Có sự dễ dãi trong quản lý dịch vụ thẩm mỹ tại TP.HCM?
Trong thời gian gần đây, trên địa bàn TP.HCM liên tiếp xảy ra các sự cố y khoa gây chết người liên quan đến dịch vụ làm đẹp khiến người dân và dư luận hoang mang. Điều này đã đặt ra câu hỏi về hiệu quả quản lý của cơ quan chức năng về loại hình dịch vụ thẩm mỹ này.
Nở rộ dịch vụ làm đẹp
Theo Sở Y tế TP.HCM, đến nay đơn vị chỉ cấp phép cho gần 150 bệnh viện và phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Để được cấp phép, các nơi này phải đảm bảo nghiêm các điều kiện hoạt động như có đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người.
Tuy nhiên, trên thực tế các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ đang nở rộ. Đặc biệt là các cơ sở làm đẹp được địa phương cấp phép hoạt động các dịch vụ massage, gội đầu, trang điểm, chăm sóc da... nhưng biến tướng, tự ý "nâng cấp", tự ý làm "bác sĩ" để thực hiện các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ bằng việc tiêm filler nâng mũi - ngực - mông, tạo má lúm đồng tiền, lăn kim, truyền trắng, tan mỡ, tiêm botox tái tạo da.
Nhất là hiện nay, toàn thành phố mới chỉ 8 cơ sở thực hiện kỹ thuật xăm chân mày gửi thông báo đủ điều kiện hoạt động đến Sở Y tế nhưng dịch vụ này đang phát triển như “nấm sau mưa”. Và sự cố nữ bệnh nhân 65 tuổi xăm chân mày tại cơ sở thẩm mỹ bị đột quỵ não do xuất huyết dưới nhện sau 3 ngày được cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tử vong vào ngày 29/10 là hồi chuông cảnh báo về những lỗ hổng trong quản lý loại hình dịch vụ làm đẹp này.
Từ đầu năm 2019 tới nay, qua kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã xử phạt nhiều cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ hoạt động không phép, không chứng chỉ hành nghề, quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung… nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, thách thức cơ quan chức năng. Cụ thể, trong các tháng 8, 9, 10 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 cơ sở thẩm mỹ viện, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, tổng số tiền phạt gần nửa tỷ đồng.
Điển hình như cơ sở Thẩm mỹ viện She Beauty (327-329 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3) bị xử phạt nặng nhất trong 3 tháng qua với số tiền 155 triệu đồng do thực hiện quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung. Đồng thời, đơn vị này còn cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh không có giấy phép hoạt động. Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã quyết định đình chỉ hoạt động của cơ sở này trong thời hạn 9 tháng và buộc tháo gỡ, xóa các nội dung quảng cáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Y tế TPHCM, việc kiểm soát các thông tin quảng cáo lôi kéo trên mạng “dường như vượt quá tầm của ngành y tế". Để có thể xử lý tình trạng nêu trên, cần có sự chung tay của các địa phương - là nơi trực tiếp quản lý địa bàn. Bởi sau khi cấp phép, các địa phương cần kiểm tra rà soát việc hoạt động có đúng với chức năng cấp phép hay không.
Xử lý hình sự cơ sở vi phạm
Trước tình hình trên, nhằm chấn chỉnh các dịch vụ thẩm mỹ, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm vừa ký công văn yêu cầu thủ trưởng các sở - ngành liên quan, Chủ tịch UBND các quận, huyện khẩn trương chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với loại hình dịch vụ này.
Trong đó, đáng chú ý, UBND TP.HCM yêu cầu Sở Y tế TP.HCM tăng cường công tác kiểm tra đối với các bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ; thực hiện hậu kiểm sau công bố đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên toàn thành phố. Xử lý nghiêm các cơ sở có vi phạm, đặc biệt vi phạm trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở không phép, cơ sở hoạt động quá phạm vi chuyên môn được cho phép, cơ sở vi phạm về quảng cáo khám, chữa bệnh, bao gồm việc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự theo đúng quy định của pháp luật nếu vi phạm Luật Khám bệnh, chữa bệnh gây hậu quả nghiêm trọng.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, hậu kiểm sau cấp phép đối các cơ sở đăng ký kinh doanh với các loại hình dịch vụ thẩm mỹ, cơ sở chăm sóc da, cơ sở cắt tóc, gội đầu…
Ngoài ra, liên quan đến dịch vụ thẩm mỹ phun, xăm, thêu trên da, Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ tăng cường giám sát và phát hiện các cơ sở hành nghề và cơ sở dạy nghề thẩm mỹ xăm, phun, thêu quảng cáo, hoạt động không tuân thủ quy định pháp luật. Trước mắt, các sở ngành có liên quan sẽ phối hợp kiểm tra, xử lý khi phát hiện sai phạm. Ngành y tế cũng kêu gọi người dân và các cơ quan truyền thông cung cấp thông tin phản ánh liên quan đến cơ sở hành nghề và quảng cáo trái phép dịch vụ phun, xăm, thêu trên da để xử lý triệt để, ngăn chặn nguy cơ mất an toàn cho người bệnh.
Thu Dịu
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội