Cúng xong, xả rác dưới chân Phật: Lời thật!
Để lại hàng nghìn chai nước, chân hương dưới chân tượng Quán Thế Âm Bồ Tát là do quá đông người trong khi ai cũng "vội" về đón khách.
Đó là lời giải thích của nhiều Phật tử chia sẻ với Đất Việt khi nói về kiểu xả rác kỳ cục của hàng nghìn người khi đến chiêm bái tượng Quán Thế Âm Bồ Tát tại chùa Thiên Hương, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế vào chiều mùng 1 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Ý thức hay thiếu tổ chức?
Anh Nguyễn Đức Phước (39 tuổi, ngụ huyện Kinh Môn, Hải Dương) cho rằng, tình trạng xả rác bừa bãi diễn ra ở bất cứ chỗ nào mà người Việt Nam tụ tập đông người.
"Đây là ý thức của người dân, nếu chỉ cần mỗi người tự nhận thấy hành động của mình sẽ làm tổn hại đến môi trường thì đã không có chuyện xả rác bừa bãi xảy ra" - anh Phước nói.
Theo anh Phước, việc xả rác tại các lễ hội là do "tiện tay" của mỗi cá nhân, họ đã coi đó là thói quen nên thấy hành động đó là bình thường. Nhưng không hiểu rằng, chính hành động đó lại đang làm ô nhiễm đến thần, Phật.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Tuyết (63 tuổi, ngụ TP. Vinh, Nghệ An) thừa nhận bản thân đi lễ chùa nhiều và nhiều lần cũng vô tình xả rác bừa bãi. "Có khi là mình vô ý, không nghĩ gì mà vứt bừa nhưng nhiều lúc bản thân cũng muốn tìm thùng rác để bỏ phế liệu vào nhưng nhìn quanh lại chẳng thấy đâu nên mới quyết định xả rác bừa bãi" - bà Tuyết kể.
Bà Tuyết tâm sự thêm: "Khi đến chùa, mọi người cũng thường có ý thức hơn, không nô đùa, cười nói vô tư, thô tục nhưng việc xả rác là khó tránh khỏi, nhất là những chùa nổi tiếng, đông người đến thì hiện tượng này lại càng diễn ra. Đến ngày lễ Tết thì chùa nào cũng đông người, đáng nhẽ ban quản lý chùa cần phải nắm được điều này mà bố trí thêm các điểm thu gom rác thì chắc chắn sẽ không có tình trạng xả rác bừa bãi xảy ra".
Đầu độc thánh thần
Đại đức Thích Chí Thiện - Trụ trì chùa Giao Quang (Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) chia sẻ, theo quan niệm của Phật giáo, con người và thiên nhiên luôn hòa hợp với nhau. Việc xả rác bừa bãi của con người đang bức tử thiên nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc con người đang đầu độc chính mình.
"Phật giáo là tôn giáo có ý thức bảo vệ môi trường một cách sâu sắc, không chỉ coi trọng bảo vệ tâm hồn bên trong, đồng thời cũng chú ý sự cân bằng sinh thái bên ngoài. Bảo vệ môi trường tâm hồn, cần phải bắt đầu dựa vào con người tịnh hoá tam độc tham, sân, si của bản thân; cân bằng sinh thái, thì phụ thuộc vào sự chung sức của mọi người để duy trì" - Đại đức Thích Chí Thiện nói.
Không chỉ tình trạng xả rác bừa bãi ngay dưới chân Phật mà nhiều người đi lễ chùa đầu năm còn "nhức mắt" với cảnh người ăn mặc hở hang vào chùa thắp hương bái Phật.
Đại đức Thích Chí Thiện cho hay, đình, chùa... là chốn linh thiêng. Đến cả những vị lãnh đạo cấp cao khi bước vào cũng phải tỏ lòng thành kính. Những hành động như xả rác, ăn mặc thiếu nghiêm túc bước vào cửa chùa thì sẽ làm đi mất tính trang nghiêm của nơi thờ tự.
"Người khác sẽ tự đánh giá về hành động đó của họ. Còn với quan điểm của Phật giáo thì khi đó con người tâm chưa tịnh, chưa diệt được sân, si, tham lam trong người thì mọi lời cầu nguyện đều trở lên vô nghĩa" - Đại đức Thích Chí Thiện nói.
Vân Long
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội