Có nên “ép” nhà băng lên sàn?

Thứ năm, 01/02/2018, 07:10 AM

Từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường chứng khoán (TTCK) đã đón nhận thêm nhiều mã cổ phiếu (CP) của các NHTM tham gia giao dịch.

Đây là một tín hiệu đáng mừng sau khi các cơ quan quản lý nhiều năm hối thúc các NH phải thực hiện quy định niêm yết. Năm 2018, dự kiến TTCK sẽ tiếp tục đón nhận thêm các NH khác tham gia niêm yết, tuy nhiên tốc độ này còn phụ thuộc vào khả năng cải thiện sức khỏe của các NH.

Kỳ vọng nhiều NH lên sàn

Ngày 5-1-2018, gần 981 triệu CP HDB của HDBank đã chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE). Đây là NHTM đầu tiên chính thức niêm yết CP trong năm 2018. Trước đó, năm 2017 cũng ghi nhận khá nhiều NH lên sàn như VIB, Kienlongbank, LienVietPostBank niêm yết trên UPCoM; VPBank niêm yết trên HOSE. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 14 NH niêm yết CP trên các sàn chứng khoán. Năm 2018 dự kiến số lượng này sẽ gia tăng, vì trước đó một số NH đã công bố kế hoạch niêm yết.

Trong năm 2018 chỉ kỳ vọng những NH có sức khỏe tài chính tốt sẽ có tên trên sàn giao dịch chứng khoán, còn những NH vẫn đang tái cơ cấu xử lý các vấn đề tồn đọng sẽ kéo dài thời gian hơn, và đến năm 2020 khi kết thúc tái cơ cấu giai đoạn 2, số lượng các NH niêm yết sẽ nhiều hơn.

Ngày 29-12-2017, HOSE cũng có thông báo về việc đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của TPBank, vốn điều lệ 5.842 tỷ đồng. Loại chứng khoán niêm yết là CP phổ thông và CP ưu đãi cổ tức, trong đó số lượng CP ưu đãi cổ tức hơn 29,2 triệu, số lượng đăng ký niêm yết 555 triệu CP.

Trước đó, các cổ đông của TPBank đã thông qua hình thức lấy ý kiến bằng văn bản và đã đồng ý chủ trương niêm yết lên HOSE theo phương án: chào bán riêng lẻ hơn 87,6 triệu CP, tương đương 15% vốn trước phát hành và 13% vốn sau phát hành. Trong đó, TPBank sẽ chào bán khoảng 33,5 triệu CP, tương đương 4,99% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài và 54,1 triệu CP, tương ứng 8,05% vốn cho các nhà đầu tư trong nước. Về thời hạn niêm yết, lãnh đạo TPBank dự kiến sẽ tiến hành vào khoảng quý II-2018.

Cuối năm 2016, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán và cấp mã chứng khoán TCB cho Techcombank. Tháng 4-2017, lãnh đạo Techcombank cho biết hồ sơ niêm yết CP đã được NH gửi lên NHNN, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), khi hồ sơ được phê duyệt sẽ lập tức đưa CP lên sàn.

Song sau đó, Techcombank đã xin ý kiến cổ đông lùi ngày niêm yết để tiếp cận nhà đầu tư tiềm năng hơn. Hiện vẫn chưa có thông tin mới kế hoạch lên sàn của NH này, nhưng một số dự báo cho rằng nhiều khả năng NH này sẽ tiến hành niêm yết trong năm nay. Những thông tin trên cũng tạo ra sự trông chờ đối với nhà đầu tư trong năm 2018 này. Ngoài ra, trong năm 2017, ABBank cho biết đã nộp hồ sơ và chờ UBCKNN chấp thuận niêm yết trên sàn UPCoM.

Dù VĐL ở mức tối thiểu 3.000 tỷ đồng, nhưng KienlongBank vẫn quyết lên sàn để tạo sự minh bạch.

Dù VĐL ở mức tối thiểu 3.000 tỷ đồng, nhưng KienlongBank vẫn quyết lên sàn để tạo sự minh bạch.

Ngại minh bạch thời điểm tái cơ cấu

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, Chính phủ và NHNN cần thiết phải thúc đẩy các NHTM niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán nhằm minh bạch các giao dịch CP NH thay cho tình trạng giao dịch “ngầm”, giao dịch riêng lẻ, không minh bạch về giá CP đã và đang diễn ra. Quan trọng hơn là NHNN đang muốn xóa sở hữu chéo và đây sẽ là giải pháp để xử lý vấn đề này nhanh hơn. Bởi khi các NH niêm yết, vốn chủ sở hữu của NH và những người sở hữu vốn tại NH đó cũng sẽ được công khai rõ ràng.

Theo đó, hệ thống NH sẽ đi vào một quỹ đạo lành mạnh hơn, theo đúng chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Một lợi ích lớn nữa là các NH đang gặp khó khăn trong việc tăng vốn để tăng năng lực tài chính, đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tiến đến Basel II, thì khi niêm yết cơ hội gọi được vốn đầu tư trên TTCK cũng rộng mở.

Đứng ở góc độ NH, tổng giám đốc một NHTMCP có trụ sở tại TPHCM chia sẻ, các NH đều nhận thấy lợi ích của việc niêm yết và cũng sốt sắng lên kế hoạch thực hiện để đáp ứng yêu cầu của UBCKNN, NHNN lẫn các cổ đông. Tuy nhiên, có 2 vướng mắc lớn dẫn đến việc nhiều NH vẫn còn chậm lên sàn là quyền lợi của cổ đông, và khả năng sẵn sàng minh bạch thông tin trong khi đang thực hiện đề án tái cơ cấu NH.

Mặc dù các NH đã và đang tiến hành xử lý các vấn đề đang tồn tại để giải quyết 2 vướng mắc này, nhưng do mỗi NH có đặc thù, quy mô và năng lực tài chính khác nhau, nên có NH xử lý được nhanh và đã lên sàn, có NH xử lý còn chậm vẫn chưa niêm yết hoặc thậm chí dừng kế hoạch niêm yết.

Khó bắt buộc

Sau nhiều lần UBCKNN và NHNN hối thúc các NHTM lên sàn nhưng xu hướng niêm yết vẫn diễn ra chậm chạp. Giữa năm 2017, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) đã gửi phản ánh tới Thủ tướng Chính phủ những bất cập trên TTCK, trong đó đề cập đến gia tăng hàng hóa cho thị trường cần thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với đưa CP lên sàn. Đồng thời, cần sự phối hợp, gắn kết hiệu quả hơn nữa hoạt động điều hành lĩnh vực NH với lĩnh vực tài chính, chứng khoán. Cụ thể, NHNN cần chỉ đạo quyết liệt các NHTM niêm yết.

Trả lời về kiến nghị này, NHNN cho biết đây không phải là điều bắt buộc về mặt pháp lý, nhưng về mặt chủ trương NHNN khuyến khích các TCTD sớm thực hiện niêm yết. Và cách đây không lâu, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng cho biết, NHNN sẽ yêu cầu các TCTD niêm yết công khai trên TTCK, công bố báo cáo tài chính định kỳ, có kiểm toán để người dân và nhà đầu tư nắm bắt được tình sức khỏe tài chính của các NH và nhận diện được các NH yếu kém.

Theo các chuyên gia, dù cơ quan quản lý hối thúc, nhưng chỉ NH đủ khỏe mới mạnh dạn lên sàn. Bởi khi lên sàn NH phải minh bạch toàn bộ thông tin. Một NH yếu kém lên sàn phải công khai toàn bộ vấn đề của NH đó, khi đó niềm tin của người dân vào NH cũng bị tác động, uy tín của NH sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến thiệt hại tài sản của cổ đông.

Cũng đã có đề xuất phải có giải pháp mạnh để các NH lên sàn, nhưng điều này cũng khó áp dụng. Nếu xử phạt chỉ có thể phạt những NH đã đăng ký niêm yết nhưng quá thời hạn không thực hiện, hoặc quy định phạt nếu không niêm yết trên UPCoM. Bởi niêm yết trên sàn HOSE hay HNX yêu cầu cao hơn về độ minh bạch, nên chỉ có thể khuyến khích chứ không thể ép buộc bằng biện pháp hành chính hay ra quy định về thời hạn.

Đã có trường hợp NH đăng ký niêm yết nhưng quá thời hạn vẫn không thực hiện nên bị phạt, như mới đây vào ngày 4-1-2018, UBCKNN đã ban hành Quyết định 03 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK với Vietbank. Cụ thể, Vietbank bị phạt 7,5 triệu đồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 108/2013/NĐ-CP ngày 23-9-2013 của Chính phủ, do nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định từ trên 1 tháng đến 12 tháng.

Bảo Tùng

largeer