Đại biểu QH: Có độc quyền bán sách "Công nghệ giáo dục"?
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng đặt vấn đề có độc quyền trong việc phát hành sách "Công nghệ giáo dục" hay không khi bà đã đi thực tế ở nhiều hiệu sách tại Hà Nội để mua nhưng không được.
Ngày 12-9, tại phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đã trình bày báo cáo thẩm tra về dự án luật.
Tham gia thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển có cùng câu hỏi về việc hàng loạt chính sách mới được đưa vào dự án luật sửa đổi, cơ quan soạn thảo đã đánh giá tác động của chính sách mới với 20% ngân sách chi cho giáo dục hay chưa? Ngân sách có đủ để đảm bảo cho các chính sách này hay không?
Trả lời vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết cơ quan soạn thảo đã có tính toán khả thi về mặt tài chính. Trong đó, chính sách miễn học phí cho trẻ em mầm non và THCS, chính sách hỗ trợ cho đối tượng ngoài công lập đều đã được tính toán.
"Số tiền dành cho miễn học phí, cấp bù, cấp hỗ trợ cho các đối tượng ngoài công lập... đều nằm trong 20% ngân sách chi cho giáo dục. Về vấn đề này, Chính phủ sẽ có kế hoạch và lộ trình"- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Tại phiên thảo luận, vấn đề sách "Công nghệ giáo dục" gây tranh cãi thời gian qua cũng được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm trong phiên họp. Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, băn khoăn khi việc thực nghiệm trở thành đại trà trong giáo dục thì sẽ như thế nào.
Bà Hải dẫn Điều 100 của Luật Giáo dục hiện hành nêu rõ: Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương lớn có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước, những chủ trương về cải cách nội dung chương trình của một cấp học; hằng năm báo cáo Quốc hội về hoạt động giáo dục và việc thực hiện ngân sách giáo dục.
Mặc dù vậy, theo tìm hiểu của bà Hải, 100% học sinh ở Hà Tĩnh đã sử dụng sách "Công nghệ giáo dục". "100% là đại trà rồi, đâu còn là thực nghiệm nữa"- bà Hải nói.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng đặt vấn đề có độc quyền trong việc phát hành sách "Công nghệ giáo dục" này hay không khi bà đã đi thực tế ở nhiều hiệu sách tại Hà Nội để mua nhưng không được.
"Tôi muốn mua cuốn sách này để xem những phản ánh của cử tri có đúng hay không nhưng tìm mua tất cả các hiệu sách không mua được, sách thực nghiệm này phụ huynh học sinh mua ở đâu, bán theo theo chương trình, hay bán độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục?"- bà Hải đặt vấn đề.
Cũng liên quan đến vấn đề sách "Công nghệ giáo dục", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đây là một tài liệu học tập của chương trình lớp 1.
"Chính phủ chưa có chủ trương cải cách Tiếng Việt. Sách "Công nghệ giáo dục" chỉ là một phương pháp cho trẻ em mới đi học, đây không phải cải cách, đổi mới Tiếng Việt"- Phó Thủ tướng khẳng định.
Minh Chiến
- Năm học 2018 - 2019, tiếp tục triển khai dạy tiếng Việt - công nghệ giáo dục ở các tỉnh, thành
- GS Hồ Ngọc Đại: Sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục là thành tựu lớn nhất và sẽ tồn tại vĩnh viễn
- Sách Công nghệ giáo dục bị chế giễu vì "đánh vần bằng hình vuông, tròn": Bộ Giáo dục lên tiếng
- Ý kiến phản biện về một số bài học trong sách công nghệ giáo dục
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội
-
Bão Toraji giật cấp 12 vào Biển Đông, trở thành bão số 8