Châu Âu trước sức cám dỗ của Trung Quốc

Thứ hai, 01/04/2019, 09:14 AM

Chuyến thăm đang diễn ra của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Ý và Pháp không chỉ có tác dụng siết chặt hơn nữa mối quan hệ chính trị- kinh tế giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) mà còn có thể báo hiệu một chuyển biến mới về địa chính trị thế giới, theo đó một trục Đông-Tây mới được hình thành để cạnh tranh với Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: VNA

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: VNA

Tại Rome hôm thứ Bảy tuần trước, ông Tập được đón tiếp với đội kỵ binh mặc lễ phục hộ tống từ sân bay về nhà khách - nghi lễ chỉ dành cho các bậc vua chúa. Ông đã chứng kiến lễ ký kết chính thức để Ý tham gia vào đại dự án Con đường Tơ lụa mới, hay còn gọi là “Một Vành đai, một Con đường” do Trung Quốc khởi xướng. Cho đến nay Ý là nước đầu tiên trong nhóm các nền kinh tế phát triển G-7 tham gia vào dự án đầy tai tiếng này. Hành động của Ý diễn ra bất chấp lời cảnh báo của Mỹ và các thành viên EU khác, lo ngại Ý sẽ trở thành “Con ngựa thành Troy” mở cửa cho Trung Quốc thâm nhập và khống chế châu Âu.

Với người Ý, Trung Quốc cung cấp cho họ thị trường tiêu thụ, nguồn vốn đầu tư mà nền kinh tế bị trì trệ của họ đang cần. Chính phủ của Thủ tướng Giuseppe Conte có thể “khoe” về 29 thỏa thuận thương mại đầu tư trị giá hơn 2,5 tỉ đô la Mỹ, ký kết dưới sự chứng kiến của ông Tập, như là một thành tích quan trọng trong bối cảnh Ý vẫn đang vật vã vì nợ công và thâm hụt ngân sách. Chính phủ Ý trấn an, “sẽ không bị rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc”, nhưng ở đời ai biết trước được những chuyện chưa xảy đến!

Hôm 25-3, ông Tập lại được đón tiếp trọng thể trước Khải Hoàn Môn ở thủ đô nước Pháp trước khi đến Điện Élyseé hội họp với Tổng thống Emmanuel Macron và chứng kiến lễ ký hợp đồng mua 300 máy bay Airbus cùng hàng chục bản ghi nhớ thương mại và đầu tư khác. Tổng thống Macron, mà mới tuần trước đã lên tiếng cảnh báo việc Trung Quốc “lợi dụng sự chia rẽ của chúng ta (EU)” và tuyên bố thời kỳ châu Âu “ngây thơ đã kết thúc”, thì tuần này, khi đón tiếp ông Tập đã nhắc lại tuyên bố nổi tiếng của cố Tổng thống De Gaulle năm 1964 rằng, kết giao với Trung Quốc là hợp lý và có căn cứ để biện minh cho sự thay đổi thái độ của mình. Tuy Pháp chưa đi đến bước “ngã vào vòng tay” Bắc Kinh như Ý, song chính phủ của ông Macron vẫn nỗ lực hết sức để tăng lượng hàng hóa Pháp xuất khẩu sang Trung Quốc nhằm tạo công ăn việc làm cho hàng triệu thanh niên đang thất nghiệp.

Chuyến viếng thăm Rome và Paris của ông Tập như vậy đã đạt được thành quả tốt hơn dự kiến, một phần vì Trung Quốc đã chọn rất đúng thời điểm: EU đang ở vị thế yếu chưa từng có, khó mà cưỡng lại được sức hấp dẫn của Trung Quốc.

Mối quan hệ đồng minh mật thiết giữa châu Âu và Mỹ đã bắt đầu lung lay từ khi ông Donald Trump ngồi vào ghế lãnh đạo ở Nhà Trắng. Từ sau Thế chiến thứ Hai, EU và Mỹ vẫn hợp thành “phương Tây” dân chủ, thị trường tự do đối đầu với Nga và Trung Quốc. Nhưng với tư tưởng “nước Mỹ trên hết” của ông Trump, mối quan hệ đồng minh phai nhạt và đang chuyển dần từ quan hệ đồng minh sang đối thủ cạnh tranh trên tất cả các lĩnh vực.

Sau khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Mỹ hủy bỏ đàm phán về hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương với EU, đơn phương áp thuế nhập khẩu lên sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ EU, đe dọa tăng thuế nhập khẩu ô tô EU,... Căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu tuy mới chớm nhưng hết sức gay gắt, buộc châu Âu phải tìm cách trả đũa.

Với sự đảo chiều của Mỹ, dường như cơ hội đang mở ra cho Bắc Kinh. Bản thân Trung Quốc cũng đang vật vã trong cuộc thương chiến với Mỹ mà trọng tâm là cuộc cạnh tranh giành vị thế thống lĩnh về công nghệ. “Kẻ thù của kẻ thù là bạn” - vô hình trung ý thức “nạn nhân của Mỹ” đã đưa Trung Quốc và EU tới gần nhau hơn và cùng chia sẻ những tiếng nói chung.

Sự kiện Ý ký kết tham gia dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc làm cho Chính phủ Mỹ tức giận, nhưng không thể làm gì để ngăn cản ngoài việc tuyên bố trừng phạt Ý vì sử dụng công nghệ 5G của Huawei.

Đã có những tiếng nói cảnh báo trong nội bộ châu Âu yêu cầu cảnh giác trước âm mưu “chinh phục” của Trung Quốc, nhưng từ nhận thức đến hành động vẫn còn một chặng đường rất xa. 

Huỳnh Hoa

Theo thesaigontimes.vn