Bóng đá châu Á rất khó thành công tại sân chơi World Cup

Thứ hai, 11/06/2018, 19:01 PM

World Cup 2018 đã rất cận kề và một trong những vấn đề mà người hâm mộ bóng đá thế giới, trong đó có các CĐV Việt Nam quan tâm vào lúc này là thành tích của các đội tuyển ở châu Á ở sân chơi thế giới sẽ ra sao?

Thành tích trồi sụt

Năm 2002, cả thế giới đều shock khi 2 quốc gia đồng chủ nhà World Cup 2002 là Hàn Quốc và Nhật Bản thi đấu cực kỳ thăng hoa: Hàn Quốc trở thành 1 trong 4 đội mạnh nhất, trong khi Nhật Bản lọt vào đến vòng 1/8. Vậy mà chỉ 4 năm sau đó, tại World Cup 2006, cả 4 đội bóng châu Á là Iran, Nhật Bản, Saudi Arabia và Hàn Quốc đều bị loại ngay từ vòng bảng. Thậm chí 3 trong 4 đội là Iran, Nhật Bản, Saudi Arabia đều đứng bét bảng mà không giành nổi một chiến thắng nào. Chỉ có Hàn Quốc được an ủi với chiến thắng nhọc nhằn 2-1 trước Togo và vượt qua chính đối thủ tý hon của châu Phi để đứng thứ 3 ở bảng G nhưng vẫn phải dừng cuộc chơi.

Đội tuyển Hàn Quốc (ảnh: Reuters)

Đội tuyển Hàn Quốc (ảnh: Reuters)

Năm nay, châu Á góp 5 đại diện tại World Cup 2018 và đáng chú ý, các đội bóng này đều rơi vào những bảng đấu rất khó khăn. Ở bảng A, Saudi Arabia gặp những đối thủ xương xẩu là đội chủ nhà Nga và ĐT Uruguay với những ngôi sao đẳng cấp thế giới như Luis Suarez, Edinson Cavani, Diego Godin… Ở bảng B, Iran đối đầu với 2 đại gia xứ Iberia là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tại bảng C, Australia phải tranh vé vào vòng 2 với những đại diện hùng mạnh của bóng đá châu Âu là Pháp và Đan Mạch. Ở bảng H, Nhật Bản sẽ không dễ chinh phục những thử thách lớn mang tên Đại bàng trắng Ba Lan và Colombia có ngôi sao James Rodriguez, một trong những số 10 hay nhất thế giới.

Niềm kỳ vọng số 1 châu Á, Hàn Quốc được giới chuyên môn đánh giá cao nhất không chỉ bởi trong tay HLV Shin Tae-Yong có những ngôi sao chất lượng như Son Heung Min (Tottenham), Ki Sung Yeung (Swansea City), Lee Chung-yong (Crystal Palace)… mà còn vì họ rơi vào bảng F khá “dễ thở”. Ngoại trừ nhà ĐKVĐTG Đức quá mạnh, 2 đội bóng Mexico và Thụy Điển không còn khủng khiếp như trong quá khứ và đội bóng đến từ châu Á hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với những đối thủ này để giành vé đi tiếp. Cho đến nay, Hàn Quốc đã 9 lần tham dự World Cup, đáng chú ý, đội bóng xứ Kim chi đã vào đến bán kết World Cup 2002, lọt vào vòng 1/8 World Cup 2010.

Tuy nhiên, ở World Cup 2014 được tổ chức tại Brazil, các đội bóng Australia, Nhật Bản, Iran, Hàn Quốc đều không thể vượt qua vòng bảng. Thậm chí cả 4 đại diện của bóng đá châu Á cùng đứng bét bảng B, C, F, H mà không giành nổi một trận thắng nào, ghi vẻn vẹn 9  bàn và để thủng lưới tới 25 lần.

Nếu như không tính kỳ World Cup 2002, nơi bóng đá châu Á bay cao (một phần nhờ lợi thế sân nhà và trọng tài?), kể từ năm 1994 đến nay, mới chỉ có 3 đội bóng của châu Á vượt qua vòng bảng (Saudi Arabia tại World Cup 1994, Hàn Quốc và Nhật Bản tại World Cup 2010), một thành tích còn quá khiêm tốn.

Internet

Những thống kê đó đủ khiến các CĐV bóng đá ở châu lục đông dân nhất thế giới cảm thấy bi quan về thành tích chung của những đội bóng châu Á trên đất Nga vào mùa hè năm nay.

Nguyên nhân và giải pháp

Bóng đá là một thể thao thể lực và dường như các đội bóng châu Á bị bất lợi khi tham gia sân chơi này. Ở những môn thể thao thiên về độ khéo léo, chính xác, người châu Á thành công hơn. Hàn Quốc là quốc gia số 1 về billiard và snooker, Trung Quốc cực mạnh về thể dục dụng cụ… nhưng thành tích của đội tuyển bóng nam của những quốc gia này trên đấu trường thế giới lại rất khiêm tốn. Ngoài ra, ở một số quốc gia châu Á, bóng đá không phải là một thể thao số 1. Điển hình là tại 2 quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, bóng rổ và cricket mới là những môn thể thao vua. Rõ rang, những điểm này đã ảnh hưởng phần nào đến sự phát triển chung của bóng đá châu Á.

Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất khiến bóng đá châu Á không có thành tích tốt ở World Cup chính là sự thiếu đồng bộ trong hệ thống phát triển bóng đá ở từng quốc gia. Ở châu Âu, các quốc gia không chỉ sở hữu những giải quốc nội mạnh như Premier League, La Liga, Bundesliga, Serie A… mà các hệ thống đào tạo trẻ cũng được tổ chức rất bài bản. Xã hội và văn hóa bóng đá ở châu Âu cũng luôn được tạo điều kiện tốt nhất, ăn sâu vào từng gia đình.

Ngược lại, tại quốc gia châu Á, các giải vô địch bóng đá trong nước có chất lượng chuyên môn kém, thường xuyên đối mặt với vấn nạn khủng hoảng tài chính hoặc dàn xếp tỷ số, văn hóa. Australia, Nhật Bản là 2 quốc gia có các giải VĐQG khá nhất, còn lại những giải VĐQG Hàn Quốc, Trung Quốc hay khu vực Trung Đông đều thiếu vắng khán giả và sự hợp tác của truyền thông, báo chí.

Internet1

Người Việt Nam rất đam mê bóng đá và rất mong đội tuyển sớm giành quyền dự World Cup. Tuy nhiên, khi mà giải vô địch quốc gia V.League chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của người hâm mộ, vấn đề đào tạo trẻ của các CLB chưa được chú trọng (mới chỉ có CLB Hà Nội và CLB HAGL sở hữu hệ thống đào tạo trẻ bài bản) hay như Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF tuy hiện đại, nhưng số lượng đào tạo còn khá khiêm tốn (180 học viên), thì “giấc mơ World Cup” của người Việt vẫn còn rất xa vời.

Để học theo mô hình phát triển bóng đá châu Âu, bóng đá châu Á còn rất nhiều việc phải làm. Không chỉ với các quốc gia nghèo mà ngay cả những nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Australia…, việc hoàn thiện cả cơ sở hạ tầng lẫn cấu trúc thượng tầng trong quản lý bóng đá không hề đơn giản. Và chừng nào quá trình kiện toàn ấy chưa được thực hiện triệt để thì bóng đá châu Á vẫn phải nhận những thành tích khiêm tốn, thậm chí bết bát tại các kỳ World Cup.

Thế Anh

 

Theo NTD

largeer