Chủ động ứng phó với cú sốc từ bên ngoài

Thứ hai, 13/08/2018, 06:45 AM

Tình hình kinh tế thế giới đang trở nên bất định, khó dự đoán, trong khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở về dòng vốn, thương mại và giá cả.

Các doanh nghiệp may xuất khẩu Việt Nam có thể bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Trong ảnh: Sản xuất áo sơ-mi tại Công ty cổ phần may Sơn Hà (Hà Nội). Ảnh: MINH HÀ

Nguy cơ lạm phát tăng trên toàn Cầu

Trong nhận định mới nhất về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, cập nhật tháng 7-2018, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giữ nguyên triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức cao là 3,9%, nhưng dự báo diễn ra không đồng đều giữa các khu vực, giữa các khu vực kinh tế chung và giữa các quốc gia. Trong đó, kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng tích cực hơn, khi quý II, tăng trưởng đạt 4,1% và dự báo cả năm 2018 có thể đạt 2,9%. Tỷ lệ việc làm của Mỹ đang ở mức cao trong khi tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp kỷ lục trong nhiều chục năm. Tăng trưởng tốt, việc làm nhiều nhưng vấn đề nước Mỹ đang phải đối mặt là giá cả có xu hướng tăng trở lại, lạm phát đã xấp xỉ mức mục tiêu. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Động thái này nằm trong tiến trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của Mỹ. Dự kiến FED sẽ tăng lãi suất thêm hai lần nữa trong năm nay và khoảng hai lần tiếp theo vào năm 2019. Hành động này sẽ khiến dòng vốn đổ về các nước phát triển. Cùng với đó, khu vực đồng tiền chung châu Âu (EU) cuối năm dự kiến dừng gói mở rộng tiền tệ, dừng mua trái phiếu, lúc đó lãi suất tăng trở lại cũng dẫn đến dòng vốn quay ngược đến các nước phát triển. Khi đó, những nước mới nổi có nền tảng vĩ mô yếu và rủi ro chính trị cao sẽ là nơi dòng vốn rời bỏ trước tiên.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế châu Âu, Nhật Bản lại được dự báo sẽ chậm lại. Các nền kinh tế trong khối BRICS (những nền kinh tế lớn mới nổi) tiếp tục tăng trưởng cao hơn những năm trước (trừ Trung Quốc) nhưng kém lạc quan. Thương mại của Trung Quốc có thể sụt giảm do căng thẳng thương mại với Mỹ, nền kinh tế này đang giảm tốc, tăng trưởng GDP chỉ còn 6,5% nhưng nguy cơ rơi vào khủng hoảng của nền kinh tế Trung Quốc tương đối thấp do dư địa chính sách tiền tệ của Trung Quốc còn rất lớn: lạm phát thấp, chỉ 1,9%; dự trữ ngoại hối lớn 3.100 tỷ USD; lãi suất chính sách vẫn thực dương, tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao (15,5%), đủ để chống chọi với các cú sốc bên ngoài.

Điểm đáng lưu ý là giá dầu tăng và đồng tiền mất giá, khiến giá cả tiêu dùng tăng mạnh trên toàn cầu, nhất là ở các nước đang phát triển. Hầu hết những nước này phải tăng lãi suất, thị trường chứng khoán sụt giảm. Một trong những rủi ro kinh tế thế giới cần lưu ý trong nửa cuối năm nay là căng thẳng thương mại và chiến tranh tiền tệ cao. Đồng tiền của nhiều nước đang phát triển như Ác-hen-ti-na, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Bra-xin… và cả Nhân dân tệ đều mất giá mạnh từ 10% đến 20%. Dòng vốn rút khỏi các nước mới nổi cũng tăng mạnh trong quý II-2018. Ngân hàng trung ương nhiều nước phải thắt chặt tiền tệ.

Không nên tăng thuế phí, giá cả trong nước

Việt Nam sẽ chịu bốn tác động lớn từ diễn biến tình hình kinh tế thế giới nêu trên. Một là cán cân thương mại bị ảnh hưởng: Khả năng đối đầu trực tiếp với Mỹ thấp vì thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam nhỏ, nhưng có thể ảnh hưởng gián tiếp qua kênh Trung Quốc. Hiện nay, nhiều người lo ngại có thể xảy ra hiện tượng hàng hóa Trung Quốc “mượn” xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ, khiến Việt Nam có thể bị vạ lây. Trong thực tế, Mỹ đã áp thuế chống lẩn tránh thương mại đối với thép Trung Quốc xuất khẩu qua Việt Nam, nên chúng ta phải cẩn trọng, ngăn chặn hàng Trung Quốc tạm nhập vào Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ, nhằm tránh đòn trừng phạt từ chính nước này. Bên cạnh đó, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc xảy ra, VND có xu hướng lên giá so với Nhân dân tệ. Khi VND neo chặt vào USD, bất kể đồng nhân dân tệ mất giá chủ động hay bị động, VND sẽ lên giá khiến hàng hóa Trung Quốc càng cạnh tranh hơn so với hàng Việt Nam.

Hai là dòng vốn vào Việt Nam có thể suy giảm (hoặc nhẹ nhất là không tăng), cùng với mức suy giảm chung đối với nhiều nước phát triển. Các nước có nền tảng vĩ mô chưa vững chắc sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn, trong đó có Việt Nam. Nền tảng vĩ mô trong nước hiện chưa vững chắc, thể hiện ở lạm phát bảy tháng đầu năm khá cao, đã lên đến gần 4,5% so cùng kỳ năm trước. Thâm hụt ngân sách của Việt Nam diễn ra trong nhiều năm, không chỉ khiến chúng ta không tranh thủ được cơ hội tăng trưởng cao, mà còn khiến sức ép tăng thuế phí luôn thường trực. Tăng thuế sẽ khiến giá cả leo thang, nguy cơ lạm phát rất lớn. Khi đó, lãi suất phải tăng theo, khiến thị trường tài chính sụt giảm, ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài. Nền tảng tăng trưởng chưa thật sự bền vững vì phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong khi khu vực tư nhân phát triển chưa vững chắc.

Ba là áp lực lên tỷ giá. Kỳ vọng FED nâng lãi suất cơ bản sẽ khiến đồng USD tiếp tục mạnh hơn so với những đồng tiền khác, trong đó có VND. Ngoài ra, căng thẳng tiền tệ Trung Quốc và Mỹ khiến VND chịu sức ép mất giá để cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc vì thâm hụt thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc rất lớn.

Bốn là, lãi suất của Việt Nam có xu hướng gia tăng trước sức ép lạm phát và bất ổn tỷ giá. Bất ổn tỷ giá cũng có thể khiến dòng vốn vào Việt Nam suy giảm.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam là một bức tranh đan xen giữa những mảng tối và sáng. Cần theo dõi chặt sức ép gia tăng lạm phát. Vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào sự mất giá của VND so với các đồng tiền khác trên thế giới và giá dầu thô, nguyên vật liệu, thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp trong nước,... Trong ngắn hạn không nên đề xuất những biện pháp tăng thuế, phí. Bên cạnh đó, phải thận trọng khi “thả” các mặt hàng Nhà nước đang quản lý giá theo cơ chế thị trường như viện phí, giáo dục, xăng dầu. Nếu cần thiết có thể tăng nhẹ lãi suất điều hành với từng bước tăng nhỏ, chỉ 0,25%. Trong dài hạn, vẫn phải quyết liệt tái cấu trúc tài chính công, nhất là là chi thường xuyên. Gốc rễ của vấn đề tăng thuế, phí chính là do tài khóa. Vì vậy, cải cách tài khóa là nhiệm vụ cốt lõi. Giải pháp tập trung là hạn chế chi tiêu đi liền với cải cách, tinh giản bộ máy hành chính. Ngoài ra, việc cải cách, gỡ bỏ các rào cản kinh doanh và thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng cần được tiếp tục chú trọng.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam khá nhưng đang chậm lại, năm 2018 có thể đạt khoảng 6,7% và năm 2019 đạt 6,5%. Động lực tăng trưởng vẫn có thể tiếp tục đến từ khu vực FDI, tăng trưởng mạnh khách du lịch quốc tế, cắt bỏ điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...

PGS, TS PHẠM THẾ ANH

(Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)

Nhân Dân

largeer