Kế hoạch áp thuế lên “bộ tứ” đại gia công nghệ và nguy cơ xảy ra thương chiến
Kênh ABC của Australia vừa đăng bài viết của nhà báo Nassim Khadem về tranh cãi xung quanh việc áp thuế lên doanh thu bán hàng kỹ thuật số của các “đại gia” công nghệ.
Tác giả cho biết Australia đang chờ các quốc gia khác hành động trước khi quyết định “nối gót” châu Âu trong việc áp thuế doanh thu đối với các công ty công nghệ.
GAFA là gì?
Thượng Viện Pháp ngày 11/07/2019 đã thông qua dự luật đánh thuế đối với các dịch vụ kỹ thuật số của các đại tập đoàn công nghệ quốc tế tại Pháp, gọi là luật thuế GAFA, từ ghép lấy tên của “bộ tứ” tập đoàn thống trị thế giới công nghệ hiện nay là Google, Apple, Facebook và Amazon.
Theo đó, Thượng viện Pháp đã phê chuẩn mức thuế 3% áp dụng cho doanh thu từ các mặt hàng dịch vụ kỹ thuật số được bán tại Pháp, do các công ty này có doanh thu cao hơn 25 triệu euro tại Pháp và 750 triệu euro trên toàn thế giới.
Chính phủ Pháp cho rằng việc thu thuế là cần thiết, vì những “đại gia” công nghệ đa quốc gia này đã lựa chọn ghi nhận phần lớn lợi nhuận tại những quốc gia có mức thuế thấp, bất kể doanh thu được tạo ra ở đâu.
Thuế GAFA được áp dụng cho khoảng 30 công ty, trong đó phần lớn là các công ty công nghệ có trụ sở tại Mỹ. Thuế đã nộp sau đó được khấu trừ ngược lại vào thuế thu nhập doanh nghiệp tại Pháp.
Đây là chính sách hồi tố với thời gian áp dụng được tính ngược trở lại bắt đầu từ đầu năm 2019. Bộ Tài chính Pháp ước tính doanh thu thuế sẽ tăng thêm 500 triệu euro mỗi năm.
Dư luận thế giới về GAFA
Tại Australia, các chuyên gia thuế từ lâu đã cảnh báo rằng nếu Canberra nối gót châu Âu, đơn phương đánh thuế các công ty nước ngoài, bao gồm các công ty đa quốc gia của Mỹ và Trung Quốc, thì những quốc gia này có thể sẽ tìm cách thu thêm thuế từ các đại gia khai thác mỏ của Australia.
Thủ tướng Australia Scott Morrison gần đây cho biết Chính phủ Liên bang đang có “những lo ngại về các đề xuất liên quan đến việc tăng thuế đánh vào giá bán và động thái này có tiềm năng dẫn đến hành động đánh thuế trả đũa đối với Australia”.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg cho biết Chính phủ Australia sẽ chờ một kế hoạch đa phương về cách tính thuế đối với nền kinh tế kỹ thuật số - được dẫn dắt bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và G20 - trước khi đưa ra bất kỳ biện pháp nào.
Trong khi đó, luật về thuế GAFA của Pháp đã vấp phải sự chống đối của hầu như toàn bộ dư luận Mỹ. Tổng thống Donald Trump thậm chí đã viết lời đe dọa trong một bài viết cá nhân trên mạng xã hội twitter vào tháng 7/2019 rằng Mỹ sẽ trả đũa Pháp bằng cách áp thuế đối với mặt hàng rượu vang.
Tại Mỹ, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng nói rằng Washington “rất quan tâm” đến động thái đánh thuế không công bằng của Pháp nhắm vào các công ty của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mỹ cũng đã đưa ra một cuộc điều tra 301 – tương tự cuộc điều tra dẫn đến thuế quan đối với Trung Quốc. Theo Mục 301 của Luật Thương mại, Washington có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại, bao gồm thuế, đối với những quốc gia nước ngoài vi phạm hiệp định thương mại hoặc tham gia vào các hoạt động thương mại không công bằng khác.
Daniel Bunn, Giám đốc các dự án toàn cầu tại Tổ chức Sáng lập Thuế, đã nói trong một phiên điều trần trước Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ và các quan chức chính phủ khác vào tháng trước rằng việc Paris áp dụng thuế đối với các sản phẩm kỹ thuật số có thể dẫn tới việc đánh thuế hai lần, từ đó gây ra nhiều tranh chấp thuế và thương mại hơn nữa.
Giám đốc Bunn chia sẻ: “Đây là loại thuế đánh vào tổng doanh thu thay vì thu nhập, thuế này sẽ hoạt động giống như thuế quan và sẽ có sự phân biệt đối xử giữa các công ty trong và ngoài nước”.
Ông Bunn cảnh báo các công ty sẽ chuyển số thuế bị đánh thêm sang người tiêu dùng bằng cách định giá sản phẩm cao hơn và chính sách của Pháp sẽ tạo ra thêm sự không chắc chắn xung quanh các nỗ lực của OECD.
Ông nói: “Sự không chắc chắn có thể dẫn đến việc trì hoãn các quyết định đầu tư và tạo ra lực cản đối với tăng trưởng kinh tế. Cuộc chiến thương mại hiện tại đã gây ra rất nhiều tốn kém cho người dân Mỹ và vụ việc này có thể trở nên ngày càng nguy hiểm hơn”.
Mặt trái của GAFA
Ngoài cuộc điều tra Mục 301, Mỹ cũng có thể áp dụng một biện pháp chưa từng được sử dụng và lần đầu tiên được ghi vào bộ luật của nước này trong những năm 1930.
Mục 891 cho phép Mỹ đánh thuế gấp đôi đối với bất kỳ công ty nào của Pháp hay công dân Pháp, những người phải trả thuế tại Mỹ, nếu quốc gia nước ngoài đó đang khiến công dân hay doanh nghiệp Mỹ phải chịu thuế phân biệt đối xử.
Phần lớn các “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ, bao gồm Amazon, Facebook, Google và các hiệp hội thương mại, đã xác nhận đây chính xác là những gì thuế của Pháp đã thực hiện.
Tại phiên điều trần tháng 8/2019, các đại gia công nghệ đã nêu chi tiết về cách tính thuế của Pháp và kết luận rằng không chỉ phân biệt đối xử, mà hình thức này còn gây hại cho việc cải cách thuế toàn cầu. Bên cạnh đó, động thái đơn phương của Pháp đã tạo ra nguy cơ và cũng có thể tạo ra những rào cản đối với thương mại, đồng thời cản trở tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, “gã khổng lồ” công nghệ Amazon lập luận rằng thuế quan đã tạo ra thêm chi phí tuân thủ và chi phí kiểm toán, buộc các công ty phải chuyển khoản chi phí phát sinh thêm này sang người tiêu dùng.
Ngoài ra, vấn đề xác định những khoản thuế này cũng tạo ra nhiều khó khăn. Người đứng đầu chính sách thuế toàn cầu của Facebook Alan Lee đã phát biểu trong phiên điều trần rằng trong khi công ty – hiện có khoản 2 tỷ người dùng – tạo ra hơn 98% doanh thu toàn cầu bằng việc cung cấp quảng cáo cho người sử dụng.
Tuy nhiên, để nắm bắt dữ liệu này tốn rất nhiều thời gian và trong khi thuế được áp dụng hồi tố, nó sẽ làm tăng chi phí kinh doanh và kiểm toán.
Giám đốc chính sách thuế quốc tế của Amazon Peter Hiltz cho biết hơn 10.000 doanh nghiệp có trụ sở tại Pháp đang bán hàng thông qua các cửa hàng trực tuyến của Amazon và công ty này đã thông báo cho họ một số khoản phí tăng 3% đối với hoạt động bán hàng tại trụ sở Amazon Pháp bắt đầu từ ngày 1/10.
Ông Hiltz nói: "GAFA làm tăng chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp, buộc họ phải lựa chọn giữa việc tăng giá, giảm chi phí hoặc ngừng bán cho khách hàng Pháp".
Diệu Linh
-
Nghịch lý giá ô tô nhập khẩu
-
Thị trường ô tô tăng trưởng mạnh
-
Chiếc ô tô huyền thoại của Toyota chỉ có giá hơn 700 triệu đồng, người Việt thèm muốn
-
Những mẫu xe mạnh nhất phân khúc SUV hạng C: Góp mặt toàn tên tuổi gạo cội, xe 'made in Việt Nam' vượt trội
-
ADB nhận định: Ngành công nghiệp sáng tạo số sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Châu Á, Thái Bình Dương
-
Nhà mạng có tốc độ internet di động nhanh nhất Việt Nam