Cách nào để triệt tiêu văn mẫu?

Chủ nhật, 15/08/2021, 16:17 PM

Thạc sĩ Phan Thế Hoài, dạy Ngữ văn ở TP HCM, cho rằng chừng nào giáo viên còn bị đánh giá thi đua dựa vào điểm số của học sinh thì còn văn mẫu.

Thầy Hoài chia sẻ một vài giải pháp nhằm giúp ngành giáo dục triệt tiêu văn mẫu ở trường học hiện nay.

Ngày 12-13/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học mới đối với giáo dục trung học. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý với môn Ngữ văn cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò.

Thực tế nhiều năm nay, văn mẫu đã ăn sâu từ bậc tiểu học đến trung học khiến việc dạy văn, học văn trở nên nhàm chán, kéo theo chất lượng giáo dục chưa được định lượng chính xác. Để chấm dứt việc học văn mẫu ở nhà trường hiện nay, tôi cho rằng ngành giáo dục cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Thứ nhất, không dựa vào kết quả học tập của học sinh để đánh giá giáo viên. Nhà trường cần có những biện pháp cụ thể để khuyến khích giáo viên đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy và học. Bởi nếu đánh giá giáo viên dựa vào kết quả giảng dạy thì sẽ tạo nên bệnh thành tích, nhiều thầy cô tìm cách cho học sinh học văn mẫu để được điểm cao.

Nói như thế không có nghĩa là buông lỏng chất lượng giảng dạy của giáo viên mà lãnh đạo cần đánh giá người dạy qua nhiều kênh. Chẳng hạn năng lực giảng dạy của giáo viên được thể hiện qua sự ghi nhận của học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp. Hoặc giáo viên nào có giải pháp hay, khích lệ học sinh hứng thú trong học tập thì được nhà trường ghi nhận, khen thưởng xứng đáng.

Từ bậc tiểu học đến trung học có rất nhiều sách văn mẫu để học sinh tham khảo. Ảnh: H.K.

Từ bậc tiểu học đến trung học có rất nhiều sách văn mẫu để học sinh tham khảo. Ảnh: H.K.

Thứ hai, cần thay đổi việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ngay từ bậc tiểu học. Dễ nhận thấy cứ đến kỳ kiểm tra định kỳ là giáo viên soạn sẵn đề cương văn mẫu cho học sinh học. Giáo viên, phụ huynh cứ thế dò bài cho đến khi nào các em thuộc mới thôi, khi làm bài thì cứ thế mà chép, mười bài như một theo khuôn mẫu. Hậu quả học sinh chỉ biết viết, nói như con vẹt, sau mỗi kỳ kiểm tra chẳng đọng lại kiến thức là bao.

Riêng bậc phổ thông, công bằng mà nói những năm qua ngành giáo dục đã có những thay đổi đáng kể trong đánh giá môn Ngữ văn bằng cách đưa 50% kiến thức ngoài sách giáo khoa vào đề kiểm tra, đề thi. Thế nhưng riêng câu nghị luận văn học (tác phẩm văn học) thì cách ra đề vẫn rất cũ. Chẳng hạn chương trình Ngữ văn 9 cũng chỉ quanh đi quẩn lại một số tác phẩm như: Truyện Kiều (Nguyễn Du); Đồng chí (Chính Hữu); Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật); Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận)...

Hay kỳ thi tốt nghiệp THPT, đề thi 10 năm trở lại đây cũng chỉ ra có mấy tác phẩm: Tây Tiến (Quang Dũng); Việt Bắc (Tố Hữu); Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm); Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường); Vợ nhặt (Kim Lân); Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyển Minh Châu); Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ).

Với cách ra đề thi như thế, giáo viên chỉ cần cung cấp cho học sinh học văn mẫu là được. Văn mẫu thì muôn hình vạn trạng, có ở đề cương, sách tham khảo hoặc chỉ cần lên mạng tải về là có. Vậy nên nhiều năm tham gia chấm thi tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp THPT, tôi bắt gặp hàng loạt bài văn viết na na nhau, có thể đoán biết chính xác nguồn tài liệu này ở đâu.

Vấn đề cần đặt ra là nhất định phải thay đổi cấu trúc và nội dung đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn sao cho phù hợp với các khối lớp. Tôi cho rằng nên giữ lại phần đọc hiểu (thay đổi một số câu hỏi quá dễ) và phần nghị luận xã hội, riêng phần nghị luận văn học, cần đưa tác phẩm ngoài sách giáo khoa vào đề kiểm tra, đề thi. Dẫu biết rằng việc thay đổi này có phần khó với học sinh và cả giáo viên vì thói quen dạy học bấy lâu nay nhưng không thể không làm.

Vậy nên giáo viên cần dạy học sinh về kỹ năng, đặc trưng từng thể loại. Khi đưa tác phẩm ngoài sách giáo khoa vào đề kiểm tra, đề thi phải có tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Chẳng hạn mức độ khó của văn bản đó phải tương đương với những tác phẩm trong chương trình sách giáo khoa (không lấy những văn bản quá khó hay quá dễ).

Như thế, chỉ nên xem sách giáo khoa như là tài liệu chính của việc dạy học chứ không phải pháp lệnh. Sau khi được tiếp nhận "tài liệu chính" đó, học sinh có thể xử lý bất cứ ngữ liệu, văn bản nào với độ khó tương đương, thế mới là học.

Cũng có thể ra đề kiểm tra, đề thi theo phương án khác, đó là ra một đề thi chung, gồm các câu hỏi nhỏ liên quan đến tác phẩm văn học trong chương trình. Còn câu hỏi mang tính quyết định và chiếm nhiều điểm nhất là nghị luận xã hội - yêu cầu học sinh bày tỏ quan điểm, cách giải quyết các vấn đề, các tình huống xảy ra trong đời sống... Chính câu hỏi này mới thể hiện được khả năng của học sinh và kỹ năng viết bài nghị luận xã hội cũng rất có ích cho các em khi vào đời.

Thứ ba, giáo viên cần tạo thói quen cho học sinh đọc sách để bồi đắp thêm tình yêu văn chương cho các em, nâng cao khả năng viết lách, không cần phụ thuộc văn mẫu. Thực tế cho thấy, khi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão thì học sinh thường chú ý đến các phương tiện nghe nhìn hơn là đọc sách và không phải em nào cũng biết cách đọc sách hiệu quả.

Đọc sách cần phải có phương pháp, có thể liệt kê những ý cơ bản như: Đọc lướt tìm ý, phù hợp với mục đích cập nhật thông tin nhanh. Đọc sâu chi tiết khi muốn đọc hiểu tối đa nội dung và ghi nhớ hiệu quả. Đọc phản biện rất tốt khi đọc văn nghị luận.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 xác định, Ngữ văn là môn học mang tính công cụ và tính thẩm mỹ - nhân văn, giúp học sinh có phương tiện giao tiếp, làm cơ sở để học tập tất cả môn học và hoạt động giáo dục khác trong nhà trường.

Đồng thời Ngữ văn cũng là công cụ quan trọng để giáo dục học sinh những giá trị cao đẹp về văn hóa, văn học và ngôn ngữ dân tộc, phát triển ở học sinh những cảm xúc lành mạnh, tình cảm nhân văn, lối sống nhân ái, vị tha. Ngữ văn có vai trò to lớn trong việc giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất tốt đẹp cũng như các năng lực cốt lõi để sống và làm việc hiệu quả, để học suốt đời.

Muốn được như thế, ngay từ bây giờ ngành giáo dục hãy nói không với văn mẫu trong học tập, kiểm tra, thi cử...

Phan Thế Hoài

Theo Vnexpress.net

largeer