Campuchia về đích trước ASEAN trong cuộc đua 5G

Thứ ba, 17/09/2019, 14:23 PM

Nhờ sự hỗ trợ công nghệ của Huawei và ZTE, các hãng viễn thông Smart Axiata và Cellcard của Campuchia đặt mục tiêu phát triển các dịch vụ 5G vào cuối năm nay nếu nhận được sự chấp thuận từ chính phủ.

Phó Thủ tướng Malaysia Ong Kian Ming (trái) thăm trung tâm đào tạo của Huawei ở Malaysia. (Ảnh: Malaysian Gazette).

Phó Thủ tướng Malaysia Ong Kian Ming (trái) thăm trung tâm đào tạo của Huawei ở Malaysia. (Ảnh: Malaysian Gazette).

Dẫn đầu cuộc đua

Hiện các công ty viễn thông Campuchia đang kết hợp với các nhà cung cấp công nghệ Trung Quốc là Huawei Technologies và ZTE để xây dựng các trạm cơ sở 5G với số vốn lên đến hàng trăm triệu USD.

Smart Axiata - một thành viên của Tập đoàn Axiata của Malaysia và Cellcard - một công ty viễn thông thuộc sở hữu của Tập đoàn Hoàng gia Campuchia, đang chạy đua phát triển mảng dịch vụ 5G và sẽ vượt các quốc gia ASEAN vào cuối năm nay.

CEO Smart Axiata Thomas Hundt nói rằng các thiết bị phục vụ cho dự án 5G của Smart Axiata ở thủ đô Phnom Penh đang được thiết lập. Các thử nghiệm cũng đã hoàn tất. Ông cũng nhấn mạnh rằng Smart Axiata tiếp tục sử dụng công nghệ thế hệ tiếp theo của Huawei để “Campuchia trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực ra mắt công nghệ 5G”. Smart Axiata sẽ đầu tư 100 triệu USD vào công nghệ 5G trong vòng 3-5 năm tới.

Trong khi đó, Ian Watson, CEO của Cellcard, tiết lộ rằng công ty sẽ đầu tư theo từng giai đoạn. Ban đầu, các kỹ sư của công ty sẽ thiết lập 500 trạm gốc 5G rải khắp thủ đô Phnom Penh, Siem Reap và Sihanoukville. Các trạm sẽ hoàn thành và dịch vụ sẽ được ra mắt vào tháng 12. Công ty sẽ hợp tác với ZTE để tăng các trạm gốc lên 2.000 trên toàn quốc trong năm tới. Và sẽ tiếp tục đổ thêm 200 triệu USD vào mảng công nghệ 5G trong 18 tháng tới. Cùng với đó Cellcard sẽ sử dụng công nghệ của Nokia để mở rộng 5G trong tương lai ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, ông Ian Watson cũng thừa nhận những khó khăn khi đầu tư dịch vụ ra bên ngoài khu vực trung tâm. Công ty có thể sẽ thu lãi sau khoảng 3-5 năm nữa.

Ngoài ra, các công ty viễn thông khác cũng không đứng ngoài cuộc đua này. Điển hình là Metfone - một công ty con thuộc Tập đoàn Viettel của Việt Nam - đã hợp tác với Công ty Viễn thông Campuchia thuộc sở hữu của nhà nước để phát triển dịch vụ 5G.

Bên cạnh đó, Công ty TC - chuyên điều hành các dịch vụ cố định, đã ký một thỏa thuận với Huawei vào tháng 4 vừa qua để triển khai mạng 5G vào năm 2020.

Từ đầu năm 2018, chính phủ Hoa Kỳ đã kêu gọi các nước không hợp tác với Huawei trong việc phát triển dịch vụ 5G. Trong khi Nhật Bản và Úc ủng hộ lời kêu gọi này, các nước phương Tây tỏ ra thận trọng thì các nước châu Á có vẻ “hào hứng” bắt tay với Huawei.

Ông Hundt phát biểu rằng Smart Axiata đã xem xét tất cả các vấn đề bảo mật và nhận thấy rằng “xét đến các yếu tố công nghệ, hệ thống hỗ trợ và chi phí thì Huawei là lựa chọn tốt nhất”.

Riêng nhà phân tích trưởng Marc Einstein - thuộc hãng tư vấn và nghiên cứu công nghệ Tech Titans có trụ sở tại Nhật Bản - nhận định sở dĩ các nước châu Á vẫn hợp tác với Huawei vì gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cung cấp thiết bị rẻ hơn so với các đối thủ châu Âu.

Ông này cũng nói thêm rằng việc áp dụng 5G sớm của các công ty viễn thông Campuchia là một dấu hiệu tốt, nhưng có lẽ sẽ phải mất nhiều thời gian để chúng có thể phổ biến và được người dân tiếp cận.

Marc Einstein nhận định: “Campuchia có thể cung cấp dịch vụ thương mại 5G đầu tiên ở Đông Nam Á, nhưng trong một vài tháng, sẽ không phải là dịch vụ duy nhất. Dù sao cũng thật tuyệt vời khi đất nước này có mạng 5G”.

Theo tính toán của giới công nghệ thế giới thì mạng 5G, có thể truyền dữ liệu nhanh hơn 100 lần so với 4G, sẽ giảm độ trễ truyền xuống khoảng một phần mười so với hiện tại.

Mạng đi động 5G đã có sẵn ở một số khu vực của Hoa Kỳ, Hàn Quốc và một số thị trường châu Âu. Riêng với Trung Quốc, quốc gia này sẽ triển khai 5G tại các thành phố lớn ngay trong năm nay.

Smart Axiata ra mắt công nghệ 5G tại Phnom Penh vào tháng 7 vừa qua. (Ảnh: Nikkei Asian Review).

Smart Axiata ra mắt công nghệ 5G tại Phnom Penh vào tháng 7 vừa qua. (Ảnh: Nikkei Asian Review).

Đông Nam Á là thị trường chính của Huawei

Đông Nam Á với dân số 600 triệu người và châu Âu với dân số 700 triệu người là hai thị trường chính của Huawei. Tuy nhiên, người dân Đông Nam Á sử dụng smartphone thường xuyên hơn: Các số liệu thống kê cho thấy, người dân các nước Malaysia, Indonesia và Philippines lướt net trung bình 4 giờ mỗi ngày, gấp đôi thời lượng trung bình của người dân châu Âu.

Huawei chiếm lĩnh thị trường viễn thông Philippines nhờ vào hợp đồng hiện đại hóa hệ thống viễn thông trị giá 700 triệu USD hãng này ký với hãng viễn thông Globe Telecom vào năm 2010. Ngày nay, mạng 4G của Globe Telecom hoàn toàn chạy trên thiết bị và kỹ thuật của Huawei. Cả hai hãng đang hợp tác để thúc đẩy triển khai mạng 5G trên toàn quốc trong năm nay, dù rằng đã trễ mục tiêu hoàn tất vào quý 2/2019. Và hơn hết, Huawei giành được sự tin tưởng hầu như tuyệt đối của đối tác Philippines. “Xét về khía cạnh thuần túy kỹ thuật, Huawei đang dẫn dẫn đầu trong cuộc đua 5G” - Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông Maria Yolanda Crisanto của Globe Telecom phát biểu.

Tại Thái Lan, Huawei đã cung cấp thiết bị 4G cho các hãng viễn thông chính như AIS và True. Cùng với các đối thủ Ericsson và Nokia, Huawei đã tham gia thử nghiệm thiết bị 5G tại tỉnh Chonburi thuộc Chương trình Hành lang kinh tế phía đông mà Thái Lan đang tập trung phát triển.

Tại Malaysia, Huawei đã ký nhiều biên bản ghi nhớ với Công ty Maxis và Edotco nhằm tăng tốc độ triển khai 5G ở quốc gia này.

Chỉ riêng tại Việt Nam là Huawei gặp phải đối thủ đáng gờm khi Viettel tuyên bố tự phát triển công nghệ và thiết bị 5G cho riêng mình.

Với công nghệ giá rẻ và chính sách hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc, Huawei vẫn giành được nhiều hợp đồng dù bị Hoa Kỳ cấm vận và hạn chế. Theo Nikkei Asian Review, cuối tháng 8/2019 vừa rồi, Huawei đã xuất được 200.000 trạm phát sóng 5G, cao hơn con số 150.000 trạm của tháng 7. Các nước Đông Nam Á và châu Âu là hai thị trường màu mỡ của Huawei.

Phan Huấn - Ricky Hồ

Theo NTD