Bình Dương thành lập “đội xử lý… xả trộm rác”
Thời gian qua, trước tình hình xả rác vô tội vạ ra môi trường, tại nhiều địa phương cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã thành lập những “đội xử lý hành vi… xả trộm rác”. Mô hình trên đã mang lại nhiều hiệu quả.
Điển hình là Ban chủ nhiệm chương trình “khu phố không rác” tại khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An. Nơi đây, thường xảy ra hiện tượng người đi đường, hộ mua bán và cả doanh nghiệp thu gom chất thải lén lút vứt, đổ rác tại các bãi ven đường, các bãi đất trống trong khu dân cư…
Không chỉ vận động thu gom, dọn dẹp rác trên các tuyến đường, Ban chủ nhiệm đã “mật phục” bắt quả tang, xử lý nhiều trường hợp lợi dụng đường vắng để đổ rác…
Nhờ thường xuyên phối hợp tuyên truyền với tuần tra, xử lý của các đơn vị chức năng và địa phương, tình trạng bỏ rác bừa bãi, người ngoài địa phương lén lút đổ chất thải trên địa bàn khu phố đến nay đã giảm hẳn.
Đến nay, khu phố Bình Quới B đứng vị trí số 1 ở địa phương là “khu phố không rác”. Hầu hết các hộ dân trong khu phố đều trang bị thùng rác gia đình và đăng ký thu gom với tổ thu gom rác dân lập; không có bảng quảng cáo rao vặt sai quy định; không để tồn dư rác trên đường...
Tương tự, từ năm 2011 đến nay, Câu lạc bộ (CLB) “5 không, 3 sạch” tại tổ 10 khu phố Nội Hóa 2, thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Bình An (thị xã Dĩ An), cũng trở thành tấm gương tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường. Chỉ với 22 thành viên, nhưng CLB thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý các hành vi xả rác ra môi trường…
CLB đặt ra tiêu chí “sạch ngõ” để vận động người dân vừa góp công sức, vật chất nhựa hoá, bê tông hoá các ngõ hẻm… Nhờ vậy, tiêu chí 3 sạch “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” đã trở thành việc làm thiết thực.
Ông Lê Quang Vinh – Phó Bí thư thị xã Thuận An – cho biết: “Mô hình các tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi xả rác ra môi trường ở tỉnh Bình Dương rất đa dạng. Dù mỗi nơi có tên gọi khác nhau, nhưng cùng chung mục đích hành động. Chúng tôi rất quan tâm và ủng hộ các mô hình này, để góp phần bảo vệ môi trường, giáo dục ý thức cho cộng động”.
Trong khi đó, trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, đến nay đã có 111 mô hình tổ tự quản bảo vệ môi trường ở khu dân cư, tại 100% khu phố trên địa bàn thành phố. Các tổ tự quản ngoài công tác tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường còn gắn với thực hiện các công trình cụ thể xây dựng tuyến phố xanh, thường xuyên ra quân tháo dỡ quảng cáo rao vặt sai quy định, dọn dẹp vệ sinh các tuyến hẻm, trồng cây xanh…
Năm 2018, Sở TNMT tỉnh BD đã xử lý hơn 50 tổ chức – cá nhân sai phạm trong quản lý chất thải, với số tiền phạt gần 4 tỉ đồng. Dự kiến năm 2019, Bình Dương đẩy mạnh hơn nữa công tác này, bằng việc kiểm tra 133 tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Hoàng Hưng
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội