Bộ Công Thương chưa tính đến việc cắt điện trong tháng 6

Thứ bảy, 27/05/2023, 11:32 AM

Bộ Công Thương dự báo phụ tải những ngày tới sẽ tăng cao hơn kế hoạch đã duyệt, khả năng lên 830 triệu kWh/ngày.

Chiều 26-5, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trao đổi thông tin về tình hình cung ứng điện và một số vấn đề liên quan.

“Sẵn sàng cho các kịch bản cực đoan hơn”

Về tình hình cung ứng điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết: Việt Nam (VN) đang ở giai đoạn cuối mùa khô, nhu cầu sử dụng điện ngày nắng nóng tăng cao. Thông thường, vào thời điểm này trong năm, lượng nước xuống thấp làm công suất sản xuất điện của các nhà máy thủy điện giảm đi.

Theo ông An, qua theo dõi của Bộ Công Thương, phụ tải bốn tháng đầu năm tăng tương đối nhẹ. Tuy nhiên, bước sang tháng 5, sản lượng điện trung bình ngày lên đến 808 triệu kWh, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trong ngày 19-5 lập kỷ lục lên 923 kWh.

Dự án điện mặt trời Đa Mi (Bình Thuận). Ảnh: DHD

Dự án điện mặt trời Đa Mi (Bình Thuận). Ảnh: DHD

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết bên cạnh các yếu tố từ thời tiết, việc chuẩn bị nguồn điện cho mùa hè năm nay cũng gặp khó. Một số nhà máy có công suất lớn sửa chữa kéo dài như Vũng Áng 1, một tổ máy của Nhà máy Phả Lại…

 
Đến ngày 26-5, có 52/85 nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất 3.155 MW đã nộp hồ sơ đến EVN để xem xét đàm phán, 33 nhà máy điện với tổng công suất 1.581 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

Trước tình hình trên, Thủ tướng đã họp với Bộ Công Thương và chỉ đạo bằng mọi cách phải đảm bảo cung ứng điện. Những giải pháp được đưa ra là đảm bảo vận hành các nhà máy điện, khắc phục sự cố của các tổ máy; các đơn vị phải lo đủ nhiên liệu cho phát điện, đầu tiên là cung cấp than, dầu; huy động nguồn nhiên liệu khí; điều tiết hồ chứa thủy điện một cách hợp lý; triệt để tiết kiệm điện; sớm thỏa thuận giá để đưa điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp hòa vào lưới điện.

“Bộ Công Thương dự báo phụ tải những ngày tới sẽ tăng cao hơn kế hoạch đã duyệt, khả năng lên 830 triệu kWh/ngày. Tuy nhiên, miền Nam bước vào mùa mưa nên nhu cầu sử dụng điện sẽ sớm bình ổn trở lại. Nỗi lo về cung ứng điện chỉ tồn tại ở miền Bắc… Dự báo có cắt điện hay không thì chúng tôi vẫn chưa tính nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng cho các kịch bản cực đoan hơn” - ông An nói.

Điện nhập khẩu chỉ có tỉ trọng rất nhỏ

Về vấn đề nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào mà dư luận những ngày qua đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh nhiều dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp chưa được huy động. Giải đáp thắc mắc, ông An cho hay hiện VN có đường dây liên kết với các nước láng giềng, như miền Nam Trung Quốc với cấp điện áp 220 kV; liên kết với Lào, Campuchia với sản lượng điện nhập khẩu tương đối nhỏ. Đơn cử, chỉ nhập của Lào khoảng 7 triệu kWh/ngày, Trung Quốc 4 triệu kWh/ngày, trong khi với miền Bắc phải cần tới 450 triệu kWh/ngày.

 Theo ông An, việc nhập khẩu những nguồn điện này không hẳn thiếu điện mới nhập, mà từ nhiều năm trước đó VN đã mua điện của các nước bạn, như mua của Trung Quốc từ năm 2005. Việc nhập khẩu điện của Lào cũng theo hiệp định giữa hai chính phủ. Ngoài nhập khẩu, VN cũng xuất khẩu điện sang Campuchia từ nhiều năm nay. “Việc trao đổi điện năng hiện nay chỉ là mối quan hệ láng giềng, trong giai đoạn hiện nay khi đứng trước nguy cơ thiếu điện thì được kWh nào cũng quý” - ông An nhấn mạnh.

Thông tin thêm về tiến độ đàm phán với các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, ông An cho hay ông đã gặp các nhà đầu tư để nghe về các vướng mắc và có các chỉ đạo tháo gỡ.

Đến ngày 26-5, có 52/85 nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất 3.155 MW đã nộp hồ sơ đến Tập đoàn Điện lực VN (EVN) để xem xét đàm phán, 33 nhà máy điện với tổng công suất 1.581 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

Hiện có 39 nhà máy với tổng công suất 2.363,7 MW đề xuất giá điện tạm bằng 50% khung giá trần theo quy định để làm cơ sở huy động. Đến nay, có 16 dự án đã hòa lưới để thí nghiệm các thông số. Còn năm dự án hiện thỏa mãn các hồ sơ và đủ điều kiện phát điện lên lưới sau khi chốt thử nghiệm. Tổng công suất của năm dự án là 391 MW.

Lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá đây là con số vẫn còn khiêm tốn. Nếu chủ đầu tư không nỗ lực thì rất khó vận hành thương mại được, do dự án điện có nhiều quy định phải tuân thủ.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, hiện vẫn có nhiều chủ đầu tư vi phạm các quy định pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng… nên chưa đáp ứng các thủ tục pháp lý, chưa thể đàm phán giá với EVN. Một số chủ đầu tư đã được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ cuối tháng 3-2023 nhưng sau hai tháng vẫn không bổ sung được.

“Đây là lúc các chủ đầu tư cần gấp rút hoàn chỉnh thủ tục và nộp hồ sơ để việc thỏa thuận giá điện không bị kéo dài, rút ngắn thời gian đưa các dự án này vào vận hành, từng bước giải quyết bài toán kinh doanh của doanh nghiệp” - Bộ Công Thương nhấn mạnh.•

Không hy sinh mục tiêu cung ứng điện cho mục tiêu kinh tế

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết: “Quan điểm nhất quán của Bộ Công Thương và EVN là doanh nghiệp có vai trò chủ đạo trong cung ứng điện, phải đảm bảo cung ứng điện. Đắt mấy thì chúng ta cũng phải đảm bảo cung ứng điện. Không vì kinh tế mà chúng ta cắt điện, không hy sinh mục tiêu cung ứng điện cho mục tiêu kinh tế”.

Theo ông An, năm nào cũng vậy, vào mùa khô bao giờ chi phí sản xuất điện cũng cao. Năm nay sản xuất điện phải chạy dầu, do vậy chi phí sản xuất điện cũng cao hơn nhưng vẫn phải chấp nhận để đảm bảo mục tiêu cao nhất là cung ứng điện. “Nhưng chúng tôi cũng mong cả xã hội tiết kiệm điện vì chúng ta đang phải sản xuất điện với giá thành cao, cứ mỗi hộ dân bớt được một số điện là đỡ rất nhiều cho hệ thống điện” - ông An nhấn mạnh.

AN HIỀN

Theo plo.vn

largeer