Chứng khoán Mỹ giảm mạnh, Dow Jones “bay” gần 800 điểm
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, dẫn đầu là cổ phiếu ngân hàng và công nghiệp, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ gửi đi những tín hiệu bất ổn về tăng trưởng kinh tế và nỗi lo về thương mại toàn cầu một lần nữa ám ảnh tâm trí nhà đầu tư.
Theo hãng tin Reuters, phát biểu của một quan chức cấp cao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về đường đi của lãi suất khiến thị trường thêm phần bất an, bên cạnh mối lo sẵn có về kế hoạch Brexit của Chính phủ Anh.
Chỉ số S&P 500 có phiên giảm mạnh nhất tính theo giá trị phần trăm trong khoảng 2 tháng, để tuột mất một phần thành quả tăng của phiên ngày thứ Hai và tuần trước - tuần mà S&P có tuần tăng mạnh nhất trong gần 7 năm.
Chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu nhỏ sụt 4,4% phiên này, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong hơn 7 năm.
Giới đầu tư đang dồn sự chú ý vào lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 9. Khoảng cách giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và trái phiếu kỳ hạn 2 năm cũng co lại về mức nhỏ nhất trong hơn 1 thập kỷ.
Đây là một tín hiệu được gọi là "đảo ngược" đường cong lợi suất - khi trái phiếu kỳ hạn ngắn có mức lợi suất cao hơn trái phiếu thời hạn dài hơn. Sự "đảo ngược" đường cong lợi suất như vậy được coi là tín hiệu suy thoái kinh tế sắp xảy ra. Trong 50 năm qua, bất kỳ lần suy thoái kinh tế Mỹ nào cũng được báo trước bởi tín hiệu như vậy.
"Thị trường đang lo ngại về đường cong lợi suất đảo ngược và ý nghĩa của điều đó đối với nền kinh tế. Đây là tín hiệu của một cuộc suy thoái", ông Chuck Carlson, Giám đốc điều hành (CEO) của Horizon Investment Services, phát biểu.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 799,36 điểm, tương đương giảm 3,1%, còn 25.027,07 điểm. S&P sụt 3,24%, còn 2.700,06 điểm. Chỉ số Nasdaq lao dốc 3,8%, còn 7.158,43 điểm.
Hai sàn chứng khoán NYSE và Nasdaq sẽ đóng cửa vào ngày thứ Tư để tưởng niệm cố Tổng thống George H.W. Bush, người qua đời vào hôm thứ Sáu tuần trước ở tuổi 94.
Sau niềm vui ngắn ngủi vào ngày thứ Hai về thỏa thuận "đình chiến" thương mại Mỹ-Trung, nhà đầu tư nhanh chóng quay trở lại với nỗi lo về xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nỗi lo này bị đẩy cao sau khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo sẽ quay trở lại với thuế quan nếu hai bên không đạt được một thỏa thuận để giải quyết các khác biệt.
"Phiên bán tháo ngày hôm nay thực sự là kết quả của mối lo về cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Nhà đầu tư nhận ra rằng chưa có gì được giải quyết cả. Sự hào hứng của ngày hôm qua chỉ dựa trên các tít báo thay vì điều gì đó thực chất", nhà giao dịch cổ phiếu cấp cao Delores Rubin thuộc Deutsche Bank Wealth Management phát biểu.
Cổ phiếu tài chính, nhóm đặc biệt nhạy cảm với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, sụt 4,4%.
Nhóm công nghiệp vốn nhạy cảm với tin thương mại giảm 4,4%, trong đó cổ phiếu Boeing và Caterpillar giảm tương ứng lần lượt là 4,9% và 6,9%.
Ông John Williams, Chủ tịch FED chi nhánh New York, nói ngân hàng trung ương Mỹ nên tiếp tục tăng lãi suất trong năm tới cho dù tiếp tục chú ý những rủi ro trên thị trường tài chính. Phát biểu này trái ngược với tuyên bố mềm mỏng của Chủ tịch FED Jerome Powell vào tuần trước, khi ông Powell phát tín hiệu có thể dừng nâng lãi suất trong năm 2019.
"Có lẽ FED sẽ không mềm mỏng như một số người nghĩ", chuyên gia kinh tế trưởng Joseph LaVorgna của Natixis nhận xét.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 4,24 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 5,96 lần.
Có khoảng 9 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên các sàn giao dịch ở Mỹ phiên này, so với mức bình quân 7,7 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Bình Minh
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường
-
Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn giảm thêm nửa triệu đồng