Chuyện về ngôi trường chưa bao giờ có giáo viên nữ ở Thanh Hóa
Nằm ở giữa thung lũng quanh năm sương mù bao phủ, điều kiện vô cùng khó khăn và khắc nghiệt nên Trường phổ thông Cao Sơn (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) kể từ khi thành lập đến ngày nay chưa một lần có giáo viên nữ về đây giảng dạy.
Gieo chữ giữa đại ngàn
Nằm cách trung tâm Thành phố Thanh Hóa 150 km, trong thung lũng được bao quanh bởi những những ngọn núi chót vót là nơi tọa lạc của Trường phổ thông Cao Sơn, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước.
Cao Sơn là tên gọi chung của 3 bản Son, Bá, Mười thuộc xã Lũng Cao, nơi đây được mệnh danh là "Sapa" của xứ Thanh với thời tiết quanh năm mát mẻ, về mùa đông thường xuất hiện băng tuyết và là vùng đất nằm trong thung lũng thơ mộng được bao quanh bởi những dãy núi hùng vĩ Pha Chiến, Pha Hé và song song với dãy Pù Luông, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái.
Trường phổ thông Cao Sơn được thành lập năm 2008, khi đó để đến được trường các thầy giáo phải gửi xe từ trung tâm xã men theo những con đường mòn vượt núi đến điểm trường với khoảng cách hơn 10 km nhưng mất hơn 4 giờ đồng hồ đi bộ. Ngoài ra còn một cung đường khác để đến trường là đi xe máy từ trung tâm huyện xuôi xuống đường mòn Hồ Chí Minh sang Hòa Bình và vòng về trường với khoảng cách lên đến gần 150 km.
Thầy Vi Văn Hoan (người đầu tiên giảng dạy bậc tiểu học trên Cao Sơn) khi chưa thành lập trường chia sẻ: “Khi ra trường năm 1984, tôi được phân công lên đây giảng dạy bậc tiểu học với 5 lớp học, khi đó những lớp học chỉ là những chiếc lều được lợp bằng tranh tre, nứa lá. Chỉ nghĩ đến hành trình lên điểm trường phải đi bộ cả nửa ngày trời cũng đã ớn người với những con đường men theo núi đá cheo leo, nhưng rồi nghĩ đến các em học sinh đang chờ đợi thì càng quyết tâm hơn để vượt qua quãng đường dài đến với bản làng, các em học sinh”.
"Tôi là người có duyên nợ với Cao Sơn khi đã 3 lần luân chuyển lên đây và đã có hàng chục năm gắn bó với nơi này. Lần cuối lên đây là từ 2005, đến bây giờ với bao kỷ niệm khi chứng kiến nhiều đổi thay nơi đây như một giấc mơ ngày hôm qua.
Khi đó điều kiện đi lại, sinh hoạt vô cùng khó khăn, cả tháng trời mới về với gia đình, lúc đó cái ăn còn chưa có huống chi nói đến việc học cũng gặp khó. Nhưng với lòng quyết tâm của người thầy, chúng tôi đã đến từng nhà vận động cũng như tận tay dắt các cháu học sinh đến lớp", thầy Hoan kể lại.
Thầy Trịnh Công Định - Hiệu trưởng Trường phổ thông Cao Sơn cho biết" “Hiện nay toàn trường có 9 khối học từ lớp 1 đến lớp 9 với 109 học sinh của 3 bản Son, Bá, Mười, chủ yếu là các em học sinh người Thái.
Trước đây, để dạy chữ cho học trò nơi đây là cả một điều hết sức phi thường khi điều kiện còn hết sức khó khăn về đường đi, điện chưa có, điều kiện sinh hoạt, nơi ăn ở và nơi dạy học là những phòng học tranh tre tạm bợ. Cứ mỗi lần đi từ nhà lên trường chúng tôi phải gùi đồ như gạo, cá khô, lạc lên đây để ăn cả tháng hết rồi lại về thăm nhà mang lên”.
Điều kiện học tập khó khăn là vậy nhưng từ năm 2013 trở lại đây, 100% trẻ em Cao Sơn vẫn cố gắng đến lớp và chưa có trường hợp nào bỏ học giữa chừng.
10 năm chưa từng có một nữ giáo viên
Trường phổ thông Cao Sơn được thành lập năm 2008 đến nay đã 10 năm trôi qua nhưng điều đặc biệt là ngôi trường này chưa bao giờ có một nữ giáo viên nào lên đây giảng dạy.
Đến năm 2015, được sự quan tâm của nhà nước một con đường bê tông từ trung tâm xã được thông đường với vùng Cao Sơn giúp cho việc đi lại của người dân và giáo viên được thuận lợi hơn.
Thầy Trịnh Công Định cho biết thêm, năm 2012 nhà trường cũng được quan tâm đầu tư xây dựng dãy lớp học kiên cố để thầy và trò có thể yên tâm đến lớp. Hiện nay toàn trường có 16 cán bộ, giáo viên ở 2 cấp học được phân công giảng dạy tại Cao Sơn.
“Từ khi tôi về trường đến bây giờ chưa 1 lần có giáo viên nữ giảng dạy ở đây. Trước đây do đường xá đi lại khó khăn đối với giáo viên nam đang còn là cả một vấn đề nên đối với giáo viên nữ càng khó khăn hơn nhiều nên các giáo viên nữ không được phân công lên đây.
Ngoài ra, ở đây do thời tiết khắc nghiệt có thời điểm mùa đông xuống 0oc cộng với sương mù bảo phủ suốt ngày nên giáo viên nữ cũng không thể chịu đựng được thời tiết trên này nên trường cũng không có giáo viên nữ”, thầy Định chia sẻ.
Khó khăn là vậy nhưng được sự quan tâm của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương thầy và trò Trường phổ thông Cao Sơn đã cố gắng vươn lên dạy tốt, học tốt cũng như xây dựng tủ sách học tập, đổi mới các phương pháp dạy học, áp dụng các chương trình dạy học mới.
Trần Nghị
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội