Bài toán khó cho doanh nghiệp khi TP HCM mở cửa lại

Chủ nhật, 12/09/2021, 10:01 AM

Dù rất nóng lòng được mở cửa lại nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết độ phủ vaccine thấp, lao động thiếu hụt sẽ là những rào cản lớn với họ.

Hàng loạt doanh nghiệp tại TP HCM cho biết đang thoi thóp, khó có thể cầm cự thêm sau hơn ba tháng giãn cách, nên việc thành phố mở dần nền kinh tế là rất cấp thiết.

Tuy nhiên, đứng trước "cơ hội tái mở cửa" lãnh đạo nhiều doanh nghiệp không khỏi trăn trở khi phải đối diện với bài toán khó về độ phủ vaccine cho công nhân cũng như sự thiếu hụt nghiêm trọng của lực lượng lao động.

Theo khảo sát của nhiều hiệp hội, số lượng doanh nghiệp có thể trở lại và sớm phục hồi dự báo chỉ khoảng 30-50%, số còn lại đang ở thế "tiến thoái lưỡng nan" do đối mặt nhiều trở ngại.

Độ phủ vaccine thấp

Hiện nay, TP HCM là địa phương được Trung ương ưu tiên phân bổ vaccine, tỷ lệ người dân đủ điều kiện đã được tiêm mũi 1 tính tới 8/9 là khoảng 85%. Dự kiến đến 15/9, hơn 90% người dân đủ điều kiện được tiêm mũi 1, đồng thời thành phố cũng tiêm mũi 2 cho những người đủ thời gian (có thể đạt tới 20-30%).

Thế nhưng, tỷ lệ bao phủ vaccine cho lực lượng lao động tại các doanh nghiệp ở thành phố vẫn khá thấp. Là doanh nghiệp dệt may có hơn 2.000 lao động ở Thành phố Thủ Đức, ông Nguyễn Hoàng cho biết, công ty đã ngưng hoạt động hai tháng nay nên công nhân rất mong được đi làm lại. Cái khó theo ông là mới có khoảng 30% lao động của công ty được tiêm vaccine mũi 1. "Nếu được hoạt động lại, năng lực sản xuất của công ty chỉ đạt tối đa khoảng 50%", ông lo lắng.

Ông Nguyễn Trường, Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ở quận Tân Phú cũng cho hay, người lao động công ty ông đã được tiêm mũi 1 vào ngày 23/6, tới nay vẫn chưa được tiêm mũi 2. Theo ông, để hoạt động sản xuất sớm khởi động lại, cần phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi 2 cho người lao động.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) cũng chỉ ra rằng, dù Chính phủ đã chỉ đạo đưa lực lượng công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp vào diện ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19, nhưng tới cuối tháng 8, tỷ lệ tiêm vaccine (mũi 1) cho công nhân thủy sản tại miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt trung bình 30-40%, chưa có doanh nghiệp nào được triển khai tiêm mũi 2.

Cũng thừa nhận độ phủ vaccine ở doanh nghiệp thấp, ông Đặng Hoàng Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam cho rằng, số liệu văn phòng hiệp hội ghi nhận, phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt các tỉnh vùng sâu, vùng xa chưa được tiêm mũi 2, tỷ lệ tiêm mũi 1 chỉ khoảng 30%. Do đó, nếu mở cửa hoạt động trở lại sau giãn cách, không quá 30-40% doanh nghiệp đáp ứng được.

Tiêm vaccine Covid - 19 tại khu công nghệ cao ngày 19/6. Ảnh: Quỳnh Trần

Tiêm vaccine Covid - 19 tại khu công nghệ cao ngày 19/6. Ảnh: Quỳnh Trần

Thiếu hụt lao động

Bên cạnh tình trạng phủ vaccine thấp, sự thiếu hụt lực lượng lao động cũng là vấn đề nan giải với doanh nghiệp. Chia sẻ với VnExpress, hầu hết doanh nghiệp cho biết, họ có nguy cơ thiếu hụt 30-40% lao động, thậm chí có doanh nghiệp số lượng lao động giảm tới 50% khi hoạt động lại.

"Đây là vấn đề khiến doanh nghiệp đau đầu vì khi đã mở cửa lại vẫn khó tìm lao động do đa phần công nhân đã về quê và chưa có ý định trở lại", ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Vfood nhìn nhận.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp thực phẩm ở TP HCM đang làm 3 tại chỗ, từ đầu tháng 8, công ty đã nhiều lần vạch kế hoạch cho tình trạng "bình thường mới" nhưng càng tính toán, mọi thứ càng sai lệnh do dịch diễn biến phức tạp. Đến nay, lượng lao động tại doanh nghiệp chỉ còn khoảng 40% và đang cố gắng duy trì sản xuất cầm chừng. "Nếu thành phố có mở cửa trong tháng 9 thì doanh nghiệp cũng chỉ dám cầm cự chứ không đủ lao động để mở rộng", ông nói.

Tình cảnh cũng tương tự với nhóm doanh nghiệp thuỷ sản khi phần lớn đều cho rằng khó quy tụ lao động như ban đầu. Khảo sát của VASEP cho thấy, lượng công nhân toàn quốc giảm 60-70%. Nguyên nhân là họ chưa được tiêm vaccine nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, số khác đã về quê, cách ly hoặc đang điều trị Covid...

Theo thống kê của Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP HCM - HBA, ít nhất 20.000 lao động làm việc trong các khu công nghiệp rời thành phố về quê. Hàng chục nghìn công nhân làm việc ở các khu công nghiệp và chế xuất ở TP HCM nhưng sinh sống ở các khu vực giáp ranh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An... Do đó, khi TP HCM tái mở cửa, nhóm công nhân này cũng sẽ rất khó đảm bảo đủ điều kiện quay trở lại nhà máy vì chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid.

Báo cáo "Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP HCM giai đoạn Covid-19 lần thứ tư" của Trường Đại học Kinh tế - Luật và Viện nghiên cứu Phát triển công nghệ ngân hàng, Đại học Quốc gia TP HCM công bố mới đây cho thấy, cơ hội việc làm vốn đã suy giảm trong thời gian giãn cách, nhiều khả năng sẽ giảm mạnh hơn sau giãn cách, nhất là cơ hội việc làm với lao động tự do, kinh doanh cá thể. Nếu không có biện pháp kịp thời, tỷ lệ thất nghiệp của TP HCM và khu vực phía Nam sẽ tăng mạnh.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, dòng lao động di chuyển về quê và chậm quay trở lại TP HCM sau dịch sẽ gây thiếu hụt lao động có tay nghề và kỹ năng chuyên môn.

Công nhân nhà máy dệt may Thành Công sản xuất khi thực hiện phương án

Công nhân nhà máy dệt may Thành Công sản xuất khi thực hiện phương án "3 tại chỗ" - Ảnh: An Phương

Cần các giải pháp căn cơ

Để các doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại và sớm phục hồi, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - Luật và Viện nghiên cứu Phát triển công nghệ ngân hàng đề xuất Chính phủ cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho người lao động trên khắp cả nước. Đây là điều kiện mấu chốt để các doanh nghiệp có thể hoạt động lại an toàn.

TP HCM cũng cần xây dựng căn hộ dành cho công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao,... nhằm cải thiện điều kiện sống của công nhân, hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh, thu thút lao động ngoại tỉnh nhất là lực lượng có tay nghề sớm quay lại thành phố.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu khuyến nghị, bên cạnh gói hỗ trợ từ Chính Phủ, TP HCM cần kiến tạo gói hỗ trợ với quy mô 22.291 tỷ đồng, tương đương 1,7% GRDP năm 2020 mới đủ lớn để tạo động lực cho hồi phục kinh tế.

Việc liên kết vùng giữa các địa phương với nhau trong phát triển kinh tế, đặc biệt là giữa các địa phương TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An cũng rất cần thiết. Bởi hoạt động liên kết vùng thời gian qua chủ yếu dựa vào "công năng của thị trường", chưa đồng bộ và đạt hiệu quả cao. Doanh nghiệp bị tổn thương nghiêm trọng có nguyên nhân lớn từ đứt gãy chuỗi cung ứng do tính liên kết vùng bị bẻ gãy.

Để tránh lặp lại hạn chế này trong tương lai, khi mà khả năng miễn dịch cộng đồng ngày càng khó khả thi vì sự biến chủng nhanh chóng của virus, TP HCM - với vai trò hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - cần chủ trì cùng các tỉnh (ít nhất là những tỉnh giáp ranh) xây dựng chương trình phát triển liên kết vùng bền vững. Đặc biệt, đưa ra các giải pháp duy trì chuỗi cung ứng với các kịch bản chi tiết, tương ứng với mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh nếu dịch bệnh tiếp tục xảy ra trong tương lai, nhằm hạn chế tối đa tổn thương của nền kinh tế.

Thi Hà - Viễn Thông

Theo Vnexpress.net