Chủng virus gây đại dịch tay chân miệng năm 2011 đã trở lại?

Thứ hai, 08/10/2018, 09:17 AM

63 tỉnh thành đã có ca mắc bệnh tay chân miệng. Đặc biệt, các tỉnh phía Nam tình hình bệnh tay chân miệng đang nóng từng ngày. Nhiều bệnh nhi được xác định nhiễm chủng EV71- virus nguy hiểm từng gây dịch lớn vào năm 2011.

Dịch tay chân miệng lan nhanh trên 63 tỉnh, thành

Dịch tay chân miệng lan nhanh trên 63 tỉnh, thành

Theo đánh giá của các chuyên gia, tháng 8, tháng 9 hàng năm là thời điểm gia tăng số ca tay chân miệng theo mùa. Đánh giá cho thấy, trong mùa dịch bệnh năm nay đã bắt đầu thấy sự xuất hiện trở lại của chủng virus EV71– chủng virus đã gây đại dịch tay chân miệng lớn trên cả nước trong năm 2011.

Đơn cử tại TP.HCM, tổng số ca tay chân miệng nhập viện tính đến hết tuần 38 là 3.195, số ca khám ngoại trú đến hết tuần 38 là 15.499, trong đó số ca nhiễm virus EV71 chiếm khoảng 25%. Bệnh bắt đầu xuất hiện rải rác và gây thành những ổ dịch nhỏ. 

Qua theo dõi tại Viện Paster TP.HCM, từ đầu năm đến tháng 7 các chủng gây bệnh tay chân miệng là EV71 thường có những biểu hiện lâm sàng nặng hơn tổn thương ở các hệ thần kinh, hô hấp so với những chủng khác. Sở dĩ năm nay dịch tay chân miệng bùng phát mạnh, nhiều ca nặng do sự trở lại của chủng virus EV71 nhưng lại biến chủng gene từ B5 sang C4. Đây là chủng virus đã gây dịch tay chân miệng lớn trên cả nước năm 2011, khiến 70.000 người mắc và hơn 150 ca tử vong.

Nhiễm EV71 thường liên quan đến các biến chứng thần kinh nặng và có thễ dẫn đến tử vong vì virus này gây nhiễm và tấn công tế bào. Nhiễm virus EV71 gây biến chứng thần kinh cao gấp 5,1 lần so với nhiễm các virus đường ruột khác gây bệnh tay chân miệng.Đa số các trường hợp tử vong đều phát hiện nhiễm EV71: 93% trường hợp tử vong tại Trung Quốc năm 2008-2012, 82% trong vụ dịch tay chân miệng tại Việt Nam năm 2011 và 100% trong số các trường hợp tử vong trong năm nay có lấy mẫu xét nghiệm tác nhân gây bệnh.

Chủng virus EV71 có thể gây ra bệnh tay chân miệng và chủng virus này thường gây ra các biến chứng như viêm não, viêm cơ tim, suy hô hấp... với tỉ lệ cao hơn các chủng virus khác. Nếu phát hiện sớm và xử lý đúng cách, có thể kiểm soát được các biến chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong.

Bệnh tay chân miệng nói chung và bệnh do chủng virus EV71 nói riêng hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện là giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống, đồ chơi của trẻ và cách ly người bệnh.

LH

Theo Lao Động