Chạy đua giành xuất bản sách “BEST-SELLER”
Những năm gần đây, độc giả Việt Nam đã được tiếp cận những cuốn sách mới “nóng hổi”, là đề tài thời sự trong đời sống xuất bản thế giới. Tuy nhiên, để ra mắt các cuốn sách “best-seller” như vậy, các đơn vị xuất bản đã phải bước vào cuộc cạnh tranh gắt gao mà chỉ người trong cuộc mới hiểu hết được.
Nhiều đầu sách “best-seller” được giới thiệu tới độc giả Việt trong thời gian gần đây. Ảnh: ITN
Rút ngắn thời gian đưa sách tới tay độc giả
Tại tọa đàm Bản quyền sách nước ngoài - Góc nhìn người trong cuộc vừa diễn ra mới đây, dịch giả Xuân Hồng - cái tên quen thuộc với độc giả Việt qua bản dịch của khoảng 100 tác phẩm văn học cũng như loạt hồi ký của những nhà lãnh đạo thế giới như Margaret Thatcher - Hồi ký bà đầm thép; Hứa với con, Ba nhé của đương kim Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, chia sẻ: “Ở các thập niên trước, phần lớn bạn đọc chỉ tiếp cận sách dịch từ Nga, Pháp, Trung Quốc… Còn nay, độc giả đã được tiếp cận với nhiều đầu sách hay, đa dạng về thể loại của các tác giả khắp thế giới”.
Sự phát triển của công nghệ, truyền thông giúp các đơn vị xuất bản dễ dàng cập nhật ấn phẩm mới, thuận lợi thương thảo mua bản quyền từ nhiều quốc gia. Từng có 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trao đổi về mua bán bản quyền và tổ chức xuất bản sách, đồng hành và đưa các nhân vật truyện tranh nổi tiếng tới các độc giả nhí tại Việt Nam như chú Gấu Winne the Pooh (Bản quyền Disney), Búp bê Barbie (bản quyền Mattel), Hello Kitty (thuộc Sanrio), My Little Pony (của Hasbro)..., Giám đốc bản quyền - xuất bản Tân Việt Books Nguyễn Thu Trang cho rằng, ngành xuất bản trong nước hiện nay vô cùng nhanh nhạy trong việc mua và dịch các cuốn sách mới. So với trước đây, thời gian để độc giả Việt Nam tiếp cận bản dịch tính từ thời điểm bản gốc được phát hành trên thế giới ngày càng ngắn lại, nhất là đối với các tác phẩm được giới chuyên môn nhận định sẽ trở thành “best-seller”, hay tác phẩm của các tác giả danh tiếng.
Bên cạnh mua bản quyền sách ngày một nhanh chóng, bà Nguyễn Thu Trang cũng nhận định, không khí xuất bản hiện nay đang ở giai đoạn rực rỡ, theo hướng “trăm hoa đua nở”, danh mục xuất bản cũng ngày càng đa dạng, phong phú về thể loại. Nếu trước đây các đơn vị làm sách thường tập trung vào những dòng bán chạy như sách kinh tế, kỹ năng, giải trí… thì nay họ đã chú ý tới các tủ sách tinh hoa, kinh điển, dòng sách chuyên ngành, khoa học thường thức... Điều này mở ra cơ hội cho độc giả có nhiều lựa chọn hơn, đồng thời kích thích bạn đọc khám phá được những điều mới mẻ trong các cuốn sách được đánh giá là khó hoặc chuyên biệt cho nhóm đối tượng hẹp.
Nỗ lực mang tri thức thế giới về Việt Nam
Tuy nhiên, hậu trường để một cuốn sách mới “ra lò” của các tác giả nổi tiếng thế giới đến tay bạn đọc Việt có thể là cả một hành trình dài của những người làm sách trong cuộc “săn tìm” bản thảo, thương thuyết bản quyền, rồi chuyển ngữ, hiệu đính, xin giấy phép, in ấn và phát hành. Có những cuốn “best-seller” đã được mua bản quyền từ khi còn là bản thảo. Thành công với những cuốn sách ăn khách, nhiều đơn vị xuất bản cho biết phải nỗ lực rất lớn, trải qua những cuộc thương lượng, đấu giá căng thẳng, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của đối tác nước ngoài mới có thể giành được quyền chuyển ngữ, phát hành sách.
Đảm nhiệm vai trò chuyển ngữ một số tác phẩm ăn khách, dịch giả Nguyễn Xuân Hồng cho biết đằng sau những cuốn sách “best-seller” mà độc giả có trên tay là sự cạnh tranh gay gắt của các đơn vị xuất bản. Chẳng hạn khi giới thiệu 3 cuốn sách văn học nổi bật của Dan Brown như Biểu tượng thất truyền, Hỏa ngục, Nguồn cội mà anh là dịch giả, cuốn Nguồn cội có tới 8 đơn vị tham gia giành quyền xuất bản. Nhiều khi giá mà các đơn vị này phải bỏ ra để có bản quyền rất cao, kèm theo điều kiện phải mua thêm bản quyền của sản phẩm khác, thời gian dịch… Nhưng những cuộc cạnh tranh như vậy cũng cho thấy các đơn vị làm sách đã nhận diện được ấn phẩm có giá trị và mong muốn đem tri thức tới gần hơn với độc giả trong nước.
Dù khó khăn như vậy, nhưng người làm sách cũng không thể chắc chắn cuốn sách nổi tiếng trên thế giới, khi được chuyển ngữ và phát hành ở Việt Nam có bán chạy hay không, đặc biệt là đối với những sách “kén” độc giả. Có gần 20 năm làm việc tại Báo Sinh viên Việt Nam - Hoa học trò - đơn vị từng mua bản quyền nhiều ấn phẩm “best-seller” để xuất bản tại Việt Nam, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh tiết lộ: “Có những cuốn thực sự tạo tiếng vang khi có mặt tại Việt Nam với trên 20.000 bản được in trong một lần xuất bản. Tuy nhiên, rủi ro có thể xảy ra khi mua được bản quyền nhưng chủ đề của sách đã bị trễ tính thời sự hoặc “kén” độc giả. Có cuốn sách đã mua rồi không xuất bản được và phải chịu mất hoàn toàn chi phí bản quyền…”.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Nguyễn Thu Trang chia sẻ: “Người làm xuất bản thường nói với nhau về quy tắc 20-80, tức là 20% doanh thu từ những cuốn “best-seller” sẽ bù lỗ cho 80% số sách còn lại. Chẳng hạn, tôi vốn thích sách về nghệ thuật và phim ảnh - dòng sách này thực sự kén người đọc, rủi ro cao hơn khi cho ra mắt các dòng sách khác. Tuy vậy, tôi luôn cố gắng mua bởi muốn làm phong phú hơn tủ sách của mọi người và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Đem tri thức thế giới về Việt Nam luôn là mong muốn của người làm nhiệm vụ mua bản quyền”.
Bà Nguyễn Thu Trang cũng cho biết, trước đại dịch, đơn vị xuất bản thường tham gia các hội chợ bản quyền quốc tế, trực tiếp xem sách mẫu, giao lưu trao đổi với tác giả, nhà xuất bản, đơn vị môi giới xuất bản… nhưng trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, việc trao đổi, mua bản quyền sách nước ngoài phải chuyển sang hình thức online. Tuy nhiên, một điều đáng mừng là lượng giao dịch bản quyền không giảm đi trong thời gian này, nhờ đó, sách mới vẫn liên tục được xuất bản và đưa tới tay độc giả.
THANH NGỌC
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch