Có một mảnh đời cần lắm sự sẻ chia

Thứ hai, 29/01/2018, 18:56 PM

Người đàn ông đi chân trần thảy từng bước mệt nhọc trên nền đất rồi khựng lại, rơm rớm nước mắt khi thấy con mình chơi một món đồ mà đứa trẻ khác… đã bỏ đi. Tôi hiểu, đó là nước mắt của bế tắc, của tuyệt vọng khi một người chồng, người cha chưa thể cho con mình trọn vẹn và đủ đầy như đứa trẻ khác.

Đó là những hình ảnh xúc động đầu tiên khi tôi đặt chân đến thăm nhà của anh Lê Văn Lé và chị Lê Thị Thoa (ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, Châu Thành, Tây Ninh). Một gia đình 4 con người đang hằng ngày “co cụm” dưới mái che cũ kỷ và gồng gánh những khó nhọc, nghịch cảnh để lạc quan mà sống tiếp với đời.

Tìm hiểu thì được biết, anh Lé và chị Thoa dọn về ở cùng nhau cách đây hơn 6 năm và có với nhau 2 mặt con, cháu gái lớn vừa tròn 3 tuổi, còn bé trai nhỏ chỉ mới 5 tháng. Và, mọi thu chi cho cuộc sống của 4 nhân khẩu trong gia đình này đều do một tay chị Thoa gồng gánh bởi anh Lé, người chồng, người cha trụ cột của gia đình này bị khuyết tật (teo chân) bẩm sinh, đi lại rất khó khăn. Anh Lé chỉ quanh quẩn làm thuê, làm mướn công việc nhẹ nhàng gần nhà để phụ thêm cho vợ.

Chị Thoa kể: “Tụi em gặp nhau lúc làm công nhân ở KCN Sóng Thần, em thương ảnh vì thật thà rồi theo ảnh về Tây Ninh luôn chứ có cưới hỏi gì đâu. Hồi đó hai vợ chồng có tiền đâu mà cất nhà, cứ vay mượn bà con hàng xóm rồi che cái chồi kế bên nhà cha mẹ để ở. Bây giờ thì có với nhau 2 mặt con rồi, em thương ảnh lắm nên cứ làm, cứ ráng được ngày nào hay ngày đó. Nghèo thì nghèo thật nhưng vẫn cố sống vui nhau cho trọn tình, trọn nghĩa, rồi chăm cho con cái nó bằng bạn bè!”.

Căn nhà xập xệ, tối tăm như tương lai mờ mịt của đôi vợ chồng nghèo

Căn nhà xập xệ, tối tăm như tương lai mờ mịt của đôi vợ chồng nghèo

Khi tôi hỏi, tại sao anh Lé tật nguyền vậy mà chị vẫn thương, chấp nhận hy sinh cả thanh xuân của mình để cùng anh xây mái ấm ở vùng quê nghèo này? Chị Thoa cười nhẹ rồi nói: “Em thương vì cái thật thà, cái tình cảm của ảnh và lấy ảnh vì cảm phục, vì tình yêu chứ đâu phải lấy ảnh về để mong ảnh nuôi em. Có lúc người ta bảo em lợi dụng ảnh nhưng trời ơi, em lợi dụng cái gì, ảnh có gì đâu mà em lợi dụng. Cũng cay đắng lắm nhưng miệng đời mình mặc kệ, còn mình thương nên mình chịu”. Thật, câu chuyện về tình yêu của họ khiến tôi cảm động và trân quý. Tôi cảm ơn họ vì đã chứng mình cho cuộc sống này thấy, với tình yêu sẽ không có bất cứ giới hạn nào và khi có nó, mọi khó khăn đều được đi qua một cách nhẹ tênh.

Nể phục tình yêu của họ là vậy, nhưng khi trở lại với hoàn cảnh của gia đình nhỏ này, sao tôi vẫn thấy xót xa quá. Một mái ấm tạm bợ với vài tấm tôn, miếng bạt chấp vá trống trước, trống sau, thì sao có thể gọi là nhà. Vậy mà, họ đã sống cùng nhau ở đây ngần ấy năm. Và rồi những đồng lương ít ỏi của chị Thoa chắc chiu hằng ngày, liệu rằng có đủ vun vén cho gia đình này hay chỉ lây lất cho qua ngày. Tương lai của 2 đứa trẻ rồi sẽ đi về đâu khi cuộc đời của cha mẹ chúng còn phải “thiếu trước, hụt sau”.

Gương mặt trẻ thơ hồn nhiên trong vòng tay của mẹ

Gương mặt trẻ thơ hồn nhiên trong vòng tay của mẹ

Dẫu biết rằng, bằng tình yêu chân thành họ vẫn sẽ tiếp tục cùng nhau đi qua những ngày dài khó khăn phía trước nhưng tôi ước, giá mà có ai đó cùng san sẻ với những khó khăn này để họ đủ nghị lực và niềm tin bước tiếp.

Nước mắt hòa lẫn tiếng nức nở của người phụ nữ nghèo khổ khi nhìn đứa con thơ trong vòng tay khiến tôi nghẹn ngào. Lễ tết là dịp sum vầy nhưng lại khiến chị thêm buồn tủi và áy náy hơn. Một chuyến xe đưa nối liền Nghệ An - Tây Ninh như trở nên xa xôi vạn dặm. Cha mẹ miền xa trông con cháu về, trẻ dại bi bô tập nói ngơ ngác hỏi ông bà đâu hở mẹ. 3 năm không thể trở về ấy dài đằng đẵng và càng mờ mịt hơn bởi cái nghèo trói chân không thể hứa hẹn ngày hồi hương. Còn gì xót thương hơn khi hai miền trông ngóng, chờ dịp sum vầy mà phải chia xa.

Vietpress Team

theo NTD

largeer