Cẩn trọng với cốc nguyệt san giá rẻ

Thứ tư, 12/09/2018, 09:02 AM

Chỉ từ vài chục ngàn đến 200.000 VND/cốc, những chiếc cốc nguyệt san kém chất lượng có xuất xứ từ Trung Quốc đang được rao bán trên các diễn đàn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của phái nữ.

Người dùng thờ ơ với cốc nguyệt san giá rẻ

Xuất hiện trong vài năm trở lại đây, cốc nguyệt san trở thành một trong những sản phẩm được chị em chú ý. Được quảng cáo làm từ silicon y tế, chiếc cốc này có hạn sử dụng đến 5-10 năm để hứng chất dịch trong ngày có chu kỳ; có thể đổ đi, rửa sạch dùng lại.

Thông thường từ 8-12 tiếng đồng hồ mới thay cốc nguyệt san một lần, chính vì sự tiện lợi này nên loại cốc này dần được phái nữ ưa chuộng.

Một vài thương hiệu cốc nguyệt san uy tín

Một vài thương hiệu cốc nguyệt san uy tín

Hiện nay, các trang mạng đang rao bán khá nhiều loại cốc nguyệt san với giá khoảng 700.000 – 1.000.000 đồng/cái, nhiều kích cỡ khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có những chiếc cốc nguyệt san được bán với giá rất rẻ, chỉ từ vài chục nghìn đến 200.000 VND/cốc. Đa số cốc giá rẻ đều có xuất xứ Trung Quốc.    

Nhiều loại cốc nguyệt san được rao bán chỉ từ vài chục nghìn đồng

Nhiều loại cốc nguyệt san được rao bán chỉ từ vài chục nghìn đồng

Theo các chuyên gia, cốc nguyệt san được làm từ chất liệu nhựa y tế, một số loại được làm từ silicon cao cấp. Những vật liệu được chọn làm cốc nguyệt san phải đảm bảo được các yếu tố: sạch, không độc hại, không gây kích ứng da, mềm dẻo và không dễ biến đổi chất trong điều kiện môi trường khác nhau. Để đảm bảo được các tiêu chí tiêu dùng an toàn thì một chiếc cốc nguyệt san phải được sàng lọc nguyên liệu cao cấp, kiểm định nghiêm ngặt từ khâu sản xuất cho đến khâu bảo quản và phát hành ra thị trường. Vì vậy những chiếc cốc giá rẻ khó có thể đảm bảo chất lượng, chưa kể có thể gây nguy hại cho người dùng.

Cách nhận biết cốc nguyệt san kém chất lượng và những khuyến cáo

Dấu hiệu dễ nhận biết với cốc nguyệt san kém chất lượng là khi kéo phần cuống đáy cốc sẽ xuất hiện một số vệt trắng không đều màu. Hoặc sau khi kéo giãn các loại cốc này sẽ khó trở về hình dạng ban đầu, do sản phẩm nhái làm từ silicon kém chất lượng.

Kéo căng phần cuống cốc nguyệt san để kiểm tra chất lượng

Kéo căng phần cuống cốc nguyệt san để kiểm tra chất lượng

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ (BS) Nguyễn Vũ Mỹ Linh - Trưởng khoa Khám A, Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM, cho biết cốc nguyệt san tương đối mới lạ tại Việt Nam. Hiện trên thế giới cũng chưa có công trình khoa học đáng tin cậy nào chứng minh được sự an toàn của sản phẩm này.

Hơn thế nữa, ở Việt Nam, chị em cũng khó có cơ hội tiếp cận với hàng chính hãng, có thể tin cậy. Khi đặt hàng xách tay, người mua khó tránh nguy cơ mua phải hàng nhái/hàng giả, từ đó dẫn đến những ẩn họa về sức khỏe. Dưới góc độ chuyên môn, BS Mỹ Linh khẳng định, các sản phẩm dùng bên ngoài âm đạo luôn an toàn hơn.

Chúng ta không nên tự ý can thiệp vào môi trường bên trong âm đạo, vì có thể gây tổn thương, dễ mắc các bệnh phụ khoa. “Chúng tôi vẫn phải xử lý nhiều trường hợp chị em bị kẹt dị vật trong vùng kín, như bao cao su, tampon”, BS Mỹ Linh cho biết. Mỗi năm, khoa Khám A tiếp nhận 68.000 ca đến khám bệnh, 31% số này được chẩn đoán viêm nhiễm phụ khoa, mà nguyên nhân nổi cộm là vấn đề chăm sóc vệ sinh vùng kín, nhất là những ngày “đèn đỏ”.

Trước thực trạng này, BS Mỹ Linh khuyến cáo, chị em phải cân nhắc và hạn chế việc sử dụng các sản phẩm đặt vào âm đạo trong kỳ kinh nguyệt.

 Hoàng Uyên

Theo NTD

largeer