Cổ đông của VEAM hồi hộp chờ xử lý trách nhiệm ban lãnh đạo

Thứ tư, 05/06/2019, 13:57 PM

Gần 1 năm qua, cổ phiếu VEA của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) tăng gấp đôi. Cổ đông chưa kịp vui mừng thì “hung tin” xuất hiện, Bộ Công thương chuyển hồ sơ sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ và công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản... tại VEAM sang Bộ Công an.

VEA gây được tiếng vang

Mặc dù chỉ bán được 90% lượng cổ phiếu chào bán trong cuộc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 29/8/2016 với giá trúng bình quân 14.290 đồng/cổ phiếu nhưng IPO của VEAM được đánh giá là đợt IPO lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2016.

Theo phương án cổ phần hóa, VEAM có vốn điều lệ là 13.288 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Công thương sở hữu 51% vốn điều lệ, IPO 12,57%, nhà đầu tư chiến lược 36% và cán bộ công nhân viên nắm giữ 0,43%. Tuy nhiên, phương án này chưa thể hoàn thành.

Hiện nay, Bộ Công thương sở hữu 88,47% vốn điều lệ của VEAM, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Hòa An (với đại diện là bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG) sở hữu 6%.

Cổ phiếu VEA lên sàn UPCoM từ 2/7/2018 với giá đóng cửa 26.000 đồng/cổ phiếu và tăng dần đều đến nay đạt 52.000 đồng/cổ phiếu giúp nhiều nhà đầu tư lời gấp đôi nếu mua trên sàn và gấp 3,6 lần nếu mua qua đợt IPO. Tỷ suất sinh lời cao khiến VEA trở thành hàng hot trên sàn UPCoM.

Một trong những nguyên nhân VEA được giới đầu tư chú ý trong thời gian gần đây, nhà đầu tư Nguyễn Duy cho biết, cổ phiếu VEA đã có lộ trình niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), lộ trình Nhà nước thoái vốn xuống còn 36%, lợi nhuận hợp nhất liên tục tăng trưởng và kế hoạch trả cổ tức hấp dẫn.

Ông Trần Ngọc Hà bị bãi nhiệm chức Tổng Giám đốc từ 22/8/2018 do có nhiều sai phạm trong công tác quản lý tại VEAM.

Ông Trần Ngọc Hà bị bãi nhiệm chức Tổng Giám đốc từ 22/8/2018 do có nhiều sai phạm trong công tác quản lý tại VEAM.

Lãnh đạo VEAM liên tục sai phạm

Vừa qua, Bộ Công thương đã công bố kết luận Thanh tra số 3202/KL-BCT về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại VEAM.

Kết luật thanh tra nêu rõ, trong giai đoạn 2010 đến 6/2018, mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hàng năm đều có lãi, tuy nhiên thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Toyota, Honda, Ford...) mang lại.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót. Cụ thể, có nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, công nợ... gây thiệt hại, lãng phí tài sản của Nhà nước.

Bộ Công thương đã yêu cầu VEAM, các đơn vị liên quan thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các nội dung kết luận thanh tra. Đồng thời, Bộ Công thương cũng đã tiếp tục chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế.

Hàng năm, VEAM được các liên doanh trả cổ tức khủng, tiền mặt rủng rỉnh nên một số lãnh đạo VEAM không thông qua hội đồng thành viên (HĐTV) lại tự ý đi đầu tư, rót tiền vào các chi nhánh, công ty con nhưng kinh doanh không hiệu quả.

Từ năm 2004-2013, Nhà máy Ô tô VEAM đã liên tục được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 462,46 tỷ đồng lên 698,67 tỷ đồng trong khi công suất thiết kế không thay đổi. Mặc dù chưa có nghị quyết thông qua của HĐTV nhưng đến 31/12/2014, Chủ tịch HĐTV đã chỉ đạo chuyển một lượng vốn lớn cho dự án lên tới 1.214 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2018, VEAM đã chuyển cho Nhà máy Ô tô VEAM đến 2.643 tỷ đồng mặc dù dự án này liên tục lỗ.

Năm ngoái, ông Trần Ngọc Hà đã bị bãi nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc từ ngày 22/8/2018. Ông Trần Ngọc Hà mất chức vì bán 3.000 linh kiện phụ tùng ô tô xe Hyundai trị giá 1.600 tỷ đồng không thông qua hội đồng quản trị. Ngoài ra, ông Trần Ngọc Hà còn có các vi phạm khác liên quan đến quy định về quản lý tài chính và điều lệ của tổng công ty này.

Hoạt động cốt lõi yếu

VEAM là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất máy nông nghiệp tại Việt Nam nhưng hoạt động kinh doanh cốt lõi này lại kém hiệu quả.

Hiện nay, VEAM đang nắm giữ 30% vốn góp tại Honda Việt Nam, 20% tại Toyota Việt Nam và 25% tại Ford Việt Nam. Đây là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ô tô, xe máy và là “con gà đẻ trứng vàng” của tổng công ty.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, năm 2016, công ty đạt lợi nhuận trước thuế 4.512 tỷ đồng nhưng cổ tức từ nhóm công ty liên doanh, liên kết đã mang về 4.576 tỷ đồng. Con số này trong năm 2017 là 5.122 tỷ đồng và 5.170 tỷ đồng; năm 2018 là 7.126 tỷ đồng và 6.852 tỷ đồng. Như vậy, nếu không có lợi nhuận từ  liên doanh với Toyota, Honda, Ford... thì VEA đã chìm đắm trong thua lỗ.

Năm 2018, nhà sản xuất xe máy lớn nhất Việt Nam Honda với 77% thị phần đã bán được 2,57 triệu xe máy (tăng 9,9% so với cùng kỳ), trong đó xe tay ga chiếm 68%. Năm 2018, VEAM nhận được 5.234 tỷ đồng cổ tức từ Honda. Ngoài ra, VEAM nhận được lợi nhuận từ Toyota là 841 tỷ đồng, từ Ford là 248 tỷ đồng.

Như vậy, phần lớn lợi nhuận của VEAM lại đến từ mảng xe máy của Honda Việt Nam. Thế nhưng thị trường xe máy đã rơi vào trạng thái bão hòa khi chỉ tăng 2-3%/năm. Đánh giá về khả năng tăng trưởng của Honda Việt Nam, ông Bùi Quang Chuyện, Chủ tịch HĐQT VEAM cho biết: Kế hoạch sản xuất xe máy của Honda Việt Nam đến năm 2020 không có nhiều biến động, lợi nhuận có thể duy trì ở mức 2017, 2018. Sau năm 2020, tùy thuộc vào nhiều yếu tố và chính sách của Nhà nước, công ty sẽ định hướng phù hợp.

Ngoài ra, chính sách chi trả cổ tức tại các công ty liên kết có thể thay đổi bất kỳ lúc nào sẽ làm ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh hợp nhất của VEAM. 

TRÍ NGUYỄN

Theo NTD

largeer