Bị giám đốc công ty lừa đảo, hàng chục người dân kêu cứu

Thứ hai, 10/09/2018, 23:16 PM

Cho rằng giám đốc một công ty xuất khẩu lao động lừa đảo, hàng chục người dân ở TP.HCM kéo đến trụ sở công an trình báo, tố cáo.

Trưa 10/9, Công an phường 12 (quận Gò Vấp, TP.HCM) tiếp nhận hàng chục đơn phản ánh của người dân tố ông Đoàn Duy Bình, Giám Công Ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hajime (Công ty Hajime), trụ sở tại phường 12, quận Gò Vấp lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại đây, người dân giao nộp nộp hàng chục hồ sơ, hợp đồng xuất khẩu lao động cho cơ quan công an để điều tra xử lý.

Theo các nạn nhân, ông Đoàn Duy Bình lợi dụng mối quan hệ quen biết đã tiếp cận với nhiều người dân có nhu cầu cho con em đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản.

Để tạo lòng tin, ông Bình “nổ” mình đã từng làm việc ở Nhật Bản, có mối quan hệ nhiều công ty nên dễ dàng đưa người qua nước này xuất khẩu lao động với giá rẻ, khoảng 6.000USD.

Hàng chục người dân, học viên tố Giám Công Ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hajime lừa đảo.

Hàng chục người dân, học viên tố Giám Công Ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hajime lừa đảo.

Nạn nhân Nguyễn Trung Tuyến (SN 1991, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, khoảng tháng 10/2017, biết anh có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, một người bạn giới thiệu anh đến Công ty Hajime. Tại đây, anh được ông Đào Duy Bình, Giám đốc Công ty Hajime hứa sẽ giúp đưa sang Nhật Bản làm cơ khí với mức lương 40 triệu đồng/tháng.

“Quá trình học, tôi đóng trực tiếp cho ông Bình tổng cộng 120 triệu đồng. Tuy nhiên, đến thời gian bay, ông Bình nói công ty gặp sự cố phải chờ để giải quyết. Sau đó không lâu, tôi liên lạc với ông Bình thì không được, hỏi những người học cùng mới biết ông này lừa đảo.

Tôi làm thợ cơ khí ở TP.HCM với đồng lương ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống nên quyết định xuất khẩu lao động sang Nhật Bản để cải thiện thu nhập, giúp đỡ gia đình. Ai ngờ qua đó không được, tiền lại đang có nguy cơ mất trắng. Toàn bộ số tiền 120 triệu đồng đóng học tôi đều vay ngân hàng với lãi suất cao.

Từ khi vay tiền nộp cho ông Bình để được đi xuất khẩu lao động, cuộc sống gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn”, anh Tuyến buồn bã nói.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Nga (SN 1970, quê Long An) cũng có con trai là Trần Nguyễn Hoài Anh được ông Đào Duy Bình giới thiệu học tại công ty để xuất khẩu lao động sang Nhật Bản.

 Bà Nga, người đóng tiền cho ông Bình với mong muốn đưa con đi xuất khẩu lao động.

 Bà Nga, người đóng tiền cho ông Bình với mong muốn đưa con đi xuất khẩu lao động.

“Hứa 4-6 tháng học xong sẽ bay sang đó liền, nhưng đến nay đã hơn 1 năm trời, cháu nó vẫn ở nhà chờ. Khi tôi hỏi lí do vì sao chậm đi thì ông Bình nói trục trặc ở công ty rồi trốn tránh cho đến nay”, bà Nga cho biết.

Theo bà Nga, ông Bình yêu cầu gia đình phải đóng toàn bộ số tiền 139 triệu đồng mới được tham gia khóa học trước khi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản.

“Toàn bộ số tiền cháu học gia đình tôi đều phải vay mượn với lãi suất 10%. Nếu tôi không lấy được lại số tiền đó chắc gia đình tôi lẽ lâm cảnh nợ nần", bà Nga nghẹn ngào.

Quang Hải

VTC