Chuyên gia Trần Đắc Phu: 'Không nên lạm dụng test nhanh Covid-19'
Chuyên gia Trần Đắc Phu khuyến cáo không nên lạm dụng test nhanh kháng nguyên, chỉ thực hiện tại khu vực nguy cơ cao, số ca nhiễm nhiều; bệnh nhân đang có triệu chứng tiến triển như sốt, ho...
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, trả lời phỏng vấn của VnExpress ngày 11/8.
- Nhiều địa phương, doanh nghiệp, cả người dân đang sử dụng test nhanh kháng nguyên để tìm ca nhiễm trong cộng đồng. Xét nghiệm này hiệu quả thế nào?
- Xét nghiệm nCoV vô cùng quan trọng trong chẩn đoán bệnh nhân mắc Covid-19, đồng thời cũng là khâu quan trọng trong Chiến lược "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch". Muốn xác định được người nhiễm, người mắc bệnh, xác định được ổ dịch thì chỉ có xét nghiệm.
Hiện nay, xét nghiệm nCoV được thực hiện theo 2 hình thức, gồm xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm khẳng định (Realtime RT-PCR). Trong đó, xét nghiệm khẳng định nhằm xác định chính xác người bệnh đã nhiễm virus hoặc chưa nhiễm virus. Xét nghiệm này được thực hiện đối với một người có các dấu hiệu hoặc triệu chứng phù hợp với Covid-19, hoặc khi không có triệu chứng nhưng đã biết hoặc nghi ngờ tiếp xúc với người nhiễm bệnh gần đây.
Xét nghiệm sàng lọc là tìm người nhiễm virus nCoV trong một cộng đồng.
Test nhanh kháng nguyên chỉ thực hiện khi xét nghiệm sàng lọc, không xét nghiệm khẳng định được, vì độ chính xác (độ nhạy, độ đặc hiệu) không bằng xét nghiệm RT-PCR. Khi xét nghiệm một trường hợp dương tính bằng test kháng nguyên nhanh, muốn khẳng định phải xét nghiệm lại bằng RT-PCR.
Test nhanh không cần trang thiết bị và cơ sở phòng xét nghiệm phức tạp, cho kết quả nhanh, chỉ sau 15-30 phút. Tuy nhiên, test nhanh kháng nguyên chỉ có khả năng phát hiện những trường hợp nhiễm bệnh đang có nồng độ virus cao tại hầu họng, tương đương với xét nghiệm RT-PCR có giá trị CTvalue nhỏ hơn hoặc bằng 25. Có những loại test cho thấy chỉ có giá trị chính xác khi mà giá trị CTvalue của người nhiễm nhỏ hơn hoặc bằng 20.
Hiện tại, với biến thể Delta có khả năng lây nhanh, những người nhiễm biến thể này có nồng độ virus cao ở thời gian đầu nhiễm bệnh (ngày thứ 2 đến ngày thứ 7), khi đó dùng test nhanh kháng nguyên có khả năng phát hiện chính xác hơn. Còn sau ngày thứ 7 đến ngày thứ 14 hoặc sau ngày thứ 14 đối với cá biệt người nhiễm có thời gian ủ bệnh trên 14 ngày, nồng độ virus giảm nên độ chính xác không còn cao, thậm chí không phát hiện được và như vậy bỏ sót người nhiễm bệnh tại cộng đồng.
Tôi cho rằng chỉ nên sử dụng test nhanh kháng nguyên tại khu vực nguy cơ cao, có số ca nhiễm nhiều; trường hợp bệnh đang tiến triển (như sốt, ho...) vì lúc này tải lượng virus trong người nhiễm lớn.
Vì vậy, tôi đề nghị không lạm dụng test nhanh kháng nguyên, việc sử dụng cần theo chỉ định dịch tễ.
- Vậy khi nào cần dùng xét nghiệm nhanh?
- Tại khu vực nguy cơ rất cao như khu phong tỏa có số ca nhiễm nhiều, cần thực hiện test kháng nguyên nhanh, vì kết quả có ngay sau 15-30 phút, không cần phải trang thiết bị và phòng xét nghiệm phức tạp và cũng có thể xét nghiệm tại nhà. Đặc biệt nhanh chóng phát hiện được các trường hợp F0.
Tuy vậy, nếu kết quả test nhanh dương tính, cần khẳng định lại bằng xét nghiệm RT-PCR. Đồng thời, kết hợp hài hòa giữa sử dụng test kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT-PCR trong cùng một ổ dịch tùy theo đánh giá của cán bộ dịch tễ và cán bộ xét nghiệm.
Cụ thể, sau khi xét nghiệm bằng test kháng nguyên nhanh đã "bóc vét" cơ bản các trường hợp dương tính, thì số còn lại phải sử dụng RT-PCR. Tại các phòng khám sàng lọc ở bệnh viện, các nơi bệnh nhân đến khám có triệu chứng nghi ngờ cũng nên sử dụng test nhanh kháng nguyên.
Một nghiên cứu cho kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên có thể xác định trung bình 72% ở người có triệu chứng bệnh, nhưng ở những người không có triệu chứng chỉ là 58%.
Hiệu quả sàng lọc của các sinh phẩm xét nghiệm kháng nguyên nhanh phụ thuộc vào tình huống sử dụng và hướng dẫn của nhà sản xuất. Các sinh phẩm này thường sử dụng tốt nhất khi tải lượng virus cao nhất (từ 5-7 ngày sau khi khởi phát triệu chứng), hoặc những người không triệu chứng nhưng tiếp xúc với ca nhiễm Covid-19 ở mức cao.
Tôi nhấn mạnh, nguyên tắc áp dụng các hình thức xét nghiệm là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa người làm dịch tễ và nhân viên xét nghiệm. Áp dụng các phương pháp xét nghiệm nào cho hợp lý cần theo chỉ định dịch tễ và thống nhất với nhân viên xét nghiệm.
- Người dân tự test nhanh tại nhà thì sao?
- Test kháng nguyên nhanh là sinh phẩm phải được Bộ Y tế thẩm định cấp phép lưu hành. Tuy vậy hiện nay trên thị trường cũng rao bán rất nhiều test kháng nguyên nhanh. Những loại sản phẩm đó theo tôi có thể giả hoàn toàn hoặc kém chất lượng, nếu người dân mua phải thì sẽ cho kết quả sai và như vậy sẽ rất nguy hiểm.
Đặc biệt khi xét nghiệm cho kết quả âm tính sẽ dẫn tới chủ quan, không áp dụng các biện pháp phòng bệnh như 5K chẳng hạn để phòng bệnh cho mình cũng như phòng bệnh cho cộng đồng (nếu xét nghiệm bị âm tính giả), khi đó rất nguy hiểm. Với các lý do ở trên, nên khi áp dụng test kháng nguyên nhanh phải xét nghiệm liên tục (xét nghiệm đi, xét nghiệm lại nhiều lần, tốt nhất là 2 ngày một lần như vậy rất tốn kém).
Tôi khẳng định xét nghiệm là một trong những biện pháp cần thiết nhưng phải áp dụng đúng thời điểm, đúng tính chất của dịch, và đúng đối tượng. Không áp dụng một cách tùy tiện bởi sẽ làm sai cách chống dịch, không chẩn đoán đúng nguy cơ gây tốn kém thậm chí làm chủ quan trong việc phòng dịch bệnh.
- Theo ông, các địa phương, doanh nghiệp nên tổ chức, triển khai xét nghiệm nhanh như thế nào?
- Địa phương, doanh nghiệp nào nằm trong vùng có nguy cơ cao, hoặc nằm trong vùng ổ dịch, tiên lượng có nhiều người dương tính thì mới nên sử dụng test nhanh kháng nguyên, để xác định các trường hợp dương tính.
Những địa phương, doanh nghiệp nào nằm trong vùng nào an toàn, ít ca bệnh, vùng xanh, không nên dùng test nhanh kháng nguyên, mà dùng xét nghiệm Realtime RT-PCR gộp mẫu. Xét nghiệm Realtime RT-PCR gộp mẫu và test nhanh kháng nguyên có giá tương đương nhau, nhưng độ chính xác của xét nghiệm Realtime RT-PCR cao hơn nhiều.
Theo tôi, nếu xét nghiệm sàng lọc diện rộng thì cũng phải sàng lọc diện rộng có chỉ định. Ví dụ, xét nghiệm diện rộng tại một khu phố, một khu chợ hay một doanh nghiệp, đều cần có chỉ định. Khu nào nguy cơ cao thì áp dụng test nhanh kháng nguyên; khu nào an toàn, nguy cơ thấp, chưa bùng phát dịch thì xét nghiệm Realtime RT-PCR gộp mẫu. Nếu không có chỉ định sẽ thành xét nghiệm tràn lan, không hiệu quả, tốn kém.
Vấn đề là phải có sự phối hợp giữa những người làm dịch tễ và xét nghiệm, dịch tễ chỉ định ở đâu thì cần xét nghiệm nơi đó và áp dụng đúng phương pháp kỹ thuật của cán bộ xét nghiệm.
Đặc biệt, tất cả mẫu xét nghiệm phải có kết quả trong ngày, vì có thể hôm nay, bệnh nhân âm tính nhưng mai dương tính.
Với lý do trên, tôi khuyến cáo cần sử dụng test kháng nguyên nhanh một cách hợp lý để phục vụ tốt công tác phòng chống dịch tránh gây lãng phí tốn kém.
Lê Nga
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội