Cổ phiếu Techcombank cao nhất ngành ngân hàng: Khi nhà đầu tư tạo thanh khoản

Thứ tư, 04/04/2018, 19:21 PM

Cổ phiếu TCB của Techcombank đang là “ngôi sao” khi có thị giá cao nhất ngành ngân hàng. Thời gian qua, nhà đầu tư cũng chứng kiến “người nhà” góp phần không nhỏ tạo thanh khoản cho TCB.

Giá cao nhất ngành ngân hàng

Trong vài năm trở lại đây, VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam được “mặc định” là cổ phiếu cao nhất ngành ngân hàng. VCB có thị giá cao vì Vietcombank là ngân hàng lớn, có khả năng sinh lời cao, có thanh khoản lớn.

Thế nhưng, ngôi vị “đệ nhất” đó đã bị TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam vượt qua trong nhiều tháng gần đây. Sau khi tăng tới 9, 10 lần trong chỉ 1 năm, thị giá của TCB đã vượt xa thị giá VCB và gần lọt vào “câu lạc bộ cổ phiếu 100.000 đồng”.

Cụ thể, hồi tháng 1/2017, cổ phiếu TCB vẫn chỉ nhúc nhích trên mệnh giá. Giá giao dịch phổ biến của cổ phiếu này chỉ khoảng 11.000 đồng/CP. Tuy nhiên, vài tháng sau, TCB bất ngờ tăng phi mã. Đà tăng mạnh của TCB được duy trì trong suốt năm 2017. Tới năm 2018, sức nóng của TCB không hề giảm sút.

Tại ngày 19/3, giá cổ phiếu TCB được chào bán, chào mua phổ biến ở mức trên 90.000 đồng/CP. Trên OTC, giá chào bán TCB dao động từ 90.000 đồng/CP đến 110.000 đồng/CP, giá chào mua dao động từ 91.000 đồng/CP tới 96.000 đồng/CP.

Không trả cổ tức trong 7 năm nhưng Techcombank lại trả lương rất hậu hĩnh cho dàn lãnh đạo.

Không trả cổ tức trong 7 năm nhưng Techcombank lại trả lương rất hậu hĩnh cho dàn lãnh đạo.

Trong khi đó, mức giá giao dịch thành công trong ngày gần đây nhất là 93.500 đồng/CP. Ở mức giá này, cổ phiếu TCB đã tăng 82.500 đồng/CP, tương ứng 7,5 lần so với hồi tháng 1 năm 2017. Đây là mức tăng cao nhất không chỉ trong ngành ngân hàng mà còn trên cả thị trường chứng khoán Việt Nam.

Với 93.500 đồng/CP, cổ phiếu TCB có giá cao hơn VCB (Vietcombank) 18.800 đồng/CP, cao hơn BID (BIDV) 50.700 đồng/CP, cao hơn CTG (VietinBank) 56.800 đồng/CP, cao hơn VPB (VPBank) 29.200 đồng/CP.

Các chuyên gia cho biết giá TCB được đẩy cao trên thị trường OTC là do tình trạng khan hàng. Bên cạnh đó, lợi nhuận Techcombank tăng đột biến cũng góp phần khiến cổ phiếu TCB có giá hơn. Tuy nhiên, anh Lê Tiến, một môi giới chứng khoán cho biết không loại trừ khả năng giá cổ phiếu TCB “tăng có chủ đích” trước thềm cổ phiếu này chào sàn Hose.

Nghi vấn của anh Tiến không phải không có cơ sở. Khi phóng viên liên hệ với một môi giới chào mua TCB với giá 96.000 đồng/CP, người này cho biết đó là giá cũ. Còn hiện tại, giá TCB đã giảm nên người này chỉ mua vào với giá thấp hơn.

Nhà đầu tư tạo thanh khoản

Gần đây, thanh khoản của cổ phiếu TCB cải thiện mạnh trên OTC. Sau nhiều cuộc “dạm ngỏ”, mới đây, Techcombank cũng đã chính thức nhận khoảng đầu tư 370 triệu USD. Đây là thương vụ đầu tư “khủng” tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng mà hai nhà đầu tư độc lập được quản lý bởi Warburg Pincus vừarót vào Techcombank.

Trước đó, Techcombank đã chi 4.000 tỷ đồng lại hơn 172,35 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 19,14% cổ phần đang lưu hành của ngân hàng) trong tổng số gần 222 triệu cổ phiếu đăng ký trước đó. Toàn bộ cổ phần này bằng đúng với lượng sở hữu của ngân hàng HSBC tại Techcombank.

Tuy nhiên, mức giá mà Techcombank phải “gánh” thấp hơn rất nhiều so với thị giá TCB trên OTC. Thông qua chào mua công khai, mỗi cổ phần TCB được mua với giá bình quân 23.445 đồng. Đây là mức giá… khó hiểu vì chỉ bằng 26% thị giá và thấp hơn giá mua vào chuyển đổi của HSBC.

Theo thông tin trước đó từ Công ty chứng khoán HSC, giá mua cổ phiếu TCB ban đầu của HSBC là 60.891 đồng. Sau đó, Techcombank đã có một số lần thực hiện chia lợi nhuận thông qua phát hành cổ phiếu thưởng và cổ phiếu trả cổ tức từ 2008-2010 khiến cho giá mua điều chỉnh xuống còn khoảng 26.000 đồng/CP.

Và từ năm 2010 trở đi, Techcombank đã lựa chọn chiến lược không chia cổ tức bằng cổ phiếu/cổ phiếu thưởng cũng như cổ tức tiền mặt để tăng cường quy mô vốn chủ sở hữu. Vì thế, HSBC không nhận được bất cứ cổ tức nào tại Techcombank. Thế nhưng, HSBC lại bán ra với giá 23.445 đồng/CP, thấp hơn giá chuyển đổi 2.555 đồng/CP. Như vậy, khoản đầu tư của HSBC vào Techcombank nếu tính theo các con số cơ học thì sẽ hao hụt 440 tỷ đồng.

Bảo Linh

Theo NTD

largeer