Chương trình Táo quân bị phản ứng vì xúc phạm người đồng giới

Thứ năm, 22/02/2018, 22:09 PM

Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cùng Trung tâm Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT (ICS) vừa có thư ngỏ gửi đến Đài truyền hình Việt Nam và Ban biên tập chương trình Gặp nhau cuối năm để phản đối chương trình này.

Những câu thoại của các táo về nhân vật Bắc Đẩu trong chương trình Táo quân bị cho rằng đã xúc phạm người đồng tính. Ảnh: VTV

Những câu thoại của các táo về nhân vật Bắc Đẩu trong chương trình Táo quân bị cho rằng đã xúc phạm người đồng tính. Ảnh: VTV

Nội dung thư ngỏ bày tỏ sự bức xúc, không đồng tình khi chương trình Táo quân 2018 liên tục đưa ra những thông tin sai lệch, xúc phạm cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) thông qua hình tượng nhân vật Bắc Đẩu (Công Lý).

Nguyên văn thư ngỏ có đoạn: “Chúng tôi bày tỏ sự trân trọng tới quý Đài đã có nhiều chương trình thời sự, giải trí hay phục vụ công chúng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tin rằng nhiều chương trình đang tồn tại những “hạt sạn” mà Viện iSEE và ICS cho rằng không nên xuất hiện trên Đài truyền hình quốc gia.

Cụ thể, trong nhiều năm liền, cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) luôn là đối tượng bị chương trình Gặp nhau cuối năm mang ra làm trò cười, đưa thông tin sai lệch, thậm chí xúc phạm với ngôn từ tệ hại. Đặc biệt trong chương trình Gặp nhau cuối năm 2017 (tiết mục “Táo quân 2018”), nhân vật Bắc Đẩu thậm chí còn bị nói là “Con chỉ sống trên Trời không phải nữ cũng chẳng phải nam”, “bọn phụ nữ một nửa”. Nhân vật Bắc Đẩu luôn được đem ra gây cười về vấn đề giới tính.

Là những tổ chức đã có nhiều năm hoạt động vì quyền của cộng đồng LGBT, chúng tôi phản đối việc sử dụng những từ ngữ miệt thị công khai làm tổn thương những thành viên của cộng đồng LGBT chỉ vì đặc điểm cơ thể của họ, cũng như làm khắc sâu thêm những định kiến và phân biệt đối xử trong xã hội với nhóm cộng đồng này”.

Đại diện iSEE và trung tâm ICS cũng đưa ra một số dẫn chứng về các bộ luật bảo vệ quyền bình đẳng giới tính và cho rằng êkíp thực hiện chương trình Táo quân 2018 đã “đi ngược lại những mục tiêu bình đẳng, đa dạng và tôn trọng quyền con người mà các tổ chức trong nước và quốc tế đang nỗ lực bảo vệ, cũng như các cam kết của Chính phủ Việt Nam”. Điều này không nên tiếp tục được thực hiện.

“Chúng tôi đồng ý cuộc sống luôn cần sự hài hước và tiếng cười, chương trình giải trí trên truyền hình là cần thiết; nhưng chúng tôi không cho rằng miệt thị người khác, làm tổn thương cộng đồng yếu thế là sự hài hước và nhân văn.

Chúng tôi hoan nghênh sự đóng góp của quý Đài trong sự nghiệp phát triển xã hội chung. Trong hành trình đóng góp đó, chúng ta cần trân trọng các nhóm cộng đồng trong đó có người LGBT. Việc miệt thị bêu riếu cộng đồng LGBT là một hành động cần chấm dứt” – Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cùng Trung tâm Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT nêu rõ trong thư ngỏ.

Những ngày qua, sau khi lên sóng vào đêm 30 Tết, chương trình Táo quân 2018 cũng nhận được ý kiến trái chiều từ dư luận. Không ít người cho rằng Táo quân nên dừng lại hoặc cần đổi mới, "thay máu" để chương trình hấp dẫn, lôi cuốn khán giả hơn.

BÍCH HÀ

Theo LĐO