hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Rất nhiều loại rau là những vị thuốc quý, nhưng người Việt chỉ sử dụng phần ngọn và lá non rồi vứt bỏ phần gốc và lá già vô cùng lãng phí. Nếu biết cách tận dụng, đây sẽ là những bài thuốc chữa bệnh vô cùng hiệu quả.
Tía tô và lá lốt là cặp đôi rau gia vị không thể tách rời khi chế biến nhiều món ăn, ngoài tạo hương vị riêng cho món ăn, hai loại rau này còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe khi kết hợp cùng nhau. Trong thực tế, khi sử dụng hai loại rau này, nhiều gia đình chỉ dùng những phần ngọn và lá non, còn lại lá già và phần thân, gốc vứt bỏ vào thùng rác. Các chuyên gia cho rằng, điều này là vô cùng lãng phí, ngoài tiền bạc thì còn lãng phí về vị thuốc, bởi toàn thân hai loại rau này đều có thể sử dụng được.
BS.CK2 Nguyễn Thu Thủy, trưởng khoa Y học cổ truyền (BV Đa khoa Đức Giang) cho biết, tía tô và lá lốt đều là những vị thuốc trong đông y, nếu biết sử dụng nó sẽ thành “tiên dược”. Hơn nữa đây đều là loại rau bản địa, được trồng hoặc mọc hoang nhiều nên mọi người hoàn toàn có thể tận dụng để làm rau ăn hoặc thuốc chữa bệnh.
Tại các đô thị, hai loại rau này mua cũng không quá đắt đỏ, thường chỉ để làm rau gia vị nấu kèm với một số thực phẩm khác. Bác sĩ Thủy cho rằng, khi dùng làm thực phẩm việc dùng phần ngọn và lá non là hợp lý, nhưng còn phần lá già, thân và gốc thì mọi người nên tận dụng để dùng làm thuốc.
Theo hướng dẫn, tía tô và lá lốt có thể kết hợp chung để sử dụng bằng cách, rửa sạch nấu thành nước, để nguội khoảng 37 đến 40 độ C, sau đó dùng để ngâm chân rất tốt cho sức khỏe. Bác sĩ Thủy cho rằng, việc dùng tía tô và lá lốt ngâm chân ngoài hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến khớp, gút thì còn là bài thuốc giúp mọi người ngủ ngon hơn khi các kinh mạch ở chân được đả thông, lưu thông máu tốt hơn.
Hay như lá già hoặc thân cây tía tô thừa sau khi nấu ăn, mọi người có thể rửa sạch, nấu thành nước uống vào buổi sáng rất tốt. Theo bác sĩ Thủy, tía tô có mùi thơm, vị cay đặc trưng, tính ấm. Công dụng chung của lá tía tô là giải độc, trị cảm mạo, hạ sốt, nhức đầu, ho hen suyễn. Còn việc uống vào buổi sáng sẽ giúp sát khuẩn, làm sạch hầu họng, thanh lọc cơ thể.
Đặc biệt, người đang bị viêm họng uống nước lá tía tô rất hiệu quả vì đây là loại lá chứa nhiều kháng sinh tự nhiên. Dù nước lá tía tô có thể uống hàng ngày, nhưng bác sĩ Thủy khuyến cáo không nên uống quá đặc và chỉ nên dùng một lần/ngày với khoảng 200-300ml.
Tương tự, với lá lốt, theo nhiều kết quả nghiên cứu hiện đại, lá lốt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau khá tốt. Còn trong y học cổ truyền lá lốt có vị nồng, hơi cay, tính ấm, có công dụng ôn trung (làm ấm bụng), tán hàn (trừ lạnh), hạ khí (đưa khí đi xuống) và chỉ thống (giảm đau), thường được dùng để chữa các chứng đau nhức xương khớp khi trời lạnh, chứng ra nhiều mồ hôi tay chân, mụn nhọt…
Dù có nhiều tác dụng, nhưng các chuyên gia cũng khuyến cáo, nếu sử dụng tía tô và lá lốt làm thực phẩm hoặc để uống nước, mọi người cần phải lưu ý một số điểm để không ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo đó, người bị đau dạ dày, nhiệt miệng, táo bón, viêm loét dạ dày không nên ăn 2 loại rau gia vị này vì sẽ khiến tình trạng bệnh thêm nặng nề. Hay với phụ nữ có thai, người cao huyết áp không nên uống nước lá tía tô vì có thể làm tăng huyết áp.