Cầu thủ Thái Lan và sức hút "kim tiền" của V.League
V.League từng là điểm đến lý tưởng của những cầu thủ Thái Lan ở thời kỳ mà giải đấu này còn được phủ bóng bởi yếu tố "kim tiền".
Khi HLV Kiatisak đồng ý quay trở lại V.League để dẫn dắt HAGL, nhiều người đã nghĩ đến một viễn cảnh sẽ có nhiều cầu thủ Thái Lan sẽ theo chân "Zico Thái". Bởi chính Kiatisak từng khởi đầu cho trào lưu cầu thủ Thái Lan sang Việt Nam chơi bóng cách đây 20 năm.
Chính HLV Kiatisak cũng đã nhắc tới khả năng này, trong buổi giao lưu trực tuyến đầu tiên với cổ động viên HAGL, ông đã chia sẻ: "Tôi là người Thái Lan nên khi có cơ hội sang quốc gia lân cận làm việc, tôi phải hỗ trợ các cầu thủ Thái Lan, để họ có cơ hội thi đấu cho HAGL. Mức lương họ nhận được sẽ không kém so với khi ở Thai League".
Thực tế, khi mới lên chuyên nghiệp ở mùa giải 2000-2001, V.League từng là điểm đến lý tưởng của nhiều cầu thủ Thái Lan thuộc thế hệ Kiatisak. Bởi lẽ, đó là giai đoạn mà V.League mở cửa cho các doanh nhân vung tiền làm bóng đá. Ở giai đoạn "kim tiền" đó, bầu Đức đã mang về sân Pleiku hàng loạt ngôi sao Thái Lan như: Kiatisak, Chukiat Noosarung, Dusit, Sakda, Tawan, Nirut...
Thậm chí, những cầu thủ như Nirut, Sakda còn nhập quốc tịch Việt Nam và mang họ Đoàn (họ của ông bầu Đoàn Nguyên Đức). Những cầu thủ không chỉ gắn bó sự nghiệp mà cả cuộc sống ở Việt Nam. V.League thời điểm đó là một miền đất hứa với những cầu thủ Thái Lan ra nước ngoài thi đấu. Ngay cả Kiatisak cũng đã có giai đoạn lẫy lừng ở HAGL trên cương vị cầu thủ.
HAGL cũng là nơi mà "Zico Thái" khởi nghiệp trên cương vị huấn luyện viên. Bầu Đức đã ưu ái Kiatisak đến mức cho cựu tuyển thủ Thái Lan làm cầu thủ kiêm huấn luyện viên. Ở HAGL, Kiatisak có tiền bạc, danh vọng và cả những kinh nghiệm nhất định cho những thành công sau này. Giai đoạn mà Kiatisak làm việc ở Việt Nam trên cả cương vị cầu thủ và huấn luyện viên, đời sống bóng đá khá sôi động.
Đó là thời điểm mà không ít các ngoại binh đến Việt Nam từ các nền văn hoá và trường phái bóng đá khác nhau. Đó là điều mà V.League hiện tại không có được. Đó cũng chính là sức hút cho trào lưu cầu thủ Thái Lan sang Việt Nam. Họ đến V.League vì kim tiền và vì một môi trường bóng đá mà họ có thể học được nhiều điều.
Nhưng làn sóng thứ hai đó không xuất hiện. Bởi các cầu thủ Thái Lan hiện tại không ra nước ngoài thi đấu chỉ đơn giản vì tiền. Bởi lẽ, với sự phát triển của Thai League, họ chỉ cần thu đấu trong nước là đủ. Những cầu thủ xuất ngoại đều có xu hướng phát triển nghề nghiệp nhiều hơn. Ngay cả Kiatisak cũng vậy, ông chia sẻ rằng, nếu không vì bầu Đức sẽ không tới V.League.
"Cá nhân tôi xác định sẽ không huấn luyện bất cứ đội nào tại Việt Nam ngoại trừ HAGL. Tiền bạc không phải vấn đề quan trọng với tôi. Mối quan hệ gắn bó với bầu Đức đã khiến tôi tôi đưa ra quyết định này", tờ TNN (Thái Lan) dẫn lời Kiatisak. Dusit Chalermsan - người từng có quãng thời gian làm cầu thủ và huấn luyện viên HAGL hiện đang dẫn dắt BG Pathum United tại Thai League đã nói rằng: "Nếu hỏi tôi các tuyển thủ Thái Lan có nên chuyển đến chơi cho HAGL tại V.League hay không thì tôi nghĩ là không, không phải bây giờ. Các cầu thủ hàng đầu Thái Lan nếu quyết định ra nước ngoài thi đấu họ sẽ hướng đến Nhật Bản hay Hàn Quốc chứ không phải Việt Nam. Nếu HAGL có bất kỳ lời đề nghị nào gửi đến BG Pathum United lúc này thì chắc chắn không ai đi cả. Không phải chúng tôi coi thường nhưng rõ ràng Thai League có trình độ cao hơn V.League. Vì vậy, nếu bạn muốn phát triển sự nghiệp nên đến các giải đấu có trình độ cao hơn như Nhật Bản hay Hàn Quốc".
Hiện tại, những cầu thủ Thái Lan tốt nhất đang chơi bóng ở Nhật Bản gồm: Chanathip, Kawin, Teerasil Dangda, Theerathon, Thitipan. Đó đều là những tuyển thủ quốc gia Thái Lan đã để lại dấu ấn ở môi trường bóng đá phát triển tầm châu lục. Đó là điều mà nhiều cầu thủ Việt Nam như: Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Hậu sau này đều không có được.
V.League đã qua rồi giai đoạn "kim tiền". Chúng ta cũng không phải nền bóng đá phát triển đủ sức hút với các ngôi sao người Thái. Kiatisak là một trường hợp ngoại lệ và đặc biệt. Để V.League tốt hơn, chúng ta cần có những câu lạc bộ chuyên nghiệp. Để V.League có thể thu hút nhiều cầu thủ ngoại xuất sắc, chúng ta phải gắn được yếu tố “kim tiền”. Tuy nhiên, đó là việc kiếm tiền từ bóng đá chứ không phải từ túi các ông bầu.
Hưng Hà
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch