Chính phủ chốt phương án giảm thuế VAT xuống 8%
Dự kiến việc điều chỉnh thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 5.800 tỷ đồng/tháng, tương đương 35.000 tỷ đồng trong giai đoạn 6 tháng thực hiện.
Tại Nghị quyết 72/NQ-CP ban hành ngày 6/5, Chính phủ đã quyết nghị thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) như đề nghị của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính có trách nhiệm tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo đúng quy định; chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.
Chính phủ giao Bộ trưởng Tài chính, thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ, ký Tờ trình báo cáo Quốc hội về dự thảo nghị quyết nêu trên theo quy định, bảo đảm tiến độ, chất lượng; chủ động báo cáo, giải trình với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo quy định.
Theo dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đến hết ngày 31/12. Việc giảm thuế cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.
Về mức giảm, cơ sở kinh doanh được áp dụng mức thuế suất 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định. Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế VAT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế.
Dự kiến việc điều chỉnh thuế VAT kể trên sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 5.800 tỷ đồng/tháng. Nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương mức giảm 35.000 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.
Người dân sẽ là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách này. Việc giảm thuế góp phần giảm giá bán, từ đó giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất VAT 10% cũng được hưởng lợi nhờ giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
MINH KHÁNH
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường