Mùa nóng, mùa bệnh trẻ em
Đây là thời điểm một số bệnh truyền nhiễm "đến hẹn lại lên", song song với những căn bệnh có liên quan đến thời tiết
Ở TP.HCM, khi thời tiết chuyển sang nắng nóng cũng là lúc nhóm bệnh hô hấp, tiêu chảy, thủy đậu, quai bị, tay chân miệng "đến hẹn lại lên".
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), lý giải nghịch lý này chủ yếu do thói quen dùng quạt, máy lạnh. Có nhiều tình huống dẫn đến bệnh: trẻ em chạy chơi bên ngoài, nóng, vào nhà lập tức chạy đến trước quạt đứng cho mát; người lớn điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh quá chênh lệch so với bên ngoài; buổi tối nóng quá bật quạt, máy lạnh quá mạnh, nửa đêm về sáng trời trở lạnh, cả nhà đang ngủ không ai chỉnh lại các thiết bị…
Trẻ em nhạy cảm và non yếu hơn so với người lớn nên những điều trên, vốn có vẻ không mấy tác hại với người lớn, lại là nguyên nhân khiến hàng loạt trẻ bệnh. Nhiễm lạnh khiến sức đề kháng của trẻ yếu đi, tạo cơ hội cho các vi khuẩn đường hô hấp tấn công.
Bệnh tiêu chảy cũng hay gặp trong mùa này do trời nóng làm thức ăn dễ ôi thiu, trẻ vận động nhiều, khát nước, uống đại một nguồn nước nào đó không bảo đảm… Cách giải quyết khá đơn giản: hãy chú ý hơn khi dự trữ thức ăn, đưa con ra ngoài nên mang theo nước để bé uống.
Ngoài ra, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, thời gian này các ca thủy đậu và quai bị đang rải rác. Dự kiến đến khoảng tháng 6 mới hết "mùa" của bệnh.
Dù dễ lây và có thể gây một đợt bệnh nặng, kéo dài nhưng rất may 2 bệnh này đều có vắc-xin phòng ngừa. Trong đó, bệnh thủy đậu là mối bận tâm của nhiều người vì hễ một trẻ mắc bệnh là cả nhà khó thoát. Tầm lây của bệnh kéo dài từ 2 ngày trước khi nổi bóng nước đến 3 tuần sau kể từ ngày bóng nước lặn hẳn. Cần chích ngừa 2 lần thì hiệu quả phòng bệnh mới hoàn toàn. Ngoài ra, những người từng bị bệnh thì chắc chắn sẽ không bị lại. Cha mẹ cũng cần phòng bệnh bởi thủy đậu ở người lớn dễ nặng. Nếu phụ nữ mang thai mắc bệnh, thai nhi có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, do đó phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên chủng ngừa bệnh này. Thông thường khi chủng ngừa, khoảng 10 ngày sau, hiệu quả phòng bệnh đã bắt đầu được phát huy trong khi thời gian ủ bệnh khoảng 2 tuần. Do đó, nếu vừa tiếp xúc với người bệnh, bạn có thể đi chích ngừa, cơ may thoát bệnh vẫn có hoặc nếu có bệnh thì bệnh cũng nhẹ đi.
Tháng 3 và 4 cũng là mùa thứ nhất của bệnh tay chân miệng hằng năm (đợt cao điểm thứ 2 là mùa tựu trường đầu năm học). Tuy nhiên, theo bác sĩ Khanh, năm nay bệnh vẫn chưa vào mùa, chỉ rải rác vài ca và bệnh cũng nhẹ.
Để phòng ngừa bệnh tay chân miệng, quan trọng nhất là rửa tay và vệ sinh môi trường sống, đồ dùng của bé sạch sẽ. Phụ huynh nên rửa tay trước khi chơi với con, chăm sóc con bởi người lớn có thể mang mầm bệnh này nhưng không phát bệnh và vô tình trở thành trung gian truyền bệnh cho trẻ.
Có bệnh, phải nghỉ học
Theo các bác sĩ, bệnh thủy đậu (lây qua đường hô hấp) hay bệnh tay chân miệng (lây qua đường tiêu hóa) tuy có thể điều trị không mấy khó khăn nhưng khả năng lây lan rất mạnh. Cho dù chỉ bị cảm, sốt, sổ mũi, trẻ em, nhất là trẻ độ tuổi mầm non, cũng nên được cách ly tương đối ở nhà bởi cơ thể đang yếu là cơ hội vàng cho các mầm bệnh nguy hiểm hơn tấn công. Khi xin phép cho con nghỉ học, phụ huynh cần thông báo với giáo viên để có biện pháp khử trùng, dự phòng cho các trẻ khác vì nhiều bệnh đã lây từ trước khi có các triệu chứng đầu tiên. Trẻ sốt đến ngày thứ 2 là cha mẹ phải đưa đi khám.
Anh Thư
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội