Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Choáng váng công nghệ làm tiết giả ở Trung Quốc

Thứ năm, 08/05/2025 15:14 (GMT+7)

Bí mật kinh hoàng sau bát tiết lợn giá rẻ, làm từ tiết bò, đậu phụ, gelatin công nghiệp và hóa chất, kiếm lời bất chính, gây nguy hại sức khỏe người tiêu dùng.

Tiết lợn hay huyết heo, món ăn quen thuộc trong lẩu, bún riêu hay các món nhúng cay, tưởng chừng đơn giản và bổ dưỡng, lại đang tiềm ẩn những nguy cơ sức khỏe kinh hoàng. Sự thật được phơi bày tại Trung Quốc cho thấy, loại tiết lợn nhiều người đang ăn rất có thể không hề liên quan đến lợn mà là sản phẩm giả mạo được chế biến từ những nguyên liệu đáng ngờ và hóa chất độc hại.

Cách đây không lâu, cảnh sát tại Dương Giang, Quảng Đông, Trung Quốc đã triệt phá thành công một ổ sản xuất tiết lợn giả. Điều tra cho thấy, những kẻ bất lương này đã thu mua tiết bò giá rẻ từ vùng nông thôn, sau đó pha trộn với nước, muối và một loạt các hóa chất để tạo ra sản phẩm tiết lợn giả. Với thủ đoạn này, chúng đã thu lợi bất chính lên tới hơn 3,4 triệu nhân dân tệ (khoảng hơn 12,2 tỷ đồng).

Những hình ảnh do cảnh sát ghi lại được trong một cơ sở sản xuất tiết lợn giả ở Quảng Đông. Ảnh: 163

Kết quả xét nghiệm các sản phẩm bị thu giữ tại ổ nhóm sản xuất tiết lợn giả đã cho thấy hoàn toàn không có bất kỳ thành phần nào có nguồn gốc từ lợn. Nghi phạm trong vụ án khai nhận đã hoạt động bí mật tại các vùng nông thôn hẻo lánh từ năm 2016. Cảnh sát còn thu giữ được hơn 1000 kg tiết lợn nhân tạo chưa kịp tiêu thụ.

Vậy những kẻ buôn bán bất lương này đã làm tiết lợn giả như thế nào để lừa gạt người tiêu dùng? Theo các điều tra, nguyên liệu chính để sản xuất tiết lợn giả thường là tiết bò, đậu phụ và gelatin công nghiệp. Tiết bò được sử dụng vì giá rẻ và mùi vị tương đồng với tiết lợn. Đậu phụ được dùng để tạo kết cấu mềm, dai. Gelatin công nghiệp, một chất keo chiết xuất từ mô động vật, được sử dụng phổ biến nhất vì giá thành cực rẻ và khả năng mô phỏng hình dạng, kết cấu của tiết lợn rất tốt.

Không chỉ vậy, để sản phẩm giả trông giống thật, nhà sản xuất còn thêm vào một loạt các hóa chất. Chất đông đặc như canxi clorua, phèn chua được dùng để làm đông máu động vật nhanh chóng. Phẩm màu thực phẩm như đỏ cánh kiến, vàng chanh được thêm vào để tạo màu đỏ hoặc hồng bắt mắt, đánh lừa thị giác. Đáng lo ngại hơn, chất bảo quản như natri benzoat, kali sorbat cũng được thêm vào để kéo dài thời gian bảo quản của sản phẩm, bất chấp nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Sau khi pha trộn các nguyên liệu và hóa chất, hỗn hợp này sẽ trải qua các quá trình xử lý như đun nóng, khuấy trộn, hấp để tạo ra sản phẩm cuối cùng có kết cấu và độ dai giống tiết lợn thật. Cuối cùng, tiết lợn giả được đóng gói và bán ra thị trường, siêu thị hoặc các nhà hàng với giá thấp hơn nhiều so với tiết lợn thật, nhằm thu lợi nhuận khổng lồ.

Việc tiêu thụ tiết lợn giả, sản phẩm của một quy trình sản xuất bẩn và đầy hóa chất, mang đến những nguy cơ sức khỏe khôn lường. Trong khi tiết lợn tươi thật là một nguồn dinh dưỡng tốt, giàu protein và sắt, thì tiết lợn giả không những không có giá trị dinh dưỡng, mà còn là một "quái vật hóa học". Việc tiết lợn giả trong thời gian dài có thể gây hại cho gan, thận, hệ tiêu hóa, thậm chí đe dọa tính mạng người dùng.

Món tiết lợn bổ dưỡng nhưng người tiêu dùng cần tỉnh táo để mua được hàng thật và chất lượng. Ảnh: Sina

Đối với người tiêu dùng, việc phân biệt tiết lợn thật giả không phải dễ dàng. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu có thể giúp chúng ta cảnh giác. Tiết lợn thật thường có màu đỏ đậm hoặc đỏ sẫm, bề mặt sần sùi và có lỗ khí. Tiết lợn giả thường có màu đỏ tươi hoặc hồng đều, nhìn không tự nhiên. Về kết cấu, tiết lợn thật có độ đàn hồi và dai, khó vỡ, trong khi tiết lợn giả thường cứng, dễ vỡ vụn. Tiết lợn thật có mùi tanh đặc trưng, còn tiết lợn giả có thể có mùi hóa chất khó chịu.

Điều quan trọng nhất là giá cả, nếu bạn thấy tiết lợn được bán với giá bất thường thấp hơn so với giá thị trường chung, hãy cảnh giác cao độ và tránh mua. Đừng vì ham rẻ mà rước họa vào thân. Ngoài ra, nên chọn mua tiết lợn tại các siêu thị lớn có uy tín hoặc các quầy thịt có nguồn gốc rõ ràng. Tránh mua tiết lợn tại các quán ăn, món ăn mang đi có giá quá rẻ, vì đây là những nơi dễ sử dụng tiết lợn giả để giảm chi phí.

Sự xuất hiện tràn lan của tiết lợn giả là một lời cảnh tỉnh về vấn nạn thực phẩm bẩn và sự thiếu đạo đức của một bộ phận kinh doanh. Người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác và có quyền sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình, tố cáo những hành vi bất lương để góp phần xây dựng một môi trường ăn uống an toàn và đáng tin cậy.

Lê Nguyên
Nguồn: sohuutritue.net.vn