Chuyển đổi số là "cây bút đẹp nhất" vẽ lại bức tranh của báo chí Việt Nam

Thứ ba, 21/06/2022, 12:30 PM

Chuyển đổi số là “cây bút đẹp nhất” vẽ lại bức tranh của báo chí Việt Nam, đưa báo chí phát triển theo hướng hiện đại, mở ra sự linh hoạt và phản ứng kịp thời các vấn đề.

Báo chí - truyền thông ‘sắc bén’

Theo TS Nguyễn Đức Tài, Đại học Đại Nam: Chuyển đổi số trong báo chí là vấn đề cấp thiết. Sự chuyển đổi này không chỉ nằm ở công nghệ, mà xuất phát từ con người, tư duy... Các cơ quan báo chí nhận thức được sự cấp thiết này và không làm theo trào lưu.

Nếu báo chí trì trệ quá trình chuyển đổi số, các cơ quan báo chí sẽ không kết nối được với độc giả, mất độc giả, mất nguồn thu.

“Chuyển đổi số là “cây bút đẹp nhất” vẽ lại bức tranh của báo chí Việt Nam, đưa báo chí phát triển theo hướng hiện đại, mở ra sự linh hoạt và phản ứng kịp thời các vấn đề”, TS Nguyễn Đức Tài nói.

h1

Chuyển đổi số là ‘cây bút đẹp nhất’ vẽ lại bức tranh của báo chí Việt Nam. 

Sự phát triển nhanh chóng của Internet và các loại hình truyền thông đã tạo ra sức ép lớn, buộc các cơ quan báo chí, truyền thông phải tìm ra phương hướng phát triển thích hợp, nếu như muốn sản phẩm thông tin được công chúng tiếp nhận.

Một số tờ báo đơn nhất đã trở thành những cơ quan báo chí đa phương tiện với việc xuất bản đồng thời nhiều loại hình sản phẩm báo chí khác nhau như: nhật báo, tuần báo, nguyệt san, chuyên san, báo buổi chiều, báo mạng điện tử gắn với các hệ sinh thái về truyền thông số.

Chuyển đổi số không còn là nâng cao nhận thức, làm từ từ nữa mà phải làm nhanh và là sự tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh cực kỳ gay gắt của nền kinh tế truyền thông số. Hiện kinh tế số của Việt Nam theo đánh giá của các tổ chức quốc tế đã có những bước phát triển nhanh, nhiều triển vọng so với khu vực và thế giới

Theo thông tin từ Thông tấn xã Việt Nam, tính đến ngày 30/11/2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử), 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình.

Nhìn chung các cơ quan báo chí đã phát triển chuyển đổi số trong báo chí, trở thành phương tiện hoàn thiện kinh tế báo chí số, nhưng hiện nay nhiều cơ quan báo chí vẫn chỉ nghĩ đơn giản có một trang web, có tờ báo điện tử là đã lên không gian số. Một số báo có mở chức năng bình luận cho độc giả và bắt đầu web 2.0 nhưng không nắm được dữ liệu của người đọc. Như vậy chuyển đổi số chưa thành công, mới chỉ ở bề mặt.

Thực tế vấn đề phát triển kinh tế truyền thông ở các cơ quan báo chí, truyền thông cho thấy, tiếp cận về kinh tế truyền thông bản chất vẫn là kinh doanh quảng cáo với các sản phẩm là thông tin hay một số tác giả cũng mới nghiên cứu và đề cập tới một thuật ngữ mới là “kinh tế báo chí”.

Trong quá trình phát triển kinh tế truyền thông ở Việt Nam, đã có những mô hình tốt, nhưng cũng còn một số những bất cập, đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý ngành kinh tế truyền thông.

Cần sự dung hòa cũ-mới

Ths Vũ Hồng Thúy, Báo Pháp luật Việt Nam cho rằng: Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí là xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam. Các cơ quan báo chí dù lớn hay nhỏ đều có nhu cầu tự thân phải chuyển đổi để thích ứng với những thay đổi ngày càng nhanh chóng của công nghệ làm báo.

Chuyển đổi số không chỉ khiến cho độc giả của báo chí thay đổi mà mô hình hoạt động của các toà soạn cũng thay đổi. Tuy nhiên, có một thực tế là, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là vấn đề con người và tư duy.

“Làm thế nào để dung hoà giữa phương thức tác nghiệp cũ và mới tại các cơ quan báo chí vừa và nhỏ trước nhu cầu chuyển đổi số hiện nay là vấn đề mà nhiều cơ quan báo chí đang phải đối mặt”, Ths Vũ Hồng Thúy trăn trở.

h2

Dung hoà giữa phương thức tác nghiệp cũ và mới tại các cơ quan báo chí là yêu cầu cần thiết. 

Các toà soạn lại tiếp tục phân chia phóng viên theo dõi chuyên sâu về từng lĩnh vực như phóng viên theo dõi mảng kinh tế, phóng viên theo dõi mảng văn hoá, phóng viên theo dõi mảng nông nghiệp.

Tuy nhiên, chuyển đổi số đã khiến cho mô hình tổ chức toà soạn ở nhiều cơ quan báo chí thay đổi. Người ta đã nói nhiều đến Toà soạn hội tụ, báo chí đa phương tiện và một phóng viên “đa di năng”.

Sự chuyển đổi từ phương thức tác nghiệp cũ sang phương thức tác nghiệp mới đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số đã khiến cho nhiều toà soạn nhanh chóng bắt kịp sự đổi mới của báo chí nhưng cũng khiến cho nhiều nhà báo bị tụt lại phía sau.

Ths Vũ Hồng Thúy chỉ ra thực tế quá trình chuyển đổi số ở nhiều toà soạn trong thời gian qua, phần lớn các nhà báo đã quen với phương thức tác nghiệp cũ không mấy mặn mà và không theo kịp các yêu cầu mà quá trình chuyển đổi số đặt ra.

Trong khi đó, phần lớn các nhà báo trong số này lại đang giữ các vị trí chủ chốt tại các toà soạn. Bởi vậy, giải pháp mà các toà soạn thường phải áp dụng là thống nhất về mặt nhận thức trong toàn toà soạn về tầm quan trọng của chuyển đổi số, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt.

Còn lại, việc triển khai thực tế các công việc phục vụ quá trình chuyển đổi số sẽ giao cho một bộ phận riêng, thường là những người trẻ, được đào tạo và đào tạo lại về công nghệ số.

Một khó khăn khác mà các toà soạn cũng phải đối mặt khi tiến hành chuyển đối số là kinh phí triển khai thực hiện. Ngoài các cơ quan báo chí lớn như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Tạp chí Đảng Cộng sản… phần lớn các cơ quan báo chí thuộc cấp bộ hiện nay là các đơn vị sự nghiệp, sự nghiệp tự hoạch toán kinh doanh, không có đủ kinh phí cho việc thường xuyên đổi mới hệ thống máy móc, cập nhật công nghệ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Nếu tiến hành một cách đơn lẻ và không có kế hoạch, các cơ quan báo chí sẽ liên tục phải đối mặt với tình trạng vừa trang bị xong, hệ thống máy móc thiết bị lại đã bị lạc hậu do công nghệ thay đổi quá nhanh.

“Điều này đòi hỏi Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phải đưa ra được bài toán cụ thể, vừa định hướng, hỗ trợ, vừa gỡ vướng cho các cơ quan báo chí trong quá trình thực hiện một nhiệm vụ vừa hấp dẫn, vừa khó khăn này”, Ths Vũ Hồng Thúy nói.

Hà Anh

Theo doanhnghiepvn.vn

largeer