Chứng khoán Việt Nam cao giá nhất mọi thời đại

Thứ bảy, 11/11/2017, 17:37 PM

Nhờ sự bứt phá của hàng loạt ông lớn như Vinamilk, Vingroup,... trong ngày 10/11, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Cao giá nhất mọi thời đại

Tuần này, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến nhiều đợt "sóng" lớn. "Con sóng" lớn nhất chính là cổ phiếu VRE của công ty cổ phần Vincom Retail, công ty con của công ty cổ phần tập đoàn Vingroup. Chào sàn ngày 6/11, VRE ngay lập tức khiến nhà đầu tư dậy sóng vì những kỷ lục mà nó tạo ra.

Trong ngày 7/11, VRE "nóng" hơn nữa khi lập nhiều kỷ lục chưa từng có của thị trường chứng khoán Việt Nam về cả giá trị đặt mua lẫn giá trị giao dịch. Tổng giá trị khớp lệnh hơn 740 triệu USD. Các bên tham gia đều là những tổ chức lớn nước ngoài. Credit Suisse AG và WP Investments III .V thuộc Warburg Pincus là bên bán. 2 tổ chức này đã bán ra gần 260,45 triệu cổ phiếu VRE, tương ứng giá trị hơn 10.574 tỷ đồng.

VRE không chỉ lập các kỷ lục cho mình mà còn lập kỷ lục về tài sản cho ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup. Theo Forbes, hiện tại, khối tài sản của ông Vượng tăng lên tới 3,4 tỷ USD, trở thành người giàu thứ 665 trên thế giới. Như vậy, chỉ trong 1 tháng, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đã tăng tới nửa tỷ USD.

chung khoan dat dinh

Hơn thế,  sau khi góp phần không nhỏ giúp chỉ số VN-Index tăng mạnh lên mức 850 điểm, cổ phiếu VRE giúp vốn hóa thị trường HoSE chạm mốc cao nhất từ trước tới nay 100 tỷ USD. Cùng tạo nên kỷ lục này cho HoSE là nhiều doanh nghiệp lớn khác như Vinamilk, FPT, Dược Hậu Giang, Hòa Phát, Sabeco, Vingroup, Vietjet Air,... Nếu tính thêm vốn hóa của HNX và UPCom thì quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam hiện lên tới 3 triệu tỷ đồng, tương đương 132 tỷ USD.

Chưa dừng lại ở đó, trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (10/11), cùng với nhiều cổ phiếu lớn khác dậy sóng như VNM, cổ phiếu VRE tăng trần, đưa vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam lên mức cao nhất mọi thời đại.

Cụ thể, tính tới ngày 10/11, vốn hóa thị trường HoSE đạt 2.309.891 tỷ đồng (khoảng 102 tỷ USD). Cộng với HNX và UpCom, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt khoảng 135 tỷ USD. Đây là mức chưa từng có kể cả khi chỉ số VN-Index đạt "đỉnh" hơn 1.100 điểm.

Top 10 công ty vốn hóa lớn nhất xáo trộn

Không chỉ góp phần giúp vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt kỷ lục mới, VRE xuất hiện khiến Top 10 công ty có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam có xáo trộn. VRE giúp Vincom Retail thẳng tiến lên vị trí thứ 6 với vốn hóa thị trường đạt 82.412 tỷ đồng (khoảng 3,63 tỷ USD).

Ông lớn bị Vincom Retail vượt mặt là ngân hàng BIDV. Thời gian qua, cổ phiếu BID giao dịch khá bình lặng quanh mốc 23.500 đồng/CP nên hiện tại, vốn hóa thị trường ngân hàng này "chỉ" đạt 80,681 tỷ đồng (khoảng 3,6 tỷ USD).

Cùng với BIDV, ngân hàng VietinBank cũng góp mặt trong Top 10 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất Việt Nam. Với 75.957 tỷ đồng (khoảng 3,35 tỷ USD), VietinBank đứng ở vị trí thứ 8. Tập đoàn Masan đứng ở vị trí thứ 9 với 68.314 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD).

Chốt Top 10 là ông lớn Petrolimex. Sau chuỗi ngày giảm nhiều hơn tăng, đóng cửa phiên 10/11, PLX dừng ở mức 58.000 đồng/CP. Đà giảm của PLX khiến vốn hóa thị trường Petrolimex rơi xuống 67.211 tỷ đồng (gần 3 tỷ USD). 

Dẫn đầu danh sách này vẫn là Vinamilk. Trong phiên 10/11, cùng với VRE, cổ phiếu VNM của Vinamilk khiến thị trường sôi động hơn khi tăng trần, tăng 11.300 đồng/CP lên 173.800 đồng/CP. Nhờ đó, vốn hóa thị trường Vinamilk vọt lên 252.236 tỷ đồng (khoảng 11,11 tỷ USD).

VNM "nóng" khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chuẩn bị cho phiên đấu giá VNM. SCIC sẽ bán 48,3 triệu cổ phần tương ứng với 3,33% vốn điều lệ của Vinamilk trong đợt thoái vốn lần này. Nhà đầu tư nước ngoài không ngại tỏ rõ mong ước sở hữu phần vốn này của Vinamlik nên sẵn sàng mua VNM ở mức giá cao hơn giá thị trường.

Đứng ngay sau Vinamilk là Sabeco. Trên thị trường chứng khoán, ông lớn ngành bia đang được định giá ở mức 177.314 tỷ đồng (khoảng 7,8 tỷ đồng). Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đây là mức giá trị quá cao so với Sabeco.

Trong năm nay, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup cũng ghi tên mình vào danh sách các mã chứng khoán tăng mạnh nhất. Vì vậy, vốn hóa thị trường Vingroup được nâng lên 174.088 tỷ đồng (khoảng 7,7 tỷ USD). Đứng ngay sau Vingroup là Vietcombank với 155,063 tỷ đồng (khoảng 6,8 tỷ USD). 

Tổng công ty khí Việt Nam (GAS) đã có chuỗi ngày dài đứng ở vị trí doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất. Thế nhưng, hiện tại, vị trí mới của GAS là 5 khi công ty được định giá ở mức 146,945 tỷ đồng (khoảng 6,5 tỷ USD). Nối dài danh sách này là công ty FLC Faros (82.585 tỷ đồng), VietinBank (75.957 tỷ đồng) và Masan (68.314 tỷ đồng).

Theo Vy Vy-NTD

largeer