Có nên phạt tù tài xế uống rượu bia ngay cả khi chưa gây tai nạn?

Thứ ba, 07/05/2019, 10:37 AM

Nhiều ý kiến cho rằng, cần một chế tài đủ mạnh như phạt tù tài xế uống rượu bia khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông.

Thời gian qua, tình trạng tài xế lái xe sử dụng rượu bia, chất kích thích khi tham gia giao thông gây ra không ít hậu quả nghiêm trọng khiến dư luận bức xúc. Bởi vậy, một chế tài đủ mạnh, như xử phạt tù người điều khiển phương tiện giao thông dù chưa gây tai nạn có thể là điều cần thiết.       

Theo quy định của pháp luật, với tài xế tham gia giao thông có uống rượu bia, xử lý theo Nghị định 46 với mức phạt tiền cao nhất từ 16 -18 triệu đồng, tước bằng lái 4 - 6 tháng.

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của lái xe (Ảnh: Vinh Quang/VOV-TP HCM)

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của lái xe (Ảnh: Vinh Quang/VOV-TP HCM)

Tuy nhiên, hình thức xử phạt này có lẽ chưa đủ mạnh để ngăn chặn, bằng chứng là thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ tai nạn thương tâm do người điều khiển phương tiện giao thông có uống rượu bia gây ra. Điển hình như vụ tai nạn ở hầm Kim Liên ở Hà Nội ngày 30/4 vừa qua khiến 2 người chết; hay như vụ nữ tài xế uống rượu bia đâm hàng loạt xe máy ở ngã tư Hàng Xanh (TP HCM) vào cuối tháng 10/2018 khiến 1 người chết, 7 người bị thương…

Mới đây, trong buổi tọa đàm với chủ đề “Cách nào ngăn chặn tài xế uống rượu bia gây tai nạn giao thông” diễn ra tại Hà Nội, vấn đề xử lý hình sự tài xế uống rượu bia khi tham gia giao thông dù chưa gây hậu quả đã được đặt ra.

Thực tế câu chuyện xử phạt tù người tham gia giao thông nhưng có uống rượu bia không phải là chuyện lạ trên thế giới. Cụ thể là ở Nhật Bản, khi người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn từ 0,15 mg/lít khí thở trở lên (tương đương với 1 ly bia) nếu họ bị phát hiện thì bị quy vào lỗi "lái xe trong điều kiện không tỉnh táo" và bị phạt tù lên tới 3 năm và phạt 500.000 yen (tương đương 104 triệu đồng).

Đối với Singapore thì mức phạt nhẹ hơn khoảng 3.600 USD (tương đương 85 triệu đồng) và đối diện với 6 tháng tù giam. Hay xa hơn như ở nước Anh, họ xử phạt cả những người uống rượu bia và đang có dấu hiệu chuẩn bị điều khiển phương tiện giao thông. Nước này phạt từ 3 đến 6 tháng tù, phạt tiền từ 2.500 bảng (tương đương 75 triệu đồng) và tước bằng lái 1 năm (hoặc 3 năm nếu tái phạm) cho hành vi lái xe hoặc có ý định lái xe sau khi uống rượu bia.

 Theo anh Phạm Ngọc Vũ, trú tại quận Bình Thạnh, lái xe riêng cho công ty, so với nhiều nước trên thế giới, thì ở nước ta việc xử lý người uống rượu bia nhưng vẫn cố tình điều khiển phương tiện tham gia giao thông còn nhẹ, bởi vậy ngoài việc xử lý hành chính ở mức cao thì cần tính tới việc xử lý hình sự tài xế nếu có nồng độ còn vượt mức cho phép khi bị phát hiện.

Anh Phạm Ngọc Vũ nói: “Gây tai nạn thì phạt tiền là rõ ràng rồi. Còn uống rượu bia dù chưa gây tai nạn nhưng mà đang lưu thông mà bị cơ quan chức năng kiểm tra mà có thái độ không tốt thì phải phạt tù luôn chứ không cần chờ đến gây tai nạn. Khi đã ôm chiếc xe thì tính mạng bao nhiêu người phải có trách nhiệm, bây giờ uống rượu bia dù có một chút cũng vậy. Pháp luật là phải nghiêm minh, chuyện đó là quá rõ ràng”.

Vấn đề xử phạt tù tài xế sử dụng rượu bia dù chưa gây hậu quả cũng được PGS – TS Nguyễn Lê Ninh, ủy viên UBMTTQ Việt Nam TP HCM đồng thuận. Theo PGS – TS Nguyễn Lê Ninh việc phạt nặng, thậm chí là phạt tù tài xế khi sử dụng rượu bia, chất kích thích… dù chưa gây hậu quả là cần thiết.

Luật pháp đã quy định rõ ràng những điều này và cần phải xác định rõ, ở đây là “chưa gây tai nạn” chứ không phải là “không gây tai nạn”. Vì thế, xử nghiêm các trường hợp trên không chỉ thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật mà còn là biện pháp quan trọng để đảm bảo an toàn giao thông, loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây tai nạn.

PGS – TS Nguyễn Lê Ninh phân tích: “Lái xe là cấm uống rượu bia mà đã uống tức là coi thường pháp luật. Đó là chưa gây tai nạn chứ không phải là không gây tai nạn, nguyên nhân gây tai nạn vẫn tồn tại ở đó, có điều chưa xảy ra chứ say xỉn như thế thì biết lúc nào sẽ tới. Đã cấm là phải cấm tuyệt đối nhưng lâu nay mình chưa nghiêm nên bị coi thường”.

Lái xe là một công việc đặc thù, ảnh hưởng đến chính tài xế và nhiều người xung quanh. Vì thế, bên cạnh việc nâng cao ý thức của tài xế khi tham gia giao thông thì việc có một chế tài đủ sức răn đe là việc rất nên làm, để hạn chế đến mức tối đa các yếu tố rủi ro khi tham gia giao thông. Có như thế, những câu chuyện đau lòng như thời gian qua mới không tái diễn trong tương lai.

Hà Khánh

Theo VOV.VN