Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Cháy rừng Hàn Quốc: Du học sinh nghỉ học, nhiều gia đình cô dâu Việt mất trắng

Thứ năm, 27/03/2025 07:09 (GMT+7)

Ngọn lửa hung dữ càn quét các khu vực dân cư Hàn Quốc không chỉ đe dọa cuộc sống người dân địa phương mà còn gây ra những tổn thất nặng nề cho cộng đồng người Việt, đặc biệt là những gia đình làm nông nghiệp.

Những ngày cuối tháng 3/2025, Hàn Quốc phải đối mặt với thảm họa cháy rừng nghiêm trọng, lan rộng từ khu vực lân cận và càn quét nhiều địa phương thuộc hai tỉnh Gyeongsang Nam và Gyeongsang Bắc. Trong bối cảnh thiên tai khắc nghiệt, cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc, đặc biệt là những người đang sinh sống và làm việc tại các khu vực nông thôn, đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề về cả vật chất lẫn tinh thần.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Trần Ngọc Kim Linh (31 tuổi), hiện sống cùng chồng và con, đang theo học tại trường Đại học Andong, tỉnh Gyeongsang Bắc, cho biết tình hình cháy rừng diễn biến hết sức phức tạp và đáng lo ngại. "Từ chiều 25/3, cháy rừng lan từ khu vực lân cận, do gió to nên lửa lan rất nhanh, khói mù mịt từ sáng đến đêm. Chính quyền địa phương phải phát cảnh báo người dân nên đeo khẩu trang khi ra ngoài", chị Linh mô tả tình hình khẩn cấp tại khu vực mình sinh sống.

Chị Trần Ngọc Kim Linh hiện sống cùng chồng và con tại thành phố Andong, tỉnh Gyeongsang Bắc, Hàn Quốc. (Ảnh: NVCC)

Cuộc sống đảo lộn, nỗi lo thường trực

Theo lời kể của chị Linh, ngay từ khi đám cháy bùng phát, chính quyền địa phương đã liên tục phát đi cảnh báo và lệnh di tản, xe cứu hỏa và máy bay cứu hộ hoạt động liên tục khiến tâm lý người dân vô cùng bất an. "Cảnh báo liên tục từ địa phương, có lệnh di tản đến những vùng an toàn, xe cứu hoả chạy khắp nơi và máy bay cứu hộ di chuyển liên tục nên mọi người cũng lo lắng, chuẩn bị đồ đạc cần thiết để có tin khẩn cấp sẽ di dân ngay. Khẩu trang và nước được chuẩn bị kỹ càng nhất do khói dẫn đến cay mắt và khó thở", chị Linh cho hay.

Lửa cháy lan rộng nhiều khu vực, nuốt chửng nhiều tài sản của người dân. (Ảnh: NVCC)

Thị trưởng địa phương cũng đưa ra khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài để đảm bảo an toàn. Đêm 25/3, khi lệnh di tản khẩn cấp được ban bố, người dân địa phương đã di chuyển hàng loạt. "Lửa cháy lan rộng ra các khu vực đường cao tốc, cháy gần các trạm dừng chân, đổ xăng dẫn đến các tuyến đường ra cao tốc bị chặn", chị Linh cho biết thêm về tình hình giao thông bị gián đoạn do cháy rừng.

Sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Do cháy rừng lan rộng và nguy cơ cháy lan đến các khu vực trường học, nhiều trường học tại Hàn Quốc đã phải thông báo dừng học để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên. "Cháy rừng diện rộng, phần lớn các trường học tại Hàn Quốc lại được xây dựng trên núi cao, trường mình đang theo học cũng vậy. Vì thế, khi cháy rừng xảy ra, trường đã cho dừng toàn bộ lịch học, thông báo nghỉ từ chiều 25/3 cho đến 27/3 và tiếp tục theo dõi diễn biến vụ cháy rừng", chị Linh thông tin về tình hình trường học và cho biết thê, các trường mẫu giáo và cấp phổ thông tại khu vực trung tâm cũng đã phải cho học sinh nghỉ học từ ngày 26/3.

Không chỉ trường học, công việc của nhiều người Việt cũng bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp. "Cháy lan rất nhanh nên nhiều xưởng, công trường bị thiêu rụi, công việc của bạn bè mình bị ảnh hưởng, phải nghỉ làm và vẫn đang theo dõi tình hình", chị Linh chia sẻ.

Nỗi đau mất trắng

Khu vực Andong, nơi có nhiều cô dâu Việt làm nông nghiệp, chịu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng từ trận cháy rừng. Chị Linh chia sẻ: "Có nhiều vườn táo, vườn cây cối bị cháy. Khu Andong là khu vực làm nông, địa phương tạo điều kiện để các cô dâu Việt có thể mời người thân sang làm việc. Với tình hình hiện tại công việc đều phải tạm dừng và chờ thêm thông tin cũng như tình hình vụ cháy".

Nhà cửa, tài sản của gia đình chị Đào Thị Thái bị thiêu rụi hoàn toàn. (Ảnh: Facebook Đào Thị Thái).

Đau xót nhất là nhiều gia đình cô dâu Việt làm nông nghiệp đã mất trắng tài sản, công sức tích lũy bao năm. "Có nhiều gia đình các cô dâu Việt do gia đình làm nông, nhà cửa đều ở trên núi, khi cháy rừng xảy ra, tất cả mọi người đều không thể ngờ rằng đám cháy lan quá nhanh và nguy hiểm. Cũng bởi vậy, hầu hết mọi người không thể xử lý kịp khi ngọn lửa quét qua. Nhà nông đầu tư máy móc làm nông nghiệp rất tốn kém, ngọn lửa lan tới, thiêu cháy sạch các kho lạnh, máy móc, chuồng trại. Nhiều gia đình mất trắng, sạch bách không còn lại gì", chị Linh nghẹn ngào kể lại.

Chị Đào Thị Thái, một cô dâu Việt sinh sống tại Cheongsong, tỉnh Gyeongsang Bắc, nổi tiếng với những clip chia sẻ đời sống nông thôn ở Hàn Quốc đã khóc nấc khi chia sẻ, vụ cháy rừng chị đã mất trắng trang trại rộng lớn nhiều năm gây dựng với hàng nghìn gốc táo, nho sữa, mận, đào, cùng nhiều loại hoa màu như lúa, đậu nành, vừng. Hiện tại, "tài sản quý giá nhất" còn lại của chị là các thành viên trong gia đình.

Cùng trong tình cảnh tương tự, chị Tuyen Ninh Thi, một người Việt sinh sống và làm nghề nông tại thành phố Daegu, tỉnh Gyeongsang Bắc cũng chia sẻ trên trang Facebook cá nhân về ảnh hưởng nặng nề của vụ cháy rừng đến cuộc sống của chị và gia đình. Theo chị Tuyen Ninh Thi, chị rất hoang mang và lo sợ khi vụ cháy rừng không ngừng lan rộng. Hiện tại, chị và gia đình đã ở trong khu lánh nạn an toàn, tuy nhiên ngọn lửa đã nuốt chửng rất nhiều tài sản của gia đình, đẩy chị và gia đình vào hoàn cảnh khó khăn, bất định.

Chị Tuyen Ninh Thi cho biết, hiện gia đình chị đã ở trong khu lánh nạn an toàn. Song, nhà cửa, tài sản, đặc biệt là máy móc làm nông của gia đình đều đã bị ngọn lửa thiêu rụi. (Ảnh: Facebook Tuyen Ninh Thi)

Cộng đồng Việt chung tay, chờ đợi hỗ trợ từ chính phủ

Trong khó khăn, tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng người Việt lại được thể hiện rõ nét. "Hội nhóm, cộng đồng hiện cùng chung tay gửi tiền từ thiện đóng góp cho tổ chức quyên góp phi lợi nhuận với tên người gửi là Việt Nam", chị Linh cho biết về những hành động đẹp của cộng đồng. Tuy nhiên, do tình hình cháy rừng vẫn diễn biến phức tạp, việc nắm bắt thông tin thiệt hại cụ thể và triển khai các hoạt động hỗ trợ vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Về phía chính phủ Hàn Quốc, theo chị Linh, ưu tiên hàng đầu hiện nay vẫn là dập tắt đám cháy. "Hiện tình trạng cháy rừng vẫn chưa được dập tắt, đội cứu hộ cũng như máy bay đều trong tình trạng quá tải. Cùng lúc này, tại khu vực khác cũng có cháy rừng xảy ra, đội cứu hộ, cứu hỏa phải chia ra làm việc. Phải đợi sau khi ngọn lửa được dập tắt, lúc đó mới có thể tính đến các chính sách hỗ trợ từ chính phủ", chị Linh chia sẻ về những khó khăn trong công tác cứu hộ và hỗ trợ.

Cháy rừng tại khu Andong, nơi chị Linh và gia đình sinh sống. (Ảnh: NVCC)

Bài học đắt giá và lời khuyên cho cộng đồng

Trải qua những ngày trong lo âu và chứng kiến những mất mát do cháy rừng gây ra, chị Linh rút ra bài học sâu sắc về sự bất định của cuộc sống và tầm quan trọng của việc chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai. "Dù ở đâu, ở thời điểm nào, sự phẫn nộ của thiên nhiên cũng rất đáng sợ. Xin mọi người hãy đừng chủ quan, luôn luôn phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng. Khi có cảnh báo hãy sẵn sàng nghe theo sự chỉ đạo cũng như hướng dẫn của cấp chính quyền, địa phương đừng nhởn nhơ, đời sống vô thường lắm", chị Linh nhắn nhủ.

Chị cũng gửi lời khuyên đến cộng đồng du học sinh và người Việt tại Hàn Quốc, mong mọi người "chân cứng đá mềm", khỏe mạnh, may mắn, vượt qua nghịch cảnh an toàn. Đặc biệt, trong bối cảnh thiên tai ngày càng khó lường, việc nâng cao ý thức phòng bị và trang bị kiến thức, kỹ năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp là vô cùng cần thiết, đặc biệt đối với những người sống xa quê hương.

Lê Nguyên
Nguồn: sohuutritue.net.vn