Bát nháo “quảng cáo láo” cần được nghiêm trị

Thứ ba, 28/05/2019, 10:03 AM

Thị trường bất động sản (BĐS) thời gian qua xuất hiện rất nhiều cảnh báo về dự án ma, dự án không có thật thông qua quảng cáo láo, quảng cáo sai sự thật... để dụ người tiêu dùng. Dù quy định của luật đã có song dường như việc bị xử lý vẫn vô cùng hiếm. Báo Người Tiêu Dùng đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Thái Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM về tệ nạn này.

Dự án được vẽ phối cảnh lung linh, quảng cáo tiện ích hoành tráng nhưng khi phóng viên làm việc với chính quyền thì được biết, địa phương không có bất kỳ dự án nào tên như quảng cáo trên mạng.

Dự án được vẽ phối cảnh lung linh, quảng cáo tiện ích hoành tráng nhưng khi phóng viên làm việc với chính quyền thì được biết, địa phương không có bất kỳ dự án nào tên như quảng cáo trên mạng.

PV: Hiện nay luật đã có chế tài để xử lý tình trạng quảng cáo “láo” trong lĩnh vực BĐS chưa, thưa luật sư?

Luật sư Trần Thái Bình:

Không chỉ riêng quảng cáo trong lĩnh vực BĐS mà quảng cáo đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ giao dịch trên thị trường nói chung được pháp luật quy định rất chặt chẽ nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Việc quảng cáo sai về BĐS sẽ bị phạt hành chính và phải chịu chế tài hành chính theo pháp luật quảng cáo và thậm chí còn có thể chịu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015. Chế tài hiện nay có phạt tiền và nặng nhất còn có cả phạt cải tạo không giam giữ đối với cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

PV: Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm về tình trạng quảng cáo sai sự thật về dự án BĐS?

- Về chủ thể chịu trách nhiệm, hành vi do chủ thể nào gây ra thì sẽ truy trách nhiệm với chính chủ thể đó, có thể đó là chủ đầu tư, bên môi giới, hoặc bản thân bên kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Trách nhiệm có thể liệt kê một cách ngắn gọn và cụ thể như sau:

Theo quy định về xử phạt hành chính liên quan đến lĩnh vực kinh doanh BĐS tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP, nếu chủ đầu tư có hành vi công khai không đầy đủ hoặc không đúng các nội dung về dự án BĐS, dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo đúng quy định thì sẽ bị phạt 50.000.000-60.000.000 đồng (điểm b khoản 1 Điều 57) và buộc phải đính chính lại thông tin. Nếu chủ thể vi phạm là tổ chức môi giới bất động sản thì tổ chức đó sẽ bị phạt từ 40.000.000-50.000.000 đồng (điểm b khoản 3 Điều 58).

Không chỉ dừng lại ở đó, hành vi quảng cáo sai sự thật hoặc quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn nói chung theo quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quảng cáo tại điểm a, b khoản 5 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP còn phải chịu mức phạt từ 50.000.000-70.000.000 đồng đối với cá nhân hoặc 100.000.000-140.000.000 đồng đối với tổ chức và buộc phải tháo dỡ, xóa bỏ hoặc cải chính thông tin.

Thâm chí, đối với riêng cá nhân nào đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quảng cáo gian dối hoặc đã bị kết án về tội quảng cáo gian dối chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ cấu thành tội quảng cáo gian dối theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, người phạm tội sẽ có thể bị phạt tiền từ 10.000.000-100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt thêm 5.000.000-50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

PV: Quan điểm của luật sư về việc quảng cáo sai sự thật trong các dự án BĐS là như thế nào?

- Việc quảng cáo sai sự thật là hành vi vô cùng nguy hiểm cho thị trường nói chung, không chỉ riêng gì thị trường BĐS. Trên thị trường BĐS có những tính chất đặc thù khiến cho hành vi quảng cáo láo trở nên nghiêm trọng hơn và gây thiệt hại nặng nề hơn.

BĐS có thủ tục mua bán, chuyển nhượng phức tạp và hơn hết đây là hàng hóa có giá trị lớn, do đó thiệt hại về thời gian, công sức và tiền bạc nếu có sẽ vô cùng nghiêm trọng. Xét vể mặt vĩ mô, việc quảng cáo sai sự thật nếu xảy ra nhiều và trên diện rộng mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không thể kiểm soát sẽ gây ra những vùng thông tin nhiễu loạn khiến thị trường BĐS của nước ta trở nên không đáng tin cậy trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ảnh hưởng đến tính minh bạch và an toàn của thị trường BĐS quốc gia khiến sức hút của thị trường trở nên yếu đi. Cùng lúc ấy, bản thân người tiêu dùng cũng sẽ dè dặt khiến sức mua BĐS cũng sẽ giảm.

PV: Theo luật sư để triệt tiêu hoặc hạn chế những quảng cáo láo trên thị trường BĐS thì cần phải làm gì?

- Theo tôi, các cơ quan có thẩm quyền cần cố gắng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm. Ngoài ra, về mặt chế tài luật định, đối với các chủ đầu tư, nếu có hành vi vi phạm liên quan thì nên bị áp mức phạt tiền cao hơn nhiều lần để lợi ích họ có được khi quảng cáo sai sự thật sẽ không còn đủ hấp dẫn và thậm chí là buộc tạm ngưng hoạt động kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định. Bên cạnh đó, tội quảng cáo gian dối theo Điều 197 Bộ luật Hình sự cũng chỉ mới áp dụng đối với cá nhân mà không áp dụng với pháp nhân. Đây cũng là một điểm thiếu hợp lý cần điều chỉnh.

Về phía người tiêu dùng, tôi luôn khuyên mọi người phải sáng suốt khi tìm mua BĐS. Phải tìm hiểu thật rõ về thông tin pháp lý liên quan đến dự án nhà ở dự định mua. Người tiêu dùng nên tìm đến những cá nhân, tổ chức có kiến thức và kinh nghiệm về pháp luật BĐS để được tư vấn, hỗ trợ.

Về phía cơ quan chức năng, tôi nhận thấy khung pháp lý của chúng ta gần như đã có đầy đủ nhưng vấn đề thực thi trong thực tế, giám sát, kịp thời chấn chỉnh của cơ quan chức năng phần nào chưa kịp thời và đáp ứng các yêu cầu của tình hình thực tế, dẫn đến tính cảnh cáo, răn đe cũng giảm, khiến cho việc vi phạm càng ngày càng trở nên tràn lan và phổ biến. Để đẩy lùi các tệ nạn này, tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu quả trong việc thực thi và dự báo thực thi pháp luật, áp dụng và thực hiện nghiêm minh pháp luật thì sẽ có kết quả thôi.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguyên Vũ

Theo NTD

largeer