Có FTA, xuất khẩu rau quả sang Hàn Quốc vẫn gian nan

Thứ năm, 11/07/2019, 09:58 AM

Trong bối cảnh xuất khẩu sang Trung Quốc khó khăn bởi những quy định mới, ngành hàng trái cây cần nâng cao chất lượng, tìm đến những thị trường mới còn nhiều dư địa phát triển như Hàn Quốc, Mỹ…

Thanh long, măng cụt lên ngôi

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả trong tháng 6/2019 đạt 320 triệu USD, giảm 10,8% so với tháng trước, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2019, xuất khẩu rau quả ước đạt 2,08 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018.

6
  Được đánh giá là ngon hơn chuối Hàn Quốc nhưng chuối Việt Nam vẫn khó xuất khẩu sang thị trường này do thiếu thương hiệu. Ảnh: I.T

Được đánh giá là ngon hơn chuối Hàn Quốc nhưng chuối Việt Nam vẫn khó xuất khẩu sang thị trường này do thiếu thương hiệu. Ảnh: I.T

Trong 5 tháng đầu năm, Hàn Quốc nhập khẩu hàng rau quả chủ yếu từ ba thị trường chính là: Trung Quốc, Mỹ và Philippines. Việt Nam là thị trường cung cấp hàng rau quả lớn thứ 5 cho Hàn Quốc.

Quả và quả hạch là chủng loại xuất khẩu chính trong 5 tháng đầu năm 2019. Trị giá xuất khẩu quả và quả hạch đạt 1,38 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thanh long là chủng loại xuất khẩu chính với tỷ trọng chiếm tới 40,2% tổng trị giá xuất khẩu quả và quả hạch của Việt Nam.

Tháng 5/2019, xuất khẩu măng cụt đạt 140,4 triệu USD, tăng 146,1% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mặt hàng xuất khẩu chính đạt tốc độ tăng trưởng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2019. Cuối tháng 4/2019, Trung Quốc đã cấp phép nhập khẩu măng cụt của Việt Nam. Đây là loại trái cây thứ 9 được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc (sau thanh long, vải, dưa hấu, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm).

Cũng trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu xoài đạt 136 triệu USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2018. Tháng 5/2019, xuất khẩu xoài tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, đạt 34,3 triệu USD, tăng 71,4%. Trong thời gian tới, xuất khẩu xoài sẽ tiếp tục khả quan do xoài đã chính thức trở thành loại quả tươi thứ 6 của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ sau vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa và thanh long.

Tuy nhiên, khi xuất khẩu xoài sang thị trường Mỹ phải đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu khắt khe của đối tác như hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, côn trùng gây hại, truy xuất nguồn gốc, chiếu xạ… Việc xoài được xuất khẩu vào thị trường Mỹ là cơ hội để xoài của Việt Nam có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc…

Tìm cơ hội ở thị trường Hàn Quốc

Cho đến nay, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã có hiệu lực được 4 năm (từ năm 2015) nhưng dường như cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường này còn hạn chế.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2019 nhập khẩu hàng rau quả của Hàn Quốc đạt 1,37 triệu tấn, trị giá 1,8 tỷ USD, giảm 1,4% về lượng và giảm 2,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Hàn Quốc nhập chủ yếu bắp cải, xà lách, củ cải, ớt, tỏi, ớt chuông… và nhập khẩu khá nhiều trái cây. Bình quân mỗi người tiêu dùng khoảng 60kg/năm. Đây là cơ hội để cho các thị trường xuất khẩu đẩy mạnh mặt hàng rau quả vào thị trường Hàn Quốc, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên để đẩy mạnh xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Hàn Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý người tiêu dùng Hàn Quốc đặt tính an toàn của nông sản, thực phẩm lên hàng đầu, sau đó mới tới chất lượng, mùi vị, hình thức bên ngoài và giá cả. Hàn Quốc là được xem là thị trường “khó tính” nhất châu Á về điều kiện đối với hàng nông sản nhập khẩu.

Các loại rau quả tươi nhập khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan chức năng của Hàn Quốc ban hành. Đối với các loại rau quả chế biến, nhà máy cung cấp cần phải đạt được giấy chứng nhận xuất khẩu do phía Hàn Quốc cấp sau khi họ đã kiểm tra dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị chế biến, kho lưu giữ bảo quản sản phẩm.

Trong 5 tháng đầu năm, Hàn Quốc nhập khẩu hàng rau quả chủ yếu từ ba thị trường chính là: Trung Quốc, Mỹ và Philippines. Việt Nam là thị trường cung cấp hàng rau quả lớn thứ 5 cho Hàn Quốc.

Theo ông Hong Sun - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, Việt Nam có rất nhiều nông sản nhưng chưa có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế. “Ví dụ chuối của các bạn rất ngon, ngon hơn rất nhiều so với chuối Hàn Quốc nhưng kể cả khi các bạn dán tem truy xuất nguồn gốc hay chứng tỏ an toàn thì người tiêu dùng vẫn không tin tưởng vì các bạn chưa xây dựng được thương hiệu đủ mạnh” - ông Hong Sun nói.

Vì vậy, theo ông Hong Sun, các doanh nghiệp Việt Nam cần hướng đến cách làm bài bản, chuyên nghiệp, xây dựng thương hiệu đủ mạnh vì người tiêu dùng Hàn Quốc rất coi trọng chất lượng sản phẩm.   

Khánh Nguyên

Theo danviet.vn