Bình Phước, dân ngậm ngùi nhìn vườn tiêu trơ gốc

Thứ tư, 18/04/2018, 12:25 PM

Giá tiêu rớt về mức giá 10 năm trước làm người nông dân rơi vào khốn đốn, thậm chí phải ngậm ngùi bỏ cả vườn tiêu vì không đủ kinh tế để chăm sóc. Đây là thực trạng tại tỉnh Bình Phước – một trong những nơi trồng hồ tiêu lớn nhất cả nước.

Nhiều biến động với cây tiêu trong hai năm gần đây

Cách đây hai năm, cụ thể vào tháng 5/2016, giá hồ tiêu giao động từ 160 ngàn – 180 ngàn/kg. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi như đất đỏ bazan, nguồn nước dồi dào, cây tiêu như “hổ mọc thêm cánh” trở thành nguồn thu nhập chính và đem lại lợi nhuận cao cho người dân Bình Phước. Thế nhưng chỉ hai năm sau, đến tháng 3/2018, giá tiêu giảm mạnh chỉ còn 54 ngàn/kg. Mức giá này tương đương với giá tiêu cách đây 10 năm.

Để có một mùa thu hoạch tiêu, người nông dân phải lao động và đầu tư kinh tế suốt nhiều năm ròng. Mỗi năm cây tiêu chỉ có một vụ mùa, vì vậy toàn bộ số vốn đầu tư, chăm sóc chỉ có thể trông cậy vào một vụ mùa duy nhất.

Anh Nguyễn Văn, chủ một vườn tiêu tại Lộc Ninh, Bình Phước cho biết “Ai nghe nói một năm thu vài tấn tiêu tưởng là mình lời dữ lắm. Nhưng tính coi cả năm mình chăm nó, phân bón, tưới tắm, điện nước, tiền công thuê chăm sóc, tiền công thuê người hái... Tiền vụ trước để dành lo vụ sau, làm hoài làm mãi cũng chỉ nhiêu đó. Mà giờ tiền tiêu còn rẻ hơn tiền công thuê hái thì lời đâu ra mà chăm nó tiếp”

Khí hậu biến đổi những năm gần đây cũng tác động không nhỏ vào “thủ phủ” hồ tiêu của cả nước. Năm 2016 và 2017, tỉnh Bình Phước phải trải qua đợt khô hạn nghiêm trọng nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Các loại nguồn nước mặt và nước ngầm đều đã cạn kiệt, cây trồng không chỉ bị mất mùa mà còn mất trắng cả giống.

“Có gia đình phải đào thêm 4,5 cái giếng nhưng vẫn không đủ nước tưới cho cây tiêu, đến mức họ phải chặt cả vườn chuối để um gốc giữ nước cho cây tiêu mà vẫn không qua nỗi mùa khô” Anh Nguyễn Văn ngậm ngùi.

Cây tiêu khô héo vì hạn hán và không được chăm sóc

Cây tiêu khô héo vì hạn hán và không được chăm sóc

Ngoài ra, cây tiêu Bình Phước còn phải đối diện với dịch bệnh lạ. Hàng loạt vườn tiêu tại Bù Đốp đang rơi vào cảnh thối gốc, khô dây, khô lá nhanh chóng. Tốc độ lây lan của bệnh dịch nhanh đến mức từ đầu năm 2018 đến nay đã có trên 150 ha hồ tiêu chết trơ gốc. Mặc dù người dân đã phun thuốc trị vàng lá nhưng vẫn không thể cứu vãn được cây trồng của mình.

Nông dân phải tự mò lối thoát cho mình

Thời gian gần đây, nông dân tại Bù Đốp, Lộc Ninh truyền tai nhau về giống tiêu Srilanka, giống tiêu mới từ Campuchia có khả năng chống bệnh dịch và cho năng suất cao.... Được biết, mỗi trụ tiêu Srilanka trưởng thành có thể thu từ 10kg tiêu khô trở lên, gấp 3-4 lần so với giống tiêu thường, khả năng chống bệnh dịch cũng cao hơn hẳn các giống tiêu cũ. Mặc dù đã được trồng từ những năm 2016 tại các khu vực như Đăk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng thế nhưng vẫn chưa có cơ quan chuyên môn nào xác nhận về chất lượng, khả năng chống bệnh dịch, chất lượng hạt tiêu, độ cay nồng của hạt tiêu...của giống tiêu Srilanka này.

Trước đây, người nông dân đã không ít lần điêu đứng bởi những giống tiêu lạ chưa được xác nhận như Malaysia, Amazon. Thế nhưng vì quá chán ngán với giống tiêu cũ không chịu được bệnh dịch, mong có năng suất cao lẫn chưa có kiến thức chuyên môn nên người dân vẫn “liều mình” chuyển qua giống mới bất chấp những rủi ro có thể xảy ra khiến “tiền mất tật mang”.

Ngoài ra, người nông dân còn bỏ trắng vườn tiêu để chuyển sang những cây trồng khác đang có giá cao như sầu riêng, mít, măng cụt... Việc chuyển đổi mang tính tự phát này là nguyên nhân cho sự mất cân bằng giữa cung và cầu của thị trường nông sản.

Chị Bùi Yến Lan, chủ vườn tiêu tại Lộc Hòa, Lộc Ninh, Bình Phước cho biết “Tiêu chết vì bệnh dịch, rồi mất giá, người ta bỏ bê phân bón, không phun thuốc nên mất mùa, thu hoạch ít. Rồi họ bỏ qua trồng sầu riêng mong là được giá. Tự lần mò cứu mình thôi, chứ giá tiêu này không cầm cự nổi đâu. Nhìn nó chết mình xót lắm chứ, mà giá còn có ¼ hồi năm ngoái thì ai mà thiết tha nữa.”

Sầu riêng xanh tốt thì vườn tiêu lại bị

Sầu riêng xanh tốt thì vườn tiêu lại bị "bỏ rơi"

Bình Phước có hơn 14000ha hồ tiêu, được xem như vùng trọng điểm trồng tiêu của cả nước. Thế nhưng với giá cả bấp bênh, khó khăn trong canh tác do thiếu kiến thức chuyên môn lẫn khoảng cách giữa cơ quan chuyên ngành với người nông dân thì có lẽ người dân Bình Phước vẫn phải tự mò mẫm tìm hướng đi cho nghề nghiệp của mình.

Hoài Viễn

Theo NTD

largeer