Cổ phiếu trí thuệ nhân tạo giờ trở thành hàng “hot” ở Trung Quốc
Iflytek Co., một công ty Trung Quốc chuyên phát triển phần mềm nhận diện giọng nói, chưa bao giờ đạt kỳ vọng lợi nhuận của giới phân tích, nhưng cổ phiếu của công ty này vẫn là một trong những cổ phiếu nóng nhất trên thị trường Trung Quốc hiện nay.
Theo hãng tin Bloomberg, trong vòng 1 năm tính đến ngày 18/12, giá cổ phiếu của Iflytech đã tăng 117 lần - nhờ cơn sốt đầu tư mới trên thị trường chứng khoán 7,5 nghìn tỷ USD của Trung Quốc: cơn sốt cổ phiếu trí tuệ nhân tạo (AI).
Cổ phiếu Iflytek và các công ty khác liên quan đến AI đang dẫn đầu sự tăng điểm trong số các cổ phiếu lớn ở Trung Quốc. Được giới đầu tư mua mạnh, giá trị vốn hóa thị trường của 5 cổ phiếu AI "hút hàng" nhất ở Trung Quốc trong năm nay đã tăng thêm tổng cộng 61 tỷ USD.
Trong số này có BOE Technology Group, công ty có trụ sở ở Bắc Kinh hiện đang phát triển một hệ thống nhằm giúp tài xế tránh tai nạn giao thông. Vào 1 ngày của tháng 11, giá trị giao dịch của BOE đạt tới 2,5 tỷ USD, vượt giá trị giao dịch của cổ phiếu hai công ty hàng đầu của Mỹ là Wal-Mart và AT&T cộng lại.
"Các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang phát cuồng về những công ty có liên quan đến AI", chiến lược gia Zhang Gang thuộc công ty Central China Securities nhận định. Cũng như nhiều nhà phân tích khác, ông Zhang cảnh báo rằng cuộc tăng giá cổ phiếu AI trên thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể đã đi quá xa, quá nhanh.
Iflytek hiện có giá trị vốn hóa 12,3 tỷ USD. Hệ số giá/thu nhập (P/E) - một thước đo độ đắt của cổ phiếu - của công ty này là 109 lần, so với mức trung bình 13 lần của các cổ phiếu thuộc chỉ số CSI 300 Index của chứng khoán Trung Quốc.
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ, một lực lượng quan trọng trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, ít quan tâm đến các thông số như lợi nhuận công ty - theo ông Kenny Wen, chiến lược gia thuộc Everbright Sun Hung Kai Co.. Nhiều người thậm chí vay tiền để mua những cổ phiếu như Iflytek và BOE.
Chiến lược của Chính phủ Trung Quốc càng khiến cổ phiếu AI ở nước này thêm "nóng". Bắc Kinh đã công bố những kế hoạch đầy tham vọng nhằm đưa nước này thành một quốc gia đi đầu thế giới về AI.
Hồi tháng 7, Trung Quốc công bố kế hoạch nhằm tăng sản lượng của những ngành liên quan đến AI lên mức 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030, một con số tương đương hơn 1/10 tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này năm 2016. Tháng trước, Chính phủ Trung Quốc công nhận Iflytek, Tencent Holdings, Alibaba Group Holding, và Baidu là những công ty đi đầu của nước này về AI. Một sự công nhận như vậy thường được các nhà đầu tư Trung Quốc xem là đèn xanh để mua vào.
Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy những "cơn sốt" cổ phiếu tương tự ở Trung Quốc, bao gồm cả những "cơn sốt" xuất hiện do chính sách của Bắc Kinh, đều không có kết cục tốt đẹp.
Vào năm 2013, cổ phiếu của các công ty đặt tại Thượng Hải đã tăng vọt sau khi Chính phủ công bố kế hoạch mở một khu tự do thương mại ở thành phố này. Chỉ vài tháng sau, giá cổ phiếu của các công ty này nhanh chóng sụt giảm, khi giới đầu tư nhận ra rằng có thể phải mất nhiều năm để các doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ các biện pháp kiểm soát vốn thả lỏng của khu tự do thương mại.
Theo Diệp Vũ - TBKTVN
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường