin Chỉ huy của Cục Cảnh sát Giao thông hoạt động 24/7, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động phát hiện, phân tích và gửi cảnh báo vi phạm trong vòng 2 giờ, góp phần xây dựng văn hóa giao thông hiện đại, minh bạch.
Sáng 17/7, hơn 10 cán bộ, chiến sĩ của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) vẫn ứng trực tại Trung tâm thông tin chỉ huy đặt tại trụ sở Bộ Công an. Đây được xem là trung tâm quản trị cấp 1, áp dụng công nghệ hiện đại bậc nhất trong ngành giao thông, kết hợp hệ thống camera giám sát với trí tuệ nhân tạo.
Với mạng lưới camera được lắp đặt trên các tuyến đường trọng yếu, hệ thống tại trung tâm có thể tự động nhận diện hơn 20 hành vi vi phạm như vượt đèn đỏ, lấn làn, không đội mũ bảo hiểm… Dữ liệu sau đó được xử lý bằng AI, lập tức trích xuất ảnh, video kèm thời gian, địa điểm và hành vi cụ thể, từ đó xác định chính xác chủ xe nhờ kết nối với dữ liệu đăng ký phương tiện.
Thông tin vi phạm sẽ được gửi về người dân thông qua ứng dụng VNeTraffic – nền tảng giao tiếp trực tuyến giữa CSGT và người tham gia giao thông. Hiện hệ thống thí điểm đã được triển khai trên 4 tuyến cao tốc gồm Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và TP.HCM – Trung Lương.
Đại tá Phạm Quang Huy, Phó cục trưởng Cục CSGT, cho biết camera AI giờ đây đóng vai trò như một lực lượng “tuần tra điện tử”, giúp phát hiện hành vi vi phạm cũng như các tình huống gây mất an ninh trật tự như tụ tập đông người, mang hung khí, gây rối trật tự công cộng, nhận diện đối tượng truy nã.
Trung tâm cũng là nơi quản trị toàn bộ lực lượng tuần tra trên cả nước. Thông qua bản đồ số, cán bộ chỉ huy có thể theo dõi vị trí cụ thể của từng tổ công tác, nắm rõ tên, số hiệu, đơn vị, số điện thoại, tình trạng hoạt động và nhiệm vụ đang thực hiện. Ngay cả các xe tuần tra cũng được kiểm soát, bao gồm số lượng, trạng thái (đang làm việc, nghỉ ngơi, xử lý vi phạm…), trang thiết bị mang theo và tuyến đường phụ trách.
Trong các tình huống khẩn cấp, dữ liệu từ trung tâm sẽ được phân tích và điều phối lực lượng phù hợp đến hiện trường nhanh nhất. Đơn cử, khi có vụ tai nạn giao thông bỏ trốn, từ lời khai nhân chứng về loại xe, màu sắc, AI sẽ rà soát dữ liệu camera trong khu vực, truy xuất hành trình của phương tiện tình nghi và cung cấp cho lực lượng điều tra.
Cục CSGT đang phát triển thiết bị chuyên dụng cho các tổ tuần tra, cho phép đọc dữ liệu CCCD, chụp ảnh hoặc quét vân tay tài xế. Cán bộ CSGT không cần thu giữ giấy tờ bản cứng mà có thể xác minh bằng công nghệ.
Nếu tài xế xác nhận hành vi vi phạm ngay tại chỗ, hệ thống sẽ lập biên bản điện tử, đồng thời chuyển thông tin tới phần mềm xử lý vi phạm, kho bạc, ngân hàng và cổng dịch vụ công. Người dân có thể nộp phạt qua ứng dụng ngân hàng hoặc cổng dịch vụ công mà không cần đến trụ sở công an.
Về phía người dân, ngoài việc tra cứu vi phạm, ứng dụng VNeTraffic còn hỗ trợ kiểm tra tình hình giao thông, tra cứu biển số đấu giá và gửi hình ảnh phản ánh vi phạm. Các thông tin được xác minh và xử lý, góp phần tăng tính minh bạch và hiệu quả của công tác quản lý giao thông.
Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Cục trưởng Cục CSGT, nhấn mạnh: "Nếu trước đây phải duy trì trật tự bằng con người thì nay sẽ bằng công nghệ, với hoạt động 24/24, công bằng và khách quan hơn". Để vận hành hiệu quả, Cục đang từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu theo tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”, đồng thời kết nối dữ liệu từ các ngành liên quan như đăng kiểm, đăng ký xe, thuế, hải quan, y tế…
Trong tương lai, mô hình trung tâm chỉ huy cấp 1 tại Cục CSGT sẽ được nhân rộng thành 34 trung tâm quy mô nhỏ tại các tỉnh, thành. Đây không chỉ là bước chuyển trong ứng dụng công nghệ mà còn là nền tảng để xây dựng ý thức chấp hành pháp luật giao thông hiện đại, đồng bộ và bền vững.