Cổ phiếu ngân hàng chiếm gần 40% vốn hóa sàn HOSE

Thứ ba, 10/12/2024, 11:19 AM

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng hay giảm phụ thuộc phần lớn vào cổ phiếu ngân hàng khi nhóm này chiếm đến 39,89% vốn hóa toàn sàn HOSE. Hai cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường đều là ngân hàng: VCB và BID.

VCB là cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, đạt 20,7 tỷ USD.

17 ngân hàng có vốn hóa trên 1 tỷ USD

Đến hết tuần đầu tiên tháng 12/2024, vốn hóa thị trường cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đạt 205,2 tỷ USD thì 18 ngân hàng niêm yết tại HOSE chiếm 39,89% vốn hóa, với giá trị 81,8 tỷ USD.

Toàn sàn HOSE có 39 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD. Ngành ngân hàng có 17/18 cổ phiếu với vốn hóa trên 1 tỷ USD, chỉ duy nhất Nam A Bank có vốn hóa ở mức 0,84 tỷ USD.

Nhóm VN30 gọi tên 13 cổ phiếu ngân hàng. Đó là: VCB, BID, CTG, TCB, VPB, MBB, ACB, HDB, STB, VIB, SSB, TPB, SHB được xếp theo thứ tự vốn hóa từ cao xuống thấp. Như vậy, sự biến động cổ phiếu ngân hàng tác động rất mạnh đến chỉ số VN-Index lẫn VN30, ảnh hưởng rất lớn đến toàn thị trường.

Dẫn đầu vốn hóa ngành ngân hàng lẫn toàn thị trường chứng khoán Việt Nam là VCB với 526.492 tỷ đồng, tương đương 20,7 tỷ USD. Vị trí thứ hai trong ngành là BID với 275.161 tỷ đồng, tương đương 10,8 tỷ USD.

Các ngân hàng có vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng là CTG, TCB, VPB, MBB và ACB. Nhóm vốn hóa trên 50.000 tỷ đồng gọi tên LPB, HDB, STB và VIB. Nhóm vốn hóa trên 20.000 tỷ đồng gồm SSB, TPB, SHB, EIB, MSB, OCB và NAB.

Có 2 ngân hàng niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và 7 ngân hàng đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM với tổng vốn hóa 3,2 tỷ USD. Đó là BAB, NVB, ABB, PGB, BVB, VBB, VAB, KLB, SGB. Các ngân hàng ở đây có quy mô nhỏ, vốn hóa chỉ ở mức 4.167 - 10.751 tỷ đồng.

Nếu xét toàn thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô 279,6 tỷ USD, vốn hóa ngành ngân hàng đang chiếm 30,4% với tổng giá trị 85,1 tỷ USD.

Vốn hóa thị trường của 27 ngân hàng niêm yết (đơn vị tính: tỷ đồng).
Vốn hóa thị trường của 27 ngân hàng niêm yết (đơn vị tính: tỷ đồng).

VN-Index tăng điểm không thể thiếu cổ phiếu ngân hàng

Trong 2 năm trở lại đây, lợi nhuận của ngân hàng chiếm gần 50% sàn HOSE là nguyên nhân giúp vốn hóa ngành ngân hàng luôn tiệm cận mức 40% toàn sàn giao dịch này.

Chưa dừng ở đó, lãi suất huy động đã giảm mạnh làm chi phí huy động vốn (COF) thấp và được dự báo tiếp tục duy trì trong thời gian tới. Điều này giúp biên lãi ròng (NIM) liên tục cải thiện, nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận ngành ngân hàng tiếp tục tăng trưởng.

Trong vài năm trở lại đây, thị trường chứng khoán thiếu vắng những “bom tấn” chào sàn. Còn sàn HOSE thiếu vắng những doanh nghiệp vốn hóa lớn niêm yết để chỉ số VN-Index và VN30 không phụ thuộc quá mức nhóm ngân hàng.

ThS. Nguyễn Phạm Hữu Hậu chia sẻ, trong bối cảnh thiếu vắng những công ty đại chúng để đưa cổ phiếu lên sàn HOSE thì Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần khuyến khích những doanh nghiệp tỷ USD ở HNX và UPCoM chuyển sàn. Hiện tại có 30 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10.000 tỷ đồng ở HNX và UPCoM. Trong số này, nổi bật nhất là VGI, ACV vốn hóa trên 10 tỷ USD, kế đến là MCH vốn hóa 6,5 tỷ USD là nguồn hàng chất lượng cho HOSE. Ngoài các doanh nghiệp trên, nhóm cổ phiếu BSR, MVN, VEA, FOX, VEF, SSH với vốn hóa trên 1 tỷ USD là nguồn hàng đáng kể cho HOSE trong tương lai.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Maybank Investment Bank, nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam có thể nâng hạng vào 2025. Tài chính ngân hàng vẫn là nhóm ngành quan trọng đóng vai trò “xương sống” của nền kinh tế. Trong bất kỳ trường hợp nào, cổ phiếu ngân hàng vẫn là ngành quan trọng. Tuy nhiên, thị trường cần có thêm những sản phẩm mới cho nhà đầu tư như: lĩnh vực công nghệ với xu hướng AI, chip bán dẫn hay lĩnh vực năng lượng sạch…

Theo Nguyễn Như (Chất lượng và Cuộc sống)
https://chatluongvacuocsong.vn/nganh-ngan-hang-chiem-gan-40-von-hoa-san-hose-d137543.html
Từ khóa: