Bộ Nông nghiệp quyết định không xây thêm nhà máy mía đường

Thứ sáu, 20/04/2018, 11:32 AM

Không xây dựng thêm nhà máy sản xuất đường mới, chỉ mở rộng công suất các nhà máy hiện có ở vùng còn khả năng phát triển vùng nguyên liệu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) mới ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

34

Theo quyết định này, Bộ NN&PTNT nêu rõ, đến năm 2020, trong 2,0 triệu tấn đường có 1,3 triệu tấn đường tinh luyện, 0,7 triệu tấn đường trắng và đường khác; không xây dựng thêm nhà máy sản xuất đường mới, chỉ mở rộng công suất các nhà máy hiện có ở vùng còn khả năng phát triển vùng nguyên liệu. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy là 174.000 tấn mía/ngày.

Ngoài ra, tập trung đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để thay đổi cơ cấu sản phẩm (tăng tỷ lệ đuờng trắng, đường tinh luyện), nâng cao công suất ép và hiệu suất thu hồi. Đến năm 2020, có ít nhất trên 70% nhà máy (cụm nhà máy) có công suất trên 4.000 tấn mía/ngày; rút ngắn thời gian ép bình quân còn 110-115 ngày/vụ.  Đến 2030, tổng công suất thiết kế của các nhà máy khoảng 230.000 tấn mía/ngày; sản lượng đường khoảng 2,5 triệu tấn, trong đó đường tinh luyện là 1,6 triệu tấn, đường trắng và các loại đường khác 0,9 triệu tấn. Có trên 90% nhà máy (cụm nhà máy) đạt công suất từ 4.000 tấn/mía ngày trở lên. 

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, diện tích sản xuất mía ổn định 300.000ha, sản lượng mía trên 20 triệu tấn; sản lượng đường 2,0 triệu tấn. Đến năm 2030, giữ ổn định diện tích, tăng năng suất để đạt sản lượng mía 24 triệu tấn, sản lượng đường 2,5 triệu tấn. Định hướng sản xuất đường đến năm 2020 là không xây dựng thêm nhà máy sản xuất đường mới, chỉ mở rộng công suất các nhà máy hiện có ở vùng còn khả năng phát triển vùng nguyên liệu.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, cần hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đa dạng hóa sản phẩm mía đường, chú trọng nghiên cứu và hỗ trợ sản xuất ethanol làm nhiên liệu sinh học từ mía và mật rỉ…

  Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động ngăn chặn đường lậu hiệu quả, tập trung vào các đầu mối buôn lậu lớn và có chế tài xử phạt nghiêm khắc; xây dựng hệ thống dữ liệu, cập nhật thông tin thị trường đường thế giới để chủ động tham gia vào các giao dịch khi có đủ điều kiện …

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), hiện nay cả nước có 41 nhà máy chế biến mía đường, quy mô sản xuất mức nhỏ và vừa là phổ biến. Chỉ có 8/38 nhà máy có công suất ép lớn hơn 6.000 tấn mía/ngày. Trong khi đó, thông thường một nhà máy phải có công suất từ 6.000 tấn mía/ngày trở lên mới đạt được lợi thế về quy mô.

Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho hay, lượng đường tồn kho của Việt Nam từ năm 2017 còn rất lớn, hiện nay còn trên 314.000, thêm vào đó là niên vụ mới đang sản xuất.

Bên cạnh đó, nguồn cung đường thế giới đang dư thừa. Trong khi đó, giá thành sản xuất đường của Việt Nam vẫn cao hơn hẳn các nước trong khu vực và thế giới. Hiện giá thành đường của Việt Nam khoảng 50 USD/tấn đường. Trong khi đó, giá thành đường của Braxin 16 USD/tấn, Thái Lan 30 USD/tấn…

Diệu Thuỳ

Theo infonet

largeer