Bóng đá chuyên nghiệp: Nhiều tiền cũng không mua được thành công

Thứ ba, 05/09/2023, 16:30 PM

Trung vệ Sergio Ramos - nguyên thủ quân Real Madrid và tiền đạo Mohamed Salad - linh hồn của Liverpool nhiều năm qua đã từ chối những “cơn bão tiền” từ Ả Rập Saudi…

 Không ít người đã bày tỏ suy nghĩ và dự đoán Ramos cũng như Salad sẽ không cưỡng lại được sức mạnh cùng quyền lực của đồng tiền để thi đấu ở Saudi Pro League (SPL). Nhưng rồi tất cả đều bất ngờ khi Salad quyết định ở lại với Liverpool, và càng bất ngờ hơn khi Ramos trở về thi đấu cho Sevilla - đội bóng đang xếp cuối bảng xếp hạng La Liga sau 3 lượt đấu.

Tiền không phải là tất cả

Tại sao Ramos từ chối thu nhập 20 triệu euro/mùa ở SPL, thay vào đó nhận 1,5 triệu euro/mùa để được thi đấu cho Sevilla?

Câu trả lời rằng Sevilla là đội bóng quê hương, nơi Ramos chào đời và đó cũng là đội bóng đầu tiên Ramos khoác áo cầu thủ chuyên nghiệp thi đấu ở La Liga khi 17 tuổi 11 tháng. Khi đó là tháng 2.2004, Ramos vào sân ở phút 64 khi thay Paco Gallardo và trận này Sevilla đã thua 0-1 trên sân Deportio La Coruna.

Nhưng ngay mùa sau 2004-2005, Ramos tỏa sáng. Anh thi đấu 41 trận, giúp Sevillla xếp hạng 6 và giành suất tham dự UEFA Cup.

Tài năng của Ramos đã khiến Real Madrid đã phải chi 27 triệu euro. Ở tuổi 19, Ramos đã trở thành trung vệ Tây Ban Nha đắt giá nhất trong lịch sử chuyển nhượng ở La Liga.

Năm 2005 cũng là năm đầu tiên Ramos được gọi vào đội tuyển Tây Ban Nha sau khi thi đấu cho các đội tuyển U: 16, 17, 19 và 21. Ramos là cầu thủ thi đấu cho đội tuyển TBN nhiều nhất với 180 lần, và cũng là người sở hữu kỷ lục có nhiều trận thắng nhất ở đội tuyển quốc gia là 131.

Lừng lẫy như vậy, nhưng giờ đây Ramos chọn bến đỗ đầu tiên thuở khởi nghiệp, đơn giản vì đó là tình yêu. Ông và bố Ramos đều là cổ động viên của Sevilla. Sau 18 năm ra đi và giờ đây Ramos quay về ở tuổi 37 để thực hiện lời hứa với ông, với bố, cũng như với người bạn bạc mệnh: Antonio Puerta - người từng thi đấu chung với Ramos ở Sevilla và đội tuyển U.21 TBN, nhưng đã ra đi vĩnh viễn vào năm 2007.

Với Mohamed Salad lại là chuyện khác.

Không như hai đồng đội cũ ở Liverpool là Sadio Mane và Roberto Firmino đều đã đến SPL vào mùa hè 2023. Nếu như Mane luôn gặp khó ở môi trường mới Bayern Munich tại Bundesliga, còn Firmino sa sút phong độ, thì Salad vẫn là linh hồn, vẫn là cầu thủ không thể thay thế ở Liverpool trong quá khứ cũng như là hiện tại. Mùa này, Salsad đã ghi 2 bàn và có 2 đường chuyền thành bàn qua 4 lượt đấu, qua đó góp phần giúp Liverpool xếp thứ 3 trên bảng xếp hạng Premier League.

Thế nhưng Liverpool và Salad cùng từ chối lời đề nghị 150 triệu bảng của CLB Al Ittihad. Salad vẫn một lòng với Liverpool, nơi đã đưa anh lên đỉnh cao sự nghiệp. Liverpool thường cân nhắc bán cầu thủ nếu đáp ứng đủ 3 tiêu chí: khi lời đề nghị đủ hấp dẫn, khi cầu thủ muốn ra đi và khi HLV Jurgen Klopp có thời gian để chiêu mộ người thay thế trong giai đoạn chuyển giao của Liverpool. Như vậy lời đề nghị của Al-Ittihad chỉ đáp ứng một trong 3 điều trên.

Thế nhưng liệu lời đề nghị mới nhất của Al Ittihad lên đến 215 triệu bảng cho một cầu thủ như Salad đã 31 tuổi và hợp đồng sẽ kết thúc vào năm 2025 có khiến cho Liverpool và Salad thay đổi?

Cần biết rằng Al Attihad rất cần Salad để gia tăng sức mạnh khi Al Ittihad là đại diện chủ nhà của Ả Rập Xê Saudi tại giải FIFA Club World Cup diễn ra từ ngày 12 - 22.12 cuối năm nay.

Thị trường chuyển nhượng ở châu Âu đã đóng cửa, nhưng ở Ả Rập Saudi vẫn còn mở cửa đến ngày 7.9. Liệu 2 ngày còn lại, sự cám dỗ của đồng tiền có khiến cho giới chủ Liverpool cùng Salad đổi ý?

Tiền chỉ mua được vị thế

Mỹ là quốc gia đầu tiên trong thế giới bóng đá dùng sức mạnh của đồng tiền để làm lực đẩy phát triển bóng đá lên tầm thế giới. Đó là lý do năm 1975, vua Pele dù đã qua thời đỉnh cao nhưng vẫn có thu nhập khủng: 2,8 triệu USD/năm khi thi đấu cho New York Cosmos.

Sau “vua” là “hoàng đế” Franz Beckenbauer, “thánh” Johan Cruyff… lần lượt đến Mỹ thi đấu.

Thế nhưng bóng đá Mỹ không thể phát triển khi người Mỹ vẫn thích bóng bầu dục (football American), bóng rổ, bóng chày… Hơn nữa vua, hoàng đế và thánh cùng những ngôi sao bóng đá thế giới khác khi đến Mỹ đều đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp.

Cho nên sức hút của bộ ba vua - hoàng đế - thánh không kéo dài được lâu, thậm chí CLB New York Cosmos từng có Pele thi đấu cũng giải thể vào năm 1985. Bóng đá Mỹ chỉ thật sự hồi sinh kể từ khi được chọn là nước chủ nhà World Cup 1994.

Trung Quốc là bản sao thất bại trong tầm nhìn cũng như cách nâng tầm trình độ bóng đá vội vã như Mỹ.

Rút kinh nghiệm thất bại của bóng đá Mỹ thời kỳ trước World Cup 1994 và Trung Quốc, tuy cũng bỏ ra nhiều tiền mua các siêu sao với mục đích thu hẹp khoảng cách trình độ với các nền bóng đá hàng đầu thế giới trong thời gian ngắn nhất, nhưng lần này ngoài những tên tuổi lớn đã qua đỉnh cao phong độ, Ả Rập Saudi còn chiêu mộ cả những ngôi sao đang ở tuổi đẹp nhất của sự nghiệp.

Ả Rập Saudi cũng thấy giá trị không phải vô hình mà là hữu hình khi được đăng cai tổ chức World Cup như Mỹ 1994; hay Nhật Bản, Hàn Quốc World Cup 2002 và mới đây là Qatar World Cup 2022, nên Ả Rập Saudi đã tham gia cuộc đua giành quyền đăng cai tổ chức World Cup 2030.

Sự lớn mạnh của SPL cùng tham vọng của Ả Rập Saudi nói riêng và bóng đá khối Ả Rập nói chung, đã khiến thế giới bóng đá rúng động. Do đó LĐBĐ châu Âu ngay lập tức đã từ chối lời đề nghị của Ả Rập Saudi được cử đại diện vô địch SPL tham gia các giải dành cho CLB trong hệ thống UEFA. Cái lắc đầu của UEAF cho thấy đó là cách gián tiếp UEFA bảo vệ quyền lợi bóng đá châu lục và không thể giúp những quốc gia ở châu lục khác phát triển, nâng cao trình độ, đẳng cấp bóng đá.

Từ Mỹ, Trung Quốc trong quá khứ cho đến UAE, Qatar (chi rất nhiều tiền để quảng cáo, để sở hữu các câu lạc bộ danh tiếng của Anh, Pháp) và giờ đây là Ả Rập Saudi với cách làm tổng hợp rút kinh nghiệm của Mỹ, Trung Quốc, UAE, Qatar - tất cả đều có điểm chung dùng tiền để đạt được mục đích. Nhưng tất cả đều cho thấy tiền chỉ có thể đem lại danh vọng, địa vị, nhưng tiền không phải lúc nào cũng mua được thành công.

Theo Đặng Hoàng (1thegioi.vn)