Chủ tịch Eurocham: Chưa doanh nghiệp châu Âu nào rời Việt Nam
18% doanh nghiệp EU tại Việt Nam đã chuyển đơn hàng sang nước khác, 16% đang được cân nhắc, nhưng chưa doanh nghiệp châu Âu nào rời Việt Nam.
Khẳng định này được ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam nêu tại họp báo trực tuyến tối 9/9, ít phút sau cuộc gặp giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam với Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc. Đây là cuộc gặp thứ ba giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, để lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn mà họ gặp phải vì dịch.
Theo báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh trong thời gian phong toả, giãn cách xã hội vừa được EuroCham khảo sát, 18% các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đã chuyển dịch một phần đơn hàng hoặc nhu cầu sản xuất sang các nước khác. 16% doanh nghiệp cũng đang cân nhắc điều này. "Đây chủ yếu là chuyển các đơn đặt hàng và là quyết định tạm thời của các doanh nghiệp", ông Alain Cany nói.
Mặc dù vậy, Chủ tịch EuroCham khẳng định, hiện chưa có doanh nghiệp châu Âu nào rời khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, nếu việc giãn cách xã hội vẫn tiếp tục kéo dài tại các địa phương thêm 2-3 tháng nữa hoặc lâu hơn, cùng với thiếu vaccine tiêm cho người lao động, chuỗi cung ứng đứt đoạn và dịch bệnh không được kiểm soát..., việc có doanh nghiệp nước ngoài rời đi "hoàn toàn có thể xảy ra".
Dù vậy, ông nhấn mạnh, các doanh nghiệp EU tại Việt Nam vẫn có niềm tin vào tương lai và Chính phủ.
"Quyết tâm kiểm soát sớm tình hình dịch bệnh, dần mở cửa lại hoạt động sản xuất kinh doanh khi độ "phủ" vaccine đạt tỷ lệ nhất định... của Chính phủ được chúng tôi nhận thấy tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều nay", Chủ tịch EuroCham cho biết.
Đánh giá đây là "cuộc đối thoại rất hiệu quả", ông cũng mong các giải pháp, quyết sách của Chính phủ sẽ nhanh chóng được thực thi "mà không có sự khác biệt giữa trung ương và địa phương".
Tại cuộc gặp với Thủ tướng, Eurocham cũng nêu nhiều kiến nghị gửi tới Chính phủ.
Một trong số đó là kiến nghị đẩy nhanh tiêm vaccine cho người lao động tại các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp châu Âu.
Ngoài vaccine, các doanh nghiệp EU tại Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ sửa cho mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" đang khiến hầu hết doanh nghiệp khó khăn. Các giải pháp họ đưa ra tại cuộc gặp theo ông Erwin Debaere - Tổng thư ký EuroCham, Giám đốc Tài chính Công ty Perfetti Van Melle Việt Nam - đã được tiếp thu.
Nói thêm về khó khăn của mô hình "3 tại chỗ", ông Erwin Debaere cho hay, chính sách hiện yêu cầu doanh nghiệp tổ chức "ăn, ở, ngủ" tại chỗ khiến họ mất thêm rất nhiều chi phí. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng gặp khó khăn khi muốn thay thế mới số công nhân đã ở lại nhà máy thời gian dài.
"Người lao động buộc phải ở lại nhà máy, không được về nhà trong thời gian dài khiến họ buồn, nhớ gia đình... Doanh nghiệp thì gặp gánh nặng lớn khi tổ chức 3 tại chỗ", ông Erwin nói.
Ngoài ra, các khó khăn liên quan tới chuỗi cung ứng, hậu cần logistics... cũng khiến các doanh nghiệp EU tại Việt Nam gặp khó, và họ đã có những kiến nghị cụ thể gửi tới Thủ tướng.
Về chính sách nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam, ông Nicolas Warnery - Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho biết, hiện giấy phép lao động của chuyên gia nước ngoài theo Nghị định 152 đang gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp EU tại Việt Nam đề nghị Chính phủ có chính sách cởi mở hơn với chuyên gia nước ngoài đã tiêm đủ 2 liều vaccine khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Theo Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa được Chính phủ ban hành ngày 9/9, Chính phủ yêu cầu bộ này trong tháng 9 chỉ đạo các địa phương nới lỏng một số quy định, điều kiện về cấp, gia hạn và xác nhận giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới, trên cơ sở đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19. Những điều chỉnh này, sẽ giúp giải quyết vướng mắc hiện nay về giấy phép cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Liên quan tới nguồn vaccine, Chủ tịch EuroCham thông tin thêm, đến nay đã có 10 triệu liều vaccine được EU cung cấp cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX. Tới đây sẽ có khoảng 3 triệu liều vaccine nữa được các nước châu Âu cung cấp thông qua cơ chế này hoặc tài trợ.
Việc các quốc gia phát triển định tiêm mũi thứ 3 khiến việc tiếp cận vaccine khó khăn hơn với các nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam được đưa vào danh sách quốc gia đang phát triển được ưu tiên hàng đầu nhận vaccine từ COVAX. Cùng sự nỗ lực vận động, tìm nguồn vaccine từ các doanh nghiệp thuộc EuroCham thông qua đàm phán với các đại sứ quán, doanh nghiệp châu Âu ở nước sở tại..., sẽ có thêm nguồn vaccine cho Việt Nam.
"Chúng tôi cố gắng đàm phán, mua vaccine để đem về Việt Nam nhưng thực sự khó khi các hãng chỉ bán qua Chính phủ, doanh nghiệp tư nhân không thể mua được", ông nói. Dù thế, trong quý IV, khi Việt Nam nhận được nhiều vaccine hơn, Chủ tịch EuroCham thông tin, Thủ tướng hứa sẽ ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân tại các doanh nghiệp, nhất là phía Nam... và tình hình sẽ được cải thiện.
Anh Minh
- SCB tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ Doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19
- Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp kiến nghị được hoạt động khi 70% lao động đã tiêm vắc xin
- Doanh nghiệp TP HCM nóng lòng được mở cửa trở lại
- 60% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam cho biết đứt gãy chuỗi cung ứng đã để lại nhiều hệ lụy
-
Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
-
Những con số ấn tượng về hành trình VinFast VF 8 chinh phục Tây Tạng
-
Eximbank ra mắt dịch vụ thanh toán Garmin Pay qua thẻ Eximbank Mastercard: Bước đột phá cho lối sống năng động
-
Eversolar hợp tác kinh doanh trạm sạc nhượng quyền V-Green
-
Vinfast hợp tác FGF hỗ trợ khách hàng thu cũ xe xăng, đổi mới ô tô điện
-
Kỳ tích phục hồi ngoạn mục của bệnh nhân 60 tuổi liệt tứ chi, từng sống nhờ máy thở