Chế biến sâu: Hướng đi mới cho ngành thực phẩm Việt Nam

Thứ ba, 26/11/2019, 09:39 AM

Với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết, các loại nông sản được chế biến sâu càng có nhiều ưu đãi về thuế quan và đem lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá hiện nay ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện, mặc dù đã có đến 60% sản phẩm qua chế biến, nhưng mới dừng lại ở sơ chế, ít sản phẩm chế biến sâu.

Nhiều doanh nghiệp Việt đã dần đầu tư vào chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm.

Nhiều doanh nghiệp Việt đã dần đầu tư vào chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm.

Ngành thực phẩm của nước ta có tốc độ tăng trưởng bình quân 10-12%/năm, và dự báo còn nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới, khi nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế ngày càng cao. Đặc biệt, khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, thì tiềm năng để xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam sẽ càng lớn hơn nữa. Tuy nhiên, việc phát triển ngành nông sản thực phẩm đang đứng trước nhiều khó khăn. Hiện nay 50-60% nông sản thực phẩm đã qua chế biến, nhưng đa phần mới dừng lại ở sơ chế, tỷ lệ sản phẩm được chế biến sâu còn thấp, từ đó làm giảm đáng kể giá trị của các sản phẩm.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, giá trị gia tăng chúng ta tạo dựng được với công nghệ chế biến còn tương đối thô sơ, chưa đóng góp nhiều vào giá trị gia tăng, chưa chuyển biến nhiều về chất lượng sản phẩm. Việt Nam mới chỉ dừng lại ở cung cấp các sản phẩm thô và chưa tạo được giá trị gia tăng, sâu xa hơn phần chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp và các người sản xuất nông thủy sản trong nước là chưa nhiều.

Đối với các doanh nghiệp, khó khăn nhất hiện nay đó là vấn đề chi phí đầu tư cao, khiến giá thành không cạnh tranh bằng nhiều sản phẩm khác. Để đưa ra thị trường sản phẩm có giá trị, thì điều kiện cần là nguyên liệu tốt và điều kiện đủ là công nghệ hiện đại. Để khép kín chuỗi giá trị sản phẩm, nhiều doanh nghiệp không chỉ đầu tư tạo vùng nguyên liệu sạch, mà còn xây dựng các nhà máy quy mô, hiện đại, điều này đòi hỏi sự đầu tư không hề nhỏ, kể cả tài chính và tâm huyết của doanh nghiệp. Thế nhưng, không phải người tiêu dùng nào cũng sẵn sàng bỏ tiền ra cho các sản phẩm chất lượng tốt đó, khiến cho sản phẩm khó tiêu thụ và mở rộng mạng lưới phân phối.

Cà phê Việt Nam là một trong những sản phẩm đi vào chế biến sâu, mang lại nhiều lợi nhuận.

Cà phê Việt Nam là một trong những sản phẩm đi vào chế biến sâu, mang lại nhiều lợi nhuận.

Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong đầu tư chế biến các sản phẩm liên quan đến thực phẩm chế biến sâu như bánh, kẹo organic… ông Trương Phú Chiến, Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn PAN chia sẻ, những nhà sản xuất hay nghiêng về mặt hiệu quả, lợi nhuận. Doanh nghiệp sẽ nghĩ làm thế nào để chi phí thấp nhất, giá thành thấp nhất và làm cho lợi thế cạnh tranh là tốt nhất. Tuy nhiên, cái khó của những doanh nghiệp, nếu ta làm theo dạng organic, sản phẩm sạch, xanh thì điều tất yếu là chi phí rất lớn, thứ 2 chúng ta đầu tư để cho ra những sản phẩm đạt về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, thì giá trị tăng sẽ tăng và đương nhiên người tiêu dùng phải chấp nhận một cái giá trị cao hơn những sản phẩm bình thường hoặc những sản phẩm sản xuất theo cách đơn giản.

Theo các chuyên gia, việc đưa công nghệ vào chế biến thực phẩm là xu hướng phát triển tất yếu hiện nay, bởi không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm, phát huy lợi thế của vùng nguyên liệu, mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường ngày càng tinh tế và đòi hỏi sự tiện lợi. Vì vậy, việc hợp tác chuyển giao công nghệ với những nước có ngành công nghiệp thực phẩm phát triển cũng là một hướng, để doanh nghiệp Việt Nam giảm bớt chi phí đầu tư, mà vẫn được tiếp cận với những công nghệ tiên tiến vào sản xuất, đồng thời vào được nhiều thị trường mới.

Là một trong các địa phương hiện có mong muốn đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam, ông Andreas Krey, Tổng Giám đốc Văn phòng phát triển kinh tế bang Thuringa CHLB Đức, nói: “Tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông sản thực phẩm chế biến của Việt Nam, tôi nghĩ không gì tốt bằng thông qua con đường hợp tác với những nước đã có nền công nghiệp chế biến thực phẩm phát triển, bởi họ có lợi thế và kinh nghiệm. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật của họ, để từng bước đưa công nghệ vào sản xuất tại doanh nghiệp của mình, hoặc liên doanh và thực hiện việc chuyển giao công nghệ với các công ty nước ngoài, để giảm bớt chi phí đầu tư mà vẫn có sản phẩm tốt.”

NGUYỄN NGỌC

Theo NTD