Có bao nhiêu tiền thì bị coi là nghèo khi sống ở các nước giàu?
Ở Đan Mạch, một người sống với mức dưới 30 USD (khoảng hơn 680.000 VND) mỗi ngày thì đã được coi là nghèo.
Bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng tồn tại những người sống trong cảnh nghèo đói. Ngay cả ở những quốc gia giàu nhất thế giới, những người nghèo nhất vẫn phải sống trong những ngôi nhà tồi tàn, và phải chật vật để có đủ tiền chi trả cho các hàng hóa và dịch vụ cơ bản như sưởi ấm, đi lại và thực phẩm sạch cho bản thân cũng như gia đình của họ.
Ngay cả ở một quốc gia giàu có và tương đối bình đẳng như Đan Mạch, đàn ông trung niên nằm trong nhóm 20% dân số nghèo nhất cũng có tuổi thọ trung bình kém hơn tới 9 năm so với nhóm 20% giàu nhất. Ở Đan Mạch, một người sống với mức dưới 30 USD mỗi ngày thì đã được coi là nghèo.
Thực tế, định nghĩa về nghèo đói là rất khác nhau giữa các quốc gia. Các nước nghèo hơn đặt ra các chuẩn nghèo thấp hơn nhiều so với các nước giàu hơn.
Theo Liên hợp quốc, một người được coi là sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khi họ sống với mức dưới 1,9 USD mỗi ngày, đây được gọi là Chuẩn nghèo Quốc tế. Theo thống kê toàn cầu mới nhất, cứ 10 người thì có 1 người sống trong tình trạng cực kỳ nghèo đói trên toàn cầu.
Nếu chúng ta biết rằng nghèo đói là một vấn đề lớn ngay cả ở những quốc gia có thu nhập cao như Đan Mạch, nơi chuẩn nghèo được quy định khoảng 30 USD một ngày, thì tại sao chúng ta lại sử dụng Chuẩn nghèo quốc tế - mức cực kỳ thấp để đo lường đói nghèo trên toàn cầu?
Đó là thực tế của thế giới - cực kỳ bất bình đẳng - của chúng ta.
Nếu không có chuẩn nghèo thấp như vậy, chúng ta sẽ không nhận thức được thực tế, là một phần lớn thế giới đang sống trong tình trạng nghèo cùng cực như vậy. Chuẩn nghèo toàn cầu của Liên hợp quốc có giá trị vì nó thu hút sự chú ý đến thực trạng nghèo cùng cực trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, việc chỉ đo lường tình trạng nghèo đói trên toàn cầu so với các ngưỡng nghèo cực thấp như vậy cũng có mặt trái của nó. Nếu như tập trung vào ngưỡng thu nhập thấp hơn thu nhập của 90% dân số toàn cầu, có nghĩa là chúng ta đang bỏ qua những gì đang xảy ra với phần lớn dân số thế giới.
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Max Roser, nhà sáng lập kiêm giám đốc của Our World in Data, ở các nước có thu nhập cao ở châu Âu, chuẩn nghèo dao động trong khoảng từ 25-38 USD/ngày. Chuẩn nghèo ở Mỹ cũng ở mức cao, từ 33-35 USD mỗi ngày. Theo một nghiên cứu khảo sát những người sống ở các quốc gia có thu nhập cao để hỏi xem một người như thế nào thì bị coi là nghèo, kết quả cho thấy, ngưỡng thu nhập trung bình do dân số được khảo sát đề xuất là khoảng 37,58 USD/ngày.
Theo Chuẩn nghèo Quốc tế của Liên hợp quốc, có tới 10% thế giới sống trong tình trạng cực kỳ nghèo đói. Nhưng nếu xét theo chuẩn nghèo của Đan Mạch, thì có tới 85% dân số thế giới sống với mức sống dưới 30 USD/ngày.
Nếu áp chuẩn nghèo cao hơn là 45 USD/ngày, thì có tới 92% dân số toàn cầu được cho là nghèo đói. Còn nếu sử dụng chuẩn nghèo thấp hơn là 20 USD/ngày, thì 78% dân số toàn cầu sẽ được cho là sống trong đói nghèo. Vậy có bao nhiêu người đang sống trong ngưỡng nghèo "vừa phải"? Dữ liệu toàn cầu mới nhất cho chúng ta biết rằng, có 6,5 tỷ người. Bất kể bạn muốn chọn chuẩn nghèo nào trong số những chuẩn nghèo nói trên, thì cũng có ít nhất 3/4 dân số thế giới sống trong cảnh nghèo đói. Nếu chúng ta chỉ dựa vào chuẩn nghèo cùng cực của Liên hợp quốc, chúng ta sẽ kết luận rằng hầu như không có ai sống trong cảnh nghèo ở các nước có thu nhập cao.
Tất cả dữ liệu này đề cập đến thời điểm trước đại dịch. Covid-19 chắc chắn đã làm tăng tỷ trọng đói nghèo, cho dù bạn có dùng chuẩn nghèo nào đi nữa.
Dựa trên các chuẩn nghèo cao hơn, có thể thấy rằng ngay cả ở các quốc gia có thu nhập cao, vẫn có một phần đáng kể dân số sống trong cảnh nghèo đói. Không có quốc gia nào, kể cả các quốc gia có thu nhập cao nhất, xóa bỏ hoàn toàn được đói nghèo.
Ai giàu hơn? Người giàu ở nước nghèo hay người nghèo ở nước giàu?
Bạn muốn làm người giàu ở nước nghèo hay làm người nghèo ở nước giàu? Câu hỏi thường gợi sự tranh luận sôi nổi và hầu như không có hồi kết. Nhưng chúng ta có thể thêm một vài giả định vào câu hỏi, khi đó, ta sẽ có câu trả lời.
Giả định rằng, những người giàu có và những người nghèo được tính là những người nằm trong 5% dân số thu nhập cao nhất và 5% dân số thu nhập thấp nhất.
Ở một nước giàu điển hình, 5% dân số nghèo nhất nhận được khoảng 1% thu nhập quốc dân. Dữ liệu đối với các nước nghèo rất ít, nhưng thường 5% người giàu nhất ở nước nghèo sở hữu 25% thu nhập quốc dân.
Trung bình, ở một quốc gia nghèo điển hình (như Liberia hoặc Nigeria), thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.000 USD, ở một quốc gia giàu có điển hình (như Thụy Sĩ hoặc Na Uy) là 65.000 USD. Các con số đã được điều chỉnh ngang giá sức mua.
Một phép tính đơn giản có thể cho ra kết quả rằng một người giàu ở một quốc gia nghèo có thu nhập 5.000 USD (1.000 USD x 25% : 5%) trong khi một người nghèo ở một quốc gia giàu có kiếm được 13.000 đô la (65.000 USD x 1% : 5%).
Vậy đo lường bằng mức sống vật chất, người nghèo ở nước giàu sẽ giàu hơn gấp đôi người giàu ở nước nghèo.
Hoàng Hà
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội