Xuất khẩu châu Á giảm mạnh phụ thuộc vào thị trường các nước giàu
Các công ty châu Á đang kiếm được nhiều lợi nhuận hơn trong khu vực, mức lợi nhuận này còn cao hơn việc xuất hàng sang các nước giàu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm nay, cao hơn mức tăng trưởng 3,7% năm 2017, nhờ sự bùng nổ của kinh tế châu Á. Nhóm các nước và vùng lãnh thổ ở châu Á hiện đang đóng góp hơn một nửa vào tăng trưởng GDP trên khắp thế giới.
Tiêu dùng tăng, dân số và thu nhập tăng cũng như rào cản giữa các thị trường giảm bớt nhờ các hiệp định thương mại nhiều lớp đã giúp cho nhu cầu tiêu dùng tại châu Á tăng. Kết quả, các công ty châu Á đang kiếm được nhiều lợi nhuận hơn trong khu vực, mức lợi nhuận này còn cao hơn việc xuất hàng sang các nước giàu.
Tăng trưởng kinh tế tại châu Á khác nhau nhiều về địa điểm, khu vực địa lý và thời điểm. Nhật là nước đầu tiên ở châu Á đạt được trình độ phát triển kinh tế cao vào thập niên 1960.
Sau đó sang đến thập niên 1970, nhóm nước công nghiệp mới bao gồm Hàn Quốc, Singapore và thành phố Hồng Kông theo bước nước Nhật.
Thập niên 1980, nhóm nước như Malaysia và Thái Lan tăng trưởng nhanh. Thập niên 1990 và sau đó chứng kiến sự trỗi đậy của Trung Quốc và Ấn Độ. Châu Á đã có được mô hình tăng trưởng kinh tế độc nhất nhờ sự phân chia lao động chưa từng có tiền lệ.
Cũng theo IMF, nền kinh tế của Trung Quốc, Thái Lan – hai nước vốn được mệnh danh “công xưởng châu Á” và nhóm nước giàu tài nguyên như Indonesia và Malaysia đã chịu nhiều biến động bởi nhu cầu tiêu dùng tại Nhật, Mỹ và châu Âu, điểm đến của phần lớn các loại nguyên liệu thô cũng như hàng hóa thành phẩm.
Tình hình này đã thay đổi qua các năm. Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật (JETRO), trong năm 2016, khoảng hơn 40% hàng hóa xuất khẩu từ các nước ASEAN được bán vào những khu vực trong khối hoặc đến nhiều nước khác trong Đông Á chứ không chỉ đơn thuần là Nhật. Khu vực Đông Á và Đông Nam Á hấp thụ khoảng 20% hàng xuất khẩu của Trung Quốc, cao hơn tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu sang Nhật, Mỹ và châu Âu.
Tăng trưởng nhu cầu khu vực châu Á đã giúp điều chỉnh biến động của từng nền kinh tế khu vực. GDP bình quân đầu người của Thái Lan vào năm 2017 đứng ở mức 6.590 USD/người, tương đương gần 20% của Nhật.
Thế nhưng nếu tính theo ngang giá sức mua, con số của Thái Lan tương đương đến 40% của Nhật. Còn nếu tính riêng tỷ lệ này tại Bangkok, nơi tập trung khoảng 30% dân số Thái Lan, con số nói trên lên mức tương đương 80% của Nhật.
Số liệu công bố bởi Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật, nhóm người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có tại châu Á ước tính sẽ lên mức 2,9 tỷ vào năm 2020, tăng 50% so với năm 2010.
TRUNG MẾN
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường